Thực hư về tác dụng của sừng tê giác không phải ai cũng biết

Những tác dụng của sừng tê giác được gán ghép, nhân nhiều lên, thổi phồng để trở thành huyền thoại chữa được “bá bệnh”

Đối với bài thuốc vị thuốc có liên quan đến động vật hoang dã thuộc loại quý hiếm cần phải bảo tồn triệt để (như: cao hổ cốt, sừng tê giác), quan điểm cần nhất quán là chúng không phải là sinh vật tồn tại chỉ nhằm chữa bệnh cho con người.

Tê giác là động vật hoang dã, có nhiều tên khoa học do có nhiều loại, như: tê giác một sừng ở Ấn Độ có tên Rhinoceros unicornis L., tê giác ở Indonesia có tên Rhinoceros sumatrensis Cuvier, tê giác hai sừng Rhinoceros bicornis L.Về sừng tê giác, trên thị trường người ta phân biệt sừng tê giác ở châu Á (Cornu Rhinoceri asiatici) và sừng tê giác ở châu Phi (Cornu Rhinoceri africani). Thành phần hóa học chủ yếu của sừng tê giác gồm có keratin calci carbonat, calci phosphat protein (có các acid amin điển hình như: tyrosin, cystein, thiolactic…)…

Theo báo cáo của Nam Kinh Dược học viện Trung Quốc, nước chiết sừng tê giác có phản ứng của alcaloid (một hợp chất thường thấy trong các loại dược thảo cho nhiều tác dụng dược lý khác nhau). Tuy nhiên, cho tới nay, thành phần hoạt chất (tức chất cho tác dụng điều trị nào đó) trong sừng tê giác vẫn chưa rõ là gì (theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, Nhà xuất bản Y học, năm 2000). Theo sách cổ, sừng tê giác có vị đắng, chua, mặn, tính hàn, đi vào 3 kinh tâm, can, vị; có tác dụng mát huyết, giải ôn độc và định kinh; được dùng khi bị sốt cao đưa đến điên cuồng hoặc mê man, sốt vàng da thổ huyết nhức đầu ung độc, hậu bối…

Nhưng từ những gì được ghi trong sách cổ, sừng tê giác theo thời gian được dùng theo kinh nghiệm dân gian và được đồn đại, truyền miệng cho đến nay, những tác dụng của sừng tê giác được gán ghép, nhân nhiều lên, thổi phồng để trở thành huyền thoại chữa được “bá bệnh”, như: sừng tê giác chữa được nhiều loại ung thư hoặc chữa một cách “thần sầu” bệnh yếu sinh lý liệt dương ở nam giới. Và vì thế, sừng tê giác trở thành một vị thuốc rất đắt tiền, và tê giác bị săn lùng, bị tận diệt một cách không thương tiếc để ngày nay được nêu trong sách đỏ cần được bảo vệ nghiêm ngặt. 

Cũng xin nói thêm, một tác dụng của bài - vị thuốc gọi là chữa trị theo kinh nghiệm dân gian hay dùng theo lối truyền miệng, đồn đại nếu không trải qua một nghiên cứu khoa học đúng quy cách chứng thực thì tác dụng ấy không thể gọi là chắc chắn (có người dùng thấy có tác dụng nhưng nhiều người khác lại thấy chẳng có tác dụng gì cả, trong khoa học tác dụng ấy được gọi là chẳng có giá trị về mặt thống kê).

Nền y học được thế giới công nhận hiện nay hiện nay được gọi là y học thực chứng (evidence-based medicine), tức là tác dụng hiệu quả của một thuốc hay một phương thức trị liệu nào đó phải dựa vào chứng cứ là kết quả thử nghiệm lâm sàng khoa học đúng quy cách chứ không dựa vào sự đồn đại, truyền miệng. Nền y học cổ truyền của ta cũng đang thừa kế, phát triển trong chiều hướng thực hiện các công trình khoa học bài bản chứng thực tác dụng của các vị thuốc, bài thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian lâu đời ở nước ta.

Cho tới nay, tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác vẫn dựa theo lời đồn đại, truyền miệng chứ chưa có công trình khoa học nào xác định tính hiệu quả của tác dụng này. Và nếu chưa chứng minh được bằng nghiên cứu khoa học đúng quy cách thì các tác dụng đó có khi chỉ là thêu dệt, chỉ là huyền thoại. Nếu chỉ dựa vào huyền thoại mà con người tìm cách tận diệt một loài thú hoang dã quý hiếm, và việc mua bán lậu sừng của chúng thật ra vì lòng tham lợi nhuận khổng lồ, thì phải xem các hành động đó là tội ác cần trừng trị.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật