Cẩn trọng với thuốc giảm đau để không gây hại cho sức khỏe

Những người đang có bệnh lý về tim mạch, nhất là người cao tuổi, phải hết sức thận trọng trong lựa chọn thuốc giảm đau.

Đau là triệu chứng thường gặp ở người bệnh. Vì vậy thuốc giảm đau là loại thuốc được dùng thường xuyên và phổ biến nhất. Riêng người già do lão hóa nên dễ bị rối loạn đưa đến đau nhức, rất dễ lạm dụng thuốc giảm đau từ đó bị tai biến do thuốc này.

Nguy cơ bị tác dụng phụ

Có 2 loại thuốc giảm đau là paracetamol và các thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Trong đó aspirin là loại hay được dùng nhiều nhất vì mua ở nhà thuốc dễ dàng, không cần toa của bác sĩ.

Nhiều người biết rằng dùng Paracetamol để giảm đau là an toàn hơn aspirin hoặc các thuốc NSAID khác. Paracetamol không gây đau dạ dày tức không gây viêm loét dạ dày - tá tràng (vì vậy, người bị viêm loét dạ dày - tá tràng không được dùng aspirin hoặc thuốc NSAID mà chỉ nên dùng paracetamol để giảm đau).

Gần đây, trong nhiều thông báo khác nhau, nhiều chuyên gia quốc tế đã đặc biệt lưu ý đến nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc giảm đau đối với 2 nhóm người: nhóm bị hen suyễn và nhóm có vấn đề về tim mạch. Người cao tuổi càng phải lưu ý vì tuổi càng cao càng dễ bị các bệnh tim mạch

Trước hết, người bị hen suyễn hoặc người có cơ địa dễ bị dị ứng cần lưu ý không nên dùng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác. Bởi lẽ, loại thuốc giảm đau này có thể gây co thắt phế quản làm khởi phát cơn hen, làm triệu chứng hen suyễn nặng thêm, đến mức có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Hội chứng bị lên hen suyễn do dùng aspirin hay dùng thuốc NSAID nói chung được gọi là hội chứng AIA (Aspirin Induced Asthma). Do hội chứng AIA khó lường trước được, người có tiền sử bị dị ứng nên thận trọng, tránh dùng aspirin hoặc thuốc NSAID nào khác ngoại trừ được bác sĩ chỉ định vì sự cần thiết để tránh lên cơn hen.

Thứ đến, người đang có bệnh lý về tim mạch nhất là người cao tuổi, phải hết sức thận trọng trong lựa chọn thuốc giảm đau Nên tránh dùng các thuốc NSAID nói chung (ngoại trừ aspirin liều thấp có tác dụng ngừa huyết khối, có thể được bác sĩ tim mạch chỉ định dùng để ngừa đau thắt ngực ngừa nhồi máu cơ tim).

Nếu tự ý dùng thuốc NSAID có thể làm tăng nguy cơ suy tim ở người cao tuổi đang dùng thuốc lợi tiểu để trị bệnh tăng huyết áp hoặc aspirin dùng liều cao trị đau xương khớp có thể làm tăng huyết áp ở người đang mắc bệnh huyết áp cao

Người cao tuổi không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc giảm đau nào mà mình không rõ

Người cao tuổi không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc giảm đau nào mà mình không rõ

Khá nhiều vụ ngộ độc paracetamol

Riêng paracetamol tuy an toàn hơn aspirin trong một số trường hợp nhưng vẫn phải lưu ý độc tính của nó đối với gan Người ta ghi nhận đã có khá nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol dẫn đến hoại tử tế bào gan đặc biệt ở người cao tuổi. Paracetamol gây nhiễm độc gan là do dùng quá liều.

Vì vậy, nên lưu ý: Không được dùng paracetamol để tự điều trị cảm sốt, giảm đau quá 10 ngày ở người lớn và quá 5 ngày ở trẻ con, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.

Đối với người lớn, liều paracetamol thông thường không nên quá 4 g/ngày (mỗi lần chỉ nên dùng 500-1.000 mg, một ngày không quá 4 lần). Riêng người cao tuổi nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan đã kém. Ở nước ngoài, người ta ghi nhận người cao tuổi dễ bị ngộ độc do dùng quá liều paracetamol chỉ vì tự ý uống nhiều thuốc với tên biệt dược khác nhau (thực chất, các thuốc chứa cùng một hoạt chất là paracetamol mà bản thân người đó không biết).

Người cao tuổi uống rượu nhiều không nên dùng bừa bãi paracetamol, đặc biệt không nên uống thuốc với mục đích “ngừa nhức đầu”. Paracetamol và rượu đều có hại cho gan. Do đó, nếu kết hợp sẽ làm tăng độ nguy hại lên nhiều lần.

Người già khi cần giảm đau chỉ nên dùng thuốc giảm đau bậc 1, tức nên chọn paracetamol là thuốc dùng đầu tiên, uống đúng liều và không kéo dài. Nếu tình trạng đau không cải thiện hoặc cải thiện nhưng sau đó lại tái phát, nên đến cơ sở điều trị để được bác sĩ khám, xác định nguyên nhân và giúp chọn loại thuốc giảm đau thích hợp.

Người già không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc giảm đau nào mà mình không rõ hoặc dùng loại thuốc giảm đau bậc cao hơn (bậc 2) vì có thể bị nghiện thuốc và tai biến nguy hiểm. Thuốc giảm đau bậc 2 là thuốc kết hợp paracetamol với thuốc giảm đau gây nghiện trung bình là codein (biệt dược paracetamol+codein có tên efferalgan-codein) hoặc paracetamol+tramadol (biệt dược ultracet). Đây là các thuốc chỉ để bác sĩ chỉ định dùng, nếu tự ý dùng bừa bãi thì lâu ngày sẽ bị nghiện.

Không tự dùng thuốc chứa corticoid

Người già cũng tuyệt đối không tự ý tìm mua thuốc có chứa corticoid điều trị giảm đau vì sẽ dẫn đến hậu quả bị tai biến rất nặng nề. Cần biết, corticoid là thuốc có tác dụng chống viêm mạnh nên giảm đau rất tốt. Thế nhưng, nếu dùng corticoid không đúng, người già sẽ bị loãng xương tăng huyết áp bị huyết khối làm nghẽn mạch, loét dạ dày bị giảm sự đề kháng dẫn đến nhiễm trùng bị teo tuyến thượng thận…

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật