Bệnh tắc lệ đạo - có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào!

Với nhiều người, nước mắt không rơi dù buồn đến mấy được gọi là chai lì cảm xúc. Nhưng trong nhiều trường hợp, người đó có thể bị tắc nghẽn tuyến lệ đấy! Ai dễ mắc bệnh?

Bình thường, nước Mắt chỉ chảy khi xuất hiện cảm xúc thái quá như buồn bã, giận dữ đau khổ... hoặc bị vật lạ bay vào mắt. Ngược lại, khi không có cảm xúc nhưng nước mắt vẫn lưng tròng, thậm chí rơi thành giọt lã chã thường xuyên, thì đó là dấu hiệu của bệnh tắc lệ đạo

 

Tắc nghẽn lệ đạo là gì?

Lệ đạo là hệ thống ống, có cấu tạo đặc biệt, bắt đầu bằng điểm lệ ở gốc trong mi mắt và kết thúc tại khe mũi dưới. Lệ đạo gồm có lễ lệ, lệ quản, túi lệ, ống lệ mũi.

Nước mắt sau khi bôi trơn và làm sạch bề mặt nhãn cầu sẽ được dồn về gốc trong mắt. Từ đây, nước mắt được dẫn qua lệ đạo xuống mũi. Chính điều này khiến khi khóc sẽ làm chảy cả nước mũi. Người bị tắc lệ đạo phần tắc có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào từ điểm lệ, lệ quản… nhưng hay gặp nhất vẫn là tắc ống lệ mũi. Khi bị tắc lệ đạo, nước mắt sẽ không được dẫn lưu xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài. Nếu tắc kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây nhiễm trùng đường lệ, túi lệ viêm, có nhầy mủ, nhất là khi ấn vào vùng góc trong mắt.

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Trẻ sơ sinh nhất là trẻ đẻ thiếu tháng, cũng có thể bị tắc lệ đạo, (gọi là tắc lệ đạo bẩm sinh), thường do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên ở đầu dưới của ống lệ mũi còn lại màng tắc. Đối với người lớn, các trường hợp tắc lệ đạo mắc phải thường do các chấn thương vùng mắt, xoang hoặc sau các phẫu thuật ở xoang hàm. Những viêm nhiễm mạn tính ở mắt như bệnh mắt hột, viêm kết mạc có thể gây nên chít hẹp lệ đạo. Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn.

Có thể gây viêm túi lệ mạn tính

Ở giai đoạn đầu, bệnh tắc lệ đạo có dấu hiệu mắt ướt, nhìn mọi vật nhòe đi. Trường hợp nặng hơn, nước mắt chảy nhiều. Lâu dài, sự tắc nghẽn lệ đạo làm ứ đọng chất nhờn gây viêm niêm mạc túi lệ và dẫn đến bệnh viêm túi lệ mạn tính. Bệnh nhân thường xuyên chảy nước mắt, kèm theo có chảy nhầy mủ. Vùng góc trong mắt có thể nề nhẹ, căng hơn. Ấn vào vùng này có nhầy mủ trào ra ở khóe mắt. Nếu không được điều trị, viêm mạn tính có thể gây áp xe tại túi lệ, thậm chí gây dò, thoát mủ ra ngoài da. Bệnh nhân thường đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ.

Do bệnh tắc lệ đạo ban đầu không có triệu chứng rõ rệt nên thường đến cơ sở y tế muộn, khiến nhiều người bị biến chứng vĩnh viễn ở mắt. Bởi vậy, khi thấy dấu hiệu hay chảy nước mắt, cần đi khám để các bác sĩ xác định nguyên nhân, loại trừ các bệnh nguy hiểm khác ở mắt như glaucoma bẩm sinh, viêm trong mắt.

Hiện nay, biện pháp điều trị tắc lệ đạo với trẻ em (dưới 6 tháng tuổi) là bơm rửa và thông lệ đạo giúp cho nước mắt lưu thông tốt xuống mũi. Với trẻ lớn và người lớn phương pháp điều trị tối ưu là phẫu thuật để tạo đường thông lệ đạo mới. Phẫu thuật sẽ giúp cho bệnh nhân hết chảy nước mắt, hết viêm nhiễm, mủ nhầy ở túi lệ.        

 Bác sĩ Huy Thái

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật