Cách sơ cứu người già khi bị sặc cháo mà không phải ai cũng biết

Sặc cháo là vấn đề thường gặp ở đối tượng trẻ em. Tuy nhiên, người cao tuổi cũng rất có thể gặp phải tình trạng này, bởi lẽ họ chỉ ăn được các loại cháo và thức ăn xay nhuyễn. Nguyên nhân là do phản xạ nuốt ở người già bị ảnh hưởng hoặc những người bị bệnh lý gây rối loạn phản xạ nuốt.

Những khả năng cháo đi vào đường thở

ThS. Nguyễn Kiên Cường – Viện Y học Dự phòng Quân đội cho biết: Có thể xảy ra 2 khả năng gây sặc cháo làm cho cháo vào trong đường thở:

'Bít tắc đường thở không hoàn toàn: Có triệu chứng khó thở, ho sặc, tuy nhiên người bệnh vẫn có thể nói, vẫn có thể trả lời câu hỏi'.

Về khả năng thứ 2, ThS. Cường cho biết: 'Bít tắc đường thở hoàn toàn. Dị vật làm tắc nghẽn đường thở khiến người bệnh không nói được hoặc gặp khó khăn, không ho được hiệu quả, có dấu hiệu nghẹt thở tím tái, và có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong nếu không sơ cứu kịp thời'.

Sặc cháo thường gặp ở người cao tuổi (Ảnh minh họa: Internet)

Sặc cháo thường gặp ở người cao tuổi (Ảnh minh họa: Internet)

Cách sơ cứu người già khi bị sặc cháo

Đối với khả năng đầu tiên là bít tắc đường thở không hoàn toàn, cách hợp lý nhất để khắc phục trong trường hợp này là để người bị sặc tự ho khạc, tống dị vật ra ngoài. Tuyệt đối không được dùng nghiệm pháp đẩy bụng hoặc đấm lưng.

Bít tắc đường thở hoàn toàn khó hơn rất nhiều nên không thể tự ý cứu chữa tại nhà. Trong tình huống này, cần bình tĩnh, gọi cấp cứu 115. Nếu người bệnh còn tỉnh thì truyền đạt ý định cấp cứu đến người bệnh và tiến hành đan xen biện pháp vỗ lưng 5 lần và đẩy bụng 5 lần cho đến khi dị vật được tống ra. Tư thế của bệnh nhân là đang ngồi hoặc đứng. Chú ý làm sạch và thông thoáng đường thở bằng cách lấy bỏ cháo còn trong khoang miệng, cổ.

Cần phải sơ cứu nạn nhân trước khi đưa đi bệnh viện (Ảnh minh họa: Internet)

Cần phải sơ cứu nạn nhân trước khi đưa đi bệnh viện (Ảnh minh họa: Internet)

Hướng dẫn phương pháp sơ cứu

ThS. Nguyễn Kiên Cường chia sẻ phương pháp sơ cứu khi có người nhà bị sặc cháo, theo 2 cách sau đây:

Đầu tiên là tiến hành 5 lần vỗ lưng bằng gót bàn tay:

- Dùng phần cuối của bàn tay (gót bàn tay) vỗ mạnh vào lưng nạn nhân 5 lần riêng biệt tại vị trí giữa hai bả vai.

- Cần đảm bảo việc vỗ lưng đủ mạnh và mỗi lần vỗ lưng được tách biệt. Cố gắng đánh bật dị vật ra với mỗi lần vỗ lưng.

- Đánh giá tình trạng cải thiện sau mỗi lần vỗ lưng.

Ngoài phương pháp vỗ lưng, chúng ta có thể tiến hành 5 lần đẩy bụng (còn gọi là nghiệm pháp Heimlich):

- Đứng ở phía sau nạn nhân.

- Dùng 2 tay ôm xung quanh eo của nạn nhân. Hãy đảm bảo rằng 2 tay bạn ôm qua eo ở bên dưới khung xương sườn nạn nhân.


- Dùng mặt dưới của nắm tay đặt lên gần trung tâm bụng của nạn nhân (cạnh của ngón tay cái tỳ vào bụng) ở ngay phía trên rốn và dưới mũi ức (vùng thượng vị).

- Nắm tay được bọc trong bàn tay bên kia.

- Tiến hành những lần đẩy bụng riêng rẽ và dứt khoát theo hướng vào trong và lên trên. Tiếp tục cho tới khi dị vật gây tắc nghẽn được đánh bật ra – kiểm tra sau mỗi lần đẩy bụng. Dừng lại nếu nạn nhân bị bất tỉnh.

+ Nếu nạn nhân đã bất tỉnh thì cần đặt người bệnh nằm ngửa, kê gối cao ở cổ, đặt nghiêng đầu và tiến hành hồi sinh tim phổi (bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo).

Với người già bị sặc cháo dù đã sơ cứu thành công thì sau đó rất dễ có viêm nhiễm đường hô hấp do đó cần được chú ý phát hiện và điều trị viêm đường hô hấp kịp thời.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật