Trẻ nhỏ mang đồ của bạn về nhà phải xử lý như thế nào?

Điều quan trọng là giúp trẻ nhận ra lỗi của mình và sửa lỗi chứ không phải mắng mỏ, trừng phạt trẻ.

Thực tế, có nhiều mẹ đã gặp phải tình huống tương tự như chị Hương. Việc con tự ý cầm đồ của bạn không phải là một việc làm 'xấu xa' như suy nghĩ khi nóng giận của một số bà mẹ nóng tính. Những lúc như vậy, theo kinh nghiệm của chị Hương, các mẹ hãy bình tĩnh xử lý theo từng bước sau đây để giúp con hiểu được việc làm của mình là không tốt và không tái phạm.

1. Mẹ con mình nói chuyện về cái yoyo nhé

Chị Hương luôn cho rằng, các bà mẹ không nên coi nhẹ việc con lấy đồ chơi của bạn như vậy là việc của trẻ con hoặc ngược lại, có mẹ lại nghiêm trọng hóa vấn đề kèm theo nỗi lo rằng 'con mình trở nên hư thân, mất nết từ khi nào'. Các mẹ hãy cố gắng giữ bình tĩnh thì mới có thể hiểu và giải quyết được vấn đề một cách thỏa đáng.

Bố mẹ cần để trẻ nhận ra lỗi sai và sửa lỗi của mình (Ảnh minh họa: Internet)

Bố mẹ cần để trẻ nhận ra lỗi sai và sửa lỗi của mình (Ảnh minh họa: Internet)

Như trường hợp của chị Hương, về đến nhà, chị mới bắt đầu câu chuyện về cái yoyo với bé Long. Qua trò chuyện với con, chị Hương hiểu rằng, mấy tháng nay, lớp của bé Long có phong trào chơi yoyo. Một số bạn đã được bố mẹ mua cho món đồ chơi này và mang đến lớp chơi vào cuối giờ. Bé Long nhà chị cũng rất thích chơi trò này và thường xin chơi cùng với các bạn. Sau đó, bé đã hỏi mượn bạn Quân cái yoyo đỏ đó để mang về nhà chơi nhưng bạn Quân không cho mượn. Vì thích chơi quá nên con định tự ý lấy yoyo của bạn (không cho bạn biết) mang về nhà chơi một ngày rồi mai mang đến trả, không ngờ sau đó bị bạn phát hiện và mách mẹ.

Nghe xong câu chuyện, chị Hương không mắng con mà ngược lại, phân tích cho con hiểu rằng việc con lấy yoyo của bạn là một việc làm không tốt. Chị cũng đặt ra một số câu hỏi như: 'Theo con thì việc tự ý lấy yoyo của bạn là việc làm xấu hay tốt?' hay 'Nếu con thích một cái gì đó mà bạn tự ý lấy của con thì con có buồn không?' để bé Long tự nhận ra lỗi của mình. Chị cũng không quên nghiêm khắc nhắc nhở con rằng việc làm này của con có thể sẽ làm cho bố mẹ bạn Quân trách mắng bạn vì tưởng bạn làm mất đồ chơi.

2. Mẹ con mình cùng mang yoyo trả lại cho bạn nhé

Theo chị Hương, đối với tình huống như thế này, sau khi hiểu rõ sự tình, bố mẹ không nên nói những câu mang tính 'giáo huấn' như: 'Con không được làm thế này, con phải làm thế kia, mẹ (bố) cấm con làm thế…' mà nên gợi ý để giúp con giải quyết chuyện lấy yoyo của bạn, chẳng hạn: 'Theo con thì bây giờ mình sẽ phải làm gì?'. Trẻ dù mắc lỗi nhưng khi được bố mẹ khích lệ sửa lỗi sẽ hiểu mình sai ở đâu và có thiện chí sửa lỗi sau đó.

Trường hợp bé Long, sau khi được mẹ hỏi, bé đã mạnh dạn nói với mẹ là ngày mai con sẽ mang yoyo đến lớp trả cho bạn. Chị Hương chia sẻ, để con hiểu được mẹ rất nghiêm túc và quan tâm đến con, chị thống nhất với con là ngày mai chị sẽ cùng con trả yoyo cho bạn Quân vào cuối giờ học. Ngày hôm sau, bé Long đã cùng mẹ trả lại đồ chơi cho bạn và không quên nói với bạn câu: 'Xí xóa nhé, cậu vẫn cho tớ chơi yoyo cùng chứ?'.

3. Mẹ hứa đây là chuyện bí mật của hai mẹ con mình

Buổi chiều hôm đó, trên đường đưa con đi học về, chị Hương đã không quên đưa bé Long vào cửa hàng đồ chơi và mua cho con một chiếc yoyo mà con thích. Bé Long rất vui, ôm chầm lấy mẹ, cảm ơn rối rít. Chị Hương cho biết, toàn bộ sự việc này, chị không kể với bất kỳ ai, thậm chí ngay cả bố của Long cũng không hề biết gì bởi vì, nếu mọi người biết chuyện mà có lời nói trách mắng hay chế giễu sẽ làm bé Long cảm thấy xấu hổ, tự ti. Theo chị Hương, thay việc chỉ trích con, hãy giúp con nhận ra lỗi sai và tự sửa sẽ tốt hơn cho con sau này.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật