Lối sống đô thị làm thay đổi não bộ nhiều người chưa biết

Khoảng một nửa dân số thế giới đều cho rằng, điều kiện sinh hoạt ở các thành phố lớn có nhiều thuận tiện trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội... Nhưng đối với sức khỏe tâm thần, lối sống đô thị không phải là ưu điểm!!!

Những cư dân đô thị có xu hướng căng thẳng hơn, có tỷ lệ mắc các bệnh tâm thần và những rối loạn tâm lý, như bệnh tâm thần phân liệt... cao hơn những người sống ở vùng nông thôn và ngoại ô.

Giờ đây những nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy những thay đổi trong hoạt động của não bộ có thể giải thích nguyên nhân tại sao.

Kết quả một dự án quốc tế của những nhà nghiên cứu tại Trường đại học Heidellberg và Viện sức khỏe tâm thần Trường đại học McGill, được công bố trên tạp chí Nature cho thấy, những người sống hoặc lớn lên ở các thành phố có sự khác biệt rõ rệt trong hoạt động của một số vùng não so với những cư dân không sống ở đô thị.

Những người thường xuyên sống trong thành phố có mức độ hoạt động cao hơn của vùng amydala - vùng não điều chỉnh những cảm xúc như lo âu hay sợ hãi. Vùng amydala thường hoạt động trong những tình huống bị căng thẳng hay bị đe dọa, và dữ liệu cho thấy, não của những cư dân đô thị có sự nhạy cảm hơn, thường có phản xạ “dựng tóc gáy” với những tình huống như thế, ít nhất khi so sánh với những người sống ở ngoại ô hay vùng nông thôn.

Nghiên cứu cũng phát hiện rằng, những người lớn lên ở thành phố trong 15 năm đầu đời của họ thường có mức độ tăng hoạt động tại một vùng não khác là anterior cingulated. Theo Jens Pruessner, Giám đốc nghiên cứu về lão khoa và bệnh Alzheimer tại Viện Douglas - một trong các tác giả nghiên cứu cho thấy, vùng não ở những người này có sự thay đổi dai dẳng hơn những người chuyển tới thành phố trong giai đoạn sau của cuộc đời, vì nó xảy ra trong thời kỳ phát triển quan trọng nhất.

Việc sống ở thành phố trong 4 năm đầu đời có nghĩa là họ sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các tình huống căng thẳng qua vùng anterior cingulated trong suốt phần đời còn lại. Các nhà nghiên cứu đi tới kết luận này sau khi thử nghiệm stress trên những người tình nguyện, trong khi não của họ được ghi hình với máy cộng hưởng từ chức năng để theo dõi những vùng não hoạt động nhiều hay ít hơn khi con người cảm thấy căng thẳng. Sự căng thẳng này được tạo ra bằng việc yêu cầu người tình nguyện giải quyết một số vấn đề nan giải, dưới sức ép thời gian và sự chỉ trích của các nhà nghiên cứu trước những sai sót của họ.

Sau đó, nhóm nghiên cứu liên hệ các kết quả chụp não của những người tình nguyện với thông tin họ cung cấp về nơi đang sống hoặc lớn lên. Sự hoạt động của vùng amydala tăng tỷ lệ thuận với mật độ dân số tại quê hương của những người tình nguyện, từ vùng nông thôn tới các thị trấn và các vùng đô thị lớn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, những ảnh hưởng xã hội của lối sống đô thị - sự căng thẳng khi sống cùng và giao tiếp với nhiều người, cảm giác lo âu, sợ hãi và bị đe dọa - lớn hơn so với các yếu tố đô thị khác như ô nhiễm hay tiếng ồn, vẫn được dùng để giải thích cho phản ứng của não bộ liên quan đến sự căng thẳng trong cư dân đô thị.

Mặc dù có vẻ như càng phải đương đầu với stress người ta càng có khả năng kháng cự, thậm chí là miễn dịch với chúng, làm giảm những hành động phản ứng, nhưng sau nhiều năm sống ở thành phố, con người vẫn duy trì mức độ cảnh giác và sự lo lắng cao độ, cho thấy các tình huống gây căng thẳng luôn lặp đi lặp lại và không dễ để thích nghi.

Tác giả Pruessner cho rằng, các cư dân thành phố có thể chưa bao giờ thực sự đương đầu với cùng một tình huống stress Mặc dù các trạng thái căng thẳng có thể giống nhau, như sức ép thời gian hay công việc, hoặc các tình huống nguy hiểm, nhưng chúng luôn luôn có sự khác biệt đủ để người ta không có cơ hội làm quen. Vì thế, điều quan trọng là biết duy trì sự cân bằng. Tuy nhiên, đối với cuộc sống hiện đại, điều đó không dễ để thực hiện.  

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật