Những biểu hiện và các cách đề phòng dị ứng thuốc thường gặp

Trong điều trị, bên cạnh tác dụng chữa bệnh thì dị ứng thuốc luôn là nguy cơ mà cả thầy thuốc và bệnh nhân cần đề phòng xảy ra.

Khi dị ứng thuốc xảy ra có thể từ nhẹ đến nặng. Có trường hợp nhẹ không cần phải điều trị gì khi ngừng thuốc là hết. Nhưng có trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng. Vậy làm thế nào để dùng thuốc an toàn?

Một vài biểu hiện của dị ứng thuốc

Mày đay: Đó là nốt sẩn, phù kích thước to nhỏ khác nhau, ngứa… thường biểu hiện ở ngoài da khi dùng thuốc.

Viêm da tiếp xúc, chàm tiếp xúc: Biểu hiện bằng những mụn nước nhỏ như rôm, ngứa nhiều, nếu người bệnh gãi nhiều sẽ tạo thành đám da dày sừng, chàm hóa, hay gặp ở những vùng da hở, hoặc vùng bôi thuốc... (thường gặp đối với thuốc bôi ngoài da).

Buồn nôn, nôn, nhức đầu… là những biểu hiện ở đường tiêu hóa và rất nhiều loại thuốc gây triệu chứng này.

Bệnh huyết thanh: Bệnh xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 14 sau khi dùng thuốc, với các biểu hiện như: người bệnh chán ăn mệt mỏi, mất ngủ có cảm giác buồn nôn, đau các khớp, sưng nhiều hạch sốt cao, ban mày đay nổi khắp người, gan to, phù thận, albumin niệu...

Phù Quincke: Cũng có biểu hiện lâm sàng giống bệnh cảnh của mày đay, nhưng vị trí xuất hiện thường ở những nơi có tổ chức lỏng lẻo như môi, hốc mắt...

Hội chứng Stevens - Johnson: Bệnh cảnh lâm sàng biểu hiện bằng trên nền da đỏ, có thể có những bọng nước to nhỏ khác nhau, đặc biệt là các hốc tự nhiên như mắt, mũi, mồm, hậu môn, sinh dục... có hiện tượng loét trợt và có thể chảy máu.

Hội chứng Lyell (còn gọi là hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc) là tình trạng hoại tử nhiễm độc da nghiêm trọng nhất. Bệnh thường xuất hiện sau vài giờ đến 1 - 2 tuần sau khi sử dụng thuốc. Tiếp theo người bệnh có thể mệt mỏi, sốt cao, rét run, ngứa khắp người.

Trên da xuất hiện nhiều mảng đỏ có khi có những ban xuất huyết, hoặc có những bọng nước toàn thân, những bọng nước này nếu không giữ mà vỡ ra để lại lớp da non đỏ tươi, đặc biệt khi miết vào vùng da lành từng mảng da có thể trợt ra theo đường miết, đây còn gọi là dấu hiệu Nikolski dương tính, bệnh cảnh giống như một người bị bỏng nặng, chảy nhiều huyết tương, bệnh nhân có hiện tượng mất nước nặng.

Cùng với tổn thương da rộng là tình trạng hoại tử niêm mạc các hốc tự nhiên: miệng, mắt, lỗ sinh dục, hậu môn... Nhiều cơ quan như: phổi, gan, thận... cũng bị tổn thương. Người bệnh trong tình trạng nhiễm độc nặng và có thể dẫn đến tử vong.

Sốc phản vệ: Đây là bệnh cảnh lâm sàng có thể gặp khi tiêm thuốc, thậm chí với cả thuốc uống… Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Những việc nên làm

Về phía người bệnh, chỉ nên sử dụng thuốc sau khi đã được bác sĩ khám bệnh, kê đơn thuốc và chỉ mua đúng các loại thuốc theo đơn cả về số lượng và hàm lượng của thuốc.

Không nên lạm dụng khi sử dụng các loại kháng sinh, vì trong các tai biến do thuốc thì tai biến do thuốc kháng sinh chiếm tỷ lệ cao nhất.

Không nên sử dụng các loại thuốc không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần biết phát hiện và thông báo những bất thường có thể xảy ra cho bác sĩ điều trị biết để được xử trí kịp thời, thích hợp.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật