Hỏi đáp sức khỏe: Phòng bệnh lý cho vùng kín như thế nào?

Tôi năm nay 27 tuổi, sau khi lập gia đình, vùng kín thường xuyên bị ngứa và huyết trắng. Vậy xin hỏi nguyên nhân thường gặp và phòng bệnh vùng kín như thế nào cho hiệu quả?

(Lan Thanh - Bình Dương)

Nói đến bệnh lý vùng kín, tức là hàm ý nói đến các bệnh lý thường gặp ở cơ quan sinh dục nữ. Ở điều kiện sinh lý bình thường, âm đạo có cấu trúc là ống cơ - sợi, lót bởi lớp niêm mạc là biểu mô lát tầng không sừng hóa, các tế bào bề mặt của biểu mô có chứa nhiều glycogen, lớp biểu mô chịu ảnh hưởng tình trạng nội tiết sinh dục. Đây là phần tiếp nối từ cổ tử cung đến âm hộ, tạo sự thông suốt liên tục của đường sinh dục, dịch tiết âm đạo bao gồm dịch tiết từ lòng tử cung, cổ tử cung và các tuyến vùng âm hộ, các tế bào bề mặt bị bong tróc của biểu mô âm đạo, phần dịch thẩm thấu từ các lớp phía dưới biểu mô lát niêm mạc âm đạo.

Tuy nhiên, môi trường âm đạo không phải là môi trường vô trùng, trung bình có ít nhất có khoảng 6 loại vi khuẩn khác nhau, chủ yếu là là vi khuẩn kỵ khí. Trong quá trình chuyển hóa, nhóm vi khuẩn này sử dụng glycogen của lớp tế bào bề mặt âm đạo tạo thành acid lactic để tạo nên môi trường acid cho âm đạo. Các chủng vi khuẩn này sống trong âm đạo một cách hòa bình và không gây bệnh, khi có sự phá vỡ mối cân bằng này thì viêm nhiễm âm đạo sẽ dễ xảy ra.

Độ pH trung bình của âm đạo phụ thuộc vào tuổi và tình trạng nội tiết sinh dục, ở trẻ chưa hành kinh thì độ pH âm đạo là 7, ở phụ nữ trong tuổi sinh sản độ pH có mức độ dao động từ 4 - 5, ở phụ nữ mãn kinh sẽ có pH âm đạo từ 6 - 7. Độ pH âm đạo giữ vai trò quan trọng và là điều kiện thuận lợi cho sự cân bằng vi khuẩn thường trú ở âm đạo. Khi có sự thay đổi này, đặc biệt là nhóm vi khuẩn lactobacili, từ đó kéo theo sự thay đổi nồng độ pH âm đạo, là nguyên nhân là tiền đề cho tình trạng viêm nhiễm âm đạo xuất hiện.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm âm đạo như do vi nấm hạt men có tên khoa học Candida Albican, do trùng roi có tên khoa học là Trichomonas vaginalis, do tạp trùng và viêm âm đạo còn có các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: sùi mào gà , lậu, giang mai… Ngoài ra, có một số tình trạng đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển như sử dụng kháng sinh kéo dài, thụt rửa âm đạo hay thuốc đặt âm đạo thường xuyên, sử dụng các thuốc ngừa thai, thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp…

Về phòng bệnh, ở môi trường âm đạo bình thường, luôn tồn tại hệ vi khuẩn sống cộng sinh, sự tồn tại của các vi khuẩn này giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn gây bệnh, cho nên bất cứ tác động nào gây mất cân bằng hệ vi khuẩn này đều có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại gây bệnh. Vì vậy, cần tránh thụt rửa âm đạo khi chưa có chỉ định của thầy thuốc, việc thụt rửa sẽ làm thay đổi độ pH, của âm đạo, giữ cho vùng sinh dục càng khô ráo. Vệ sinh sạch sẽ trong thời kỳ hành kinh, trước và sau khi quan hệ tình dục.

Tránh mặc quần áo quá chật hay ẩm ướt. Không nên dùng các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng sinh dục. Khi sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ cần chọn lựa sản phẩm phù hợp, không nên sử dụng thường xuyên những dung dịch sát khuẩn mạnh, tránh làm xáo trộn môi trường tự nhiên của âm đạo. Thực hành tình dục an toàn để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Không dùng nước bẩn có nhiều vi sinh vật như nước ao hồ, kênh rạch để tắm rửa vệ sinh. Đi khám phụ khoa định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần. Khi đã mắc bệnh phụ khoa cần điều trị dứt điểm. Khi đến tuổi tiền mãn kinh, hay mãn kinh hoặc đã bị cắt buồng trứng, có thể dùng hoócmôn estrogen dạng viên hay kem theo hướng dẫn của thầy thuốc để giữ âm đạo không bị khô.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật