Tiêm insulin gây tăng cân không phải người nào cũng biết

Ở hầu hết các bệnh nhân, sau một thời gian điều trị insulin sẽ có tăng cân. Với một số người đây là tin tốt lành nhưng với không ít người đó lại là tác dụng không hề mong muốn chút nào. Để giảm thiểu tác dụng phụ này, mọi người bệnh cần hiểu biết về cơ chế tác dụng của thuốc và áp dụng các biện pháp dưới đây để hạn chế hoặc tránh bị tăng cân không theo ý muốn nhé!

Insulin là thuốc điều trị cho các bệnh nhân (BN) đái tháo đường (ĐTĐ) týp 1 và một số BN ĐTĐ týp 2. Nó là thuốc có tác dụng hạ đường máu mạnh nhất nên được coi là cứu tinh cho nhiều BN khi không đáp ứng với chế độ ăn hoặc các thuốc uống, và khi BN có các biến chứng tim mạch gan thận nặng...

Thuốc insulin có tác dụng như thế nào?

Insulin là một nội tiết tố do tụy tiết ra, có tác dụng giúp cơ thể sử dụng và cất giữ được glucose là nguồn năng lượng chính cho mọi hoạt động của các mô và tế bào. Cụ thể là insulin cho phép glucose đi vào trong tế bào, làm giảm lượng đường trong máu. Nhưng với BN ĐTĐ thì quá trình này bị cản trở, glucose không đi vào được hoặc vào trong tế bào rất ít, dẫn đến glucose bị tích lũy và tăng lên trong máu. Thận có thể bù trừ bằng cách tăng thải glucose ra nước tiểu nhưng cũng không thể hạ được đường máu về mức bình thường.

Ở những BN ĐTĐ insulin được tiêm vào có tác dụng cải thiện khả năng sử dụng và cất giữ glucose của cơ thể nhờ đó làm giảm được đường máu. Hiện nay insulin chỉ có dưới dạng tiêm, còn các dạng viên uống hoặc khí dung thì đang được nghiên cứu và chưa có trên thị trường. Có 2 loại insulin chính là insulin nguồn gốc động vật (bò, lợn) thường đóng lọ 10ml có 400 đơn vị (U40) và insulin nguồn gốc người (tổng hợp theo kỹ thuật tái tổ hợp) đóng lọ 10ml có 1.000 đơn vị (U100). Thông thường insulin được tiêm bằng bơm tiêm 1/3 hoặc 1/2 hoặc 1ml. Ngày nay có loại bút tiêm insulin rất thuận tiện cho người bệnh.

Có mối liên quan gì giữa insulin với tăng cân?

Tăng cân là tác dụng phụ thường gặp nhất của điều trị insulin Nếu tiêm insulin liều càng cao thì glucose đi vào tế bào càng nhiều đồng nghĩa với glucose mất ra nước tiểu càng ít. Lượng glucose mà tế bào không sử dụng hết sẽ được tích lũy dưới dạng mỡ. Vì thế nếu người bệnh vẫn tiếp tục ăn như trước thì họ sẽ nhanh chóng tăng cân ngay sau một vài ngày tiêm insulin.

Một cách lý giải khác là nếu như trước khi bắt đầu tiêm insulin, bạn ăn rất nhiều so với mức mà cơ thể cần nhưng không bị tăng cân do cơ thể không sử dụng được các thức ăn một cách hợp lý và bạn bị mất nhiều năng lượng qua nước tiểu dưới dạng đường niệu. Nhưng sau khi tiêm insulin, cơ thể sẽ sử dụng thức ăn dễ dàng hơn, lấy được nhiều năng lượng hơn do đó có thể bạn ăn ít hơn nhưng vẫn bị tăng cân

Cần lưu ý là tăng cân nhiều sẽ khiến tình trạng insulin ở các BN ĐTĐ týp 2 nặng lên, điều đó có nghĩa là bạn sẽ cần nhiều insulin hơn nữa mới có thể đưa được glucose vào trong tế bào.

Liệu có cách nào tránh tăng cân nhiều khi điều trị insulin không?

Tăng cân là tác dụng phụ khó tránh khỏi và trong một số trường hợp lại là tốt nhưng phải nằm trong tầm kiểm soát. Lựa chọn các thức ăn có lợi và tăng cường hoặc duy trì chế độ tập luyện sẽ giúp bạn ngăn ngừa được sự tăng cân không mong muốn:

Hãy tính toán số lượng calo ăn vào hàng ngày: Ăn ít hơn để tránh bị dư thừa năng lượng. Điều này không phải quá khó, ví dụ nên ăn nhiều rau hoa quảngũ cốc Mỗi bữa ăn nên giảm bớt lượng thức ăn, bỏ các bữa phụ, hạn chế các loại nước uống giàu năng lượng. Nếu cần thì nên tham vấn ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để có kế hoạch chi tiết.

Không được bỏ bữa sáng Bỏ một bữa ăn có thể cắt giảm một vài trăm calo nhưng tác hại thì lại không nhỏ. Vì bỏ bữa sẽ làm giảm tốc độ chuyển hóa trong cơ thể và càng thúc đẩy tăng cân nhiều hơn. Thay vào đó nên chia đều lượng calo ra các bữa ăn trong cả ngày để giữ vững tốc độ chuyển hóa.

Phải vận động: Vận động sẽ khiến cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng hơn, glucose từ máu vào trong tế bào nhiều hơn. Vì thế vận động càng mạnh thì đường máu càng giảm. Hãy đặt kế hoạch tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nên nhớ rằng bất kỳ vận động nào cũng đều có ích, ngay cả những vận động rất đơn giản như đi bộ, leo cầu thang, quét dọn nhà cửa, tưới cây... Đồng thời phải hạn chế ngồi quá nhiều, không xem ti vi quá lâu, cắt ngắn giấc ngủ trưa

Hãy hỏi bác sĩ về các loại thuốc chữa bệnh ĐTĐ khác. Có những loại thuốc như metformin (glucophage) exenatide (byetta) và pramlintide (symlin) có khả năng làm giảm cân và hơn nữa là cho phép giảm liều insulin. Ngược lại các loại thuốc ĐTĐ nhóm sulfonylurea (diamicron, amaryl...) và đặc biệt là thiazolidinediones (rosiglitazone và pioglitazone...) lại gây tăng cân. Vì thế nếu bạn bị tăng cân nhiều thì có thể đề nghị bác sĩ điều chỉnh hoặc thay đổi thuốc ĐTĐ khác để vẫn kiểm soát tốt đường máu mà lại không để tăng cân nhiều.

Tiêm insulin đúng theo hướng dẫn: Không nên vì lo ngại tăng cân mà rút ngắn thời gian điều trị hoặc giảm liều insulin. Mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát tốt đường máu và tiêm insulin chính là vũ khí quan trọng để đạt mục tiêu này. Nếu thay đổi liều, thời gian điều trị insulin quá sớm sẽ có nguy cơ bị tăng đường máu trở lại, khi đó BN có nguy cơ rất cao bị các biến chứng nặng của ĐTĐ.

ThS. Nguyễn Quang Bảy 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật