Viêm da atopy, căn bệnh dị ứng ngoài da thường gặp

Nếu không biết căn bệnh này thì thực sự là một thiếu sót rất lớn trong sự hiểu biết của bạn về các bệnh ngoài da đấy. Tìm hiểu ngay thông tin của căn bệnh này trong bài viết dưới đây nào.

Biểu hiện của viêm da atopy

Biểu hiện bệnh khi cấp tính là đám da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vảy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết.

Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.

Khô da, ban đỏ, ngứa là dấu hiệu đặc trưng để nhận biết. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt và viêm ngứa họng, hen.

Vị trí hay gặp: mặt, trán, mặt gấp các chi, gáy, mi mắt, cổ tay, mu tay, mu chân, trường hợp nặng có thể lan toàn thân. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển sang mạn tính, vùng da bệnh trở nên dày hơn và sẫm màu.

Tổn thương có thể gặp ở bất kỳ vùng da nào của cơ thể. Tuy nhiên, mỗi lứa tuổi lại có một vùng da hay gặp nhất định, ví dụ ở trẻ em thường thấy ở mặt, cổ; còn thanh thiếu niên là ở vùng gấp của khuỷu tay, mặt sau đầu gối.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân của bệnh hiện nay vẫn chưa rõ, tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy bệnh có tính chất di truyền và yếu tố gia đình (60% người bị viêm da cơ địa có con cũng bị bệnh này. Nếu cả bố và mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh).

Ngoài ra, còn có các yếu tố làm bệnh khởi phát và nặng lên bao gồm: các dị nguyên trong không khí như các chất thải của rệp nhà, len dạ... Ngoại độc tố của tụ cầu vàng đóng vai trò siêu kháng nguyên kích thích hoạt hóa T lymphô và đại thực bào.

Dị ứng nguyên nội sinh: trong huyết thanh bệnh nhân có kháng thể IgE có thể kích thích IgE hoặc T lymphô đáp ứng viêm.

Thức ăn: Một số thức ăn cũng có thể làm vượng bệnh như trứng, sữa, lạc, đậu tương, cá, bột mỳ... và các yếu tố khác làm phát bệnh hoặc bệnh nặng lên. Đó là giảm chức năng của hàng rào bảo vệ của da cùng với giảm lớp ceramic trên bề mặt da làm cho da dễ bị mất nước gây khô da.

Mùa hay bị bệnh thường vào mùa thu đông, nhẹ vào mùa hè.

Điều trị viêm da atopy

Về mặt điều trị, quan trọng nhất là giảm ngứa cho bệnh nhân. Các bác sĩ có thể kê một trong các loại thuốc kháng histamin không gây ngủ để giảm ngứa. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các chất kích thích mạnh như các chất tẩy rửa, các hóa chất công nghiệp khác...

Các thuốc chứa corticoid bôi tại chỗ cũng giúp làm giảm triệu chứng rất nhanh. Tuy nhiên, bệnh nhân nên sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, không lạm dụng thuốc để tránh các tai biến.

Ai dễ mắc?

Hiện nay, ở nước ta chưa có nghiên cứu về tỷ lệ hiện mắc. Theo một số báo cáo ở các nước khác, tỷ lệ khoảng 7 - 20%. Theo báo cáo của phòng khám Viện Da liễu Quốc gia, có khi viêm da cơ địa chiếm khoảng 20% số bệnh nhân đến khám tại phòng khám.

Bệnh thường gặp ở lứa tuổi sơ sinh và tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh từ 6 - 20 tuổi. Rất hiếm bệnh nhân phát bệnh khi trưởng thành.

Lời khuyên của thầy thuốc

Đối với người bệnh, khi bị ngứa, tránh chà xát, không gãi là một việc rất quan trọng. Ðồng thời bôi kem dưỡng ẩm là rất cần thiết, vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát.

Đối với trẻ em, bậc phụ huynh cần tắm nhanh, rửa kỹ những nơi bẩn, tránh dùng nhiều xà phòng (dù là xà phòng dành cho trẻ em), tránh kỳ cọ nhiều làm da khô thêm. Vào mùa đông, tránh dùng nước quá nóng làm khô da.

Đặc biệt chú ý, vào mùa đông, người bệnh không nên dùng điều hòa nhiệt độ, máy sưởi (ít hơi nước) sẽ làm khô da gây ngứa. Khi mắc bệnh viêm da atopy, cần mặc quần áo rộng, thoáng mát, bằng vải bông để không ra mồ hôi nhiều, không cọ xát nhiều vào người gây ngứa. Tránh mặc đồ len bó sát người làm da khó chịu. Cắt móng tay để tránh gãi.

Một số biện pháp có thể làm giảm sự tiếp xúc với các chất gây dị ứng làm trầm trọng bệnh. Đối với trẻ bị mắc bệnh, nếu thấy bé không hợp với sữa bò nên cho bé bú sữa mẹ.

Khi mắc bệnh, cần tránh phơi nhiễm, tiếp xúc đối với các chất gây dị ứng như lông, phân chó mèo, gián, cây trồng trong nhà, bụi, mạt gà... là nguyên nhân gây dị ứng thường gặp trong nhà.

Tránh dùng các hóa chất xịt cho thơm nhà, các thuốc xịt ruồi muỗi, một số sơn mới, gỗ mới cũng tỏa ra những chất hóa học làm người bệnh khó chịu. Tránh hút, hít phải khói thuốc lá, thuốc lào. Cần giặt áo kỹ để xả sạch các chất tẩy, xà phòng giặt.

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật