Đặt bé nằm sấp, khép hai chân và tìm dấu hiệu dị tật trật khớp háng nguy hiểm

Những ca dị tật trật khớp háng bẩm sinh đang ngày càng tăng lên nhưng biểu hiện của nó lại không rõ ràng, khó nhận nên nhiều bố mẹ thường bỏ qua.

Trật khớp háng bẩm sinh là tình trạng chỏm xương đùi của một hoặc cả hai bên khớp háng bị trật ra khỏi vị trí bình thường của khớp háng. Dị tật này thường không biểu hiện rõ vào lúc sinh và có thể không được nhận ra cho đến lúc trẻ tập đi.

Tỷ lệ mắc dị tật trật khớp háng là 1-2% ở trẻ sơ sinh, trong đó tỷ lệ các bé gái mắc phải lớn hơn bé trai. Nguyên nhân thường do loạn sản khớp háng trong quá trình phát triển.



Các bé có khớp háng không nằm đúng vị trí sẽ hạn chế khả năng đi lại, khiến trẻ đi tập tễnh, chân thấp chân cao. Ở nữ giới, bệnh này còn gây hạn chế khả năng sinh đẻ khi trưởng thành do làm lệch vẹo xương chậu.

Các dấu hiệu bé bị trật khớp háng bẩm sinh

Trật khớp háng bẩm sinh nếu được phát hiện sớm thì dễ chữa trị hơn rất nhiều. Tuy nhiên, do dị tật này không gây đau đớn cho trẻ nên bố mẹ sẽ khó phát hiện.

Ngay từ khi bé được vài tuần tuổi, bố mẹ có thể quan sát nếp gấp trên đùi của bé để xác định con có bị trật khớp háng bẩm sinh không.

Đặt bé nằm úp sấp, khép hai chân vào nhau, nếu bố mẹ thấy nếp gấp ở hai chân bất đối xứng, một bên cao hơn hoặc ít hơn bên còn lại thì bên đó đã bị trật. Trong trường hợp trật khớp háng một bên như thế này, khi bé nằm ngửa co chân lên, bố mẹ cũng dễ dàng nhận ra đầu gối của một bên thấp hơn bên kia.
  
Để xác định rõ hơn, bố mẹ nên so sánh chiều dài hai chân của bé. Chỉ cần bế bé đứng thẳng trong lòng, bố mẹ có thể thấy hai chân bé có dị tật này dài không bằng nhau, bên cao bên thấp.

Ngoài ra, các bé bị trật khớp háng bẩm sinh sẽ gặp nhiều khó khăn khi tập đứng, tập đi vì một bên chân yếu hẳn hơn nên bé thường dễ ngã hoặc đi tập tễnh.
 
Ngay khi phát hiện các dấu hiệu của dị tật này, bố mẹ phải đưa con đến bệnh viện kiểm tra ngay để bác dĩ lựa chọn phương pháp chữa trị phù hợp.

Các phương pháp chữa trị trật khớp háng bẩm sinh

Nếu dị tật trật khớp háng được phát hiện ngay sau khi sinh, việc điều trị chỉ đơn giản là duy trì tư thế khớp háng dạng và đầu gối gấp, trong khoảng 2 tháng.

Có thể duy trì tư thế này bằng các phương pháp như đóng bỉm vệ sinh, dùng tã dày để giữ cho khớp háng dạng ra; cõng hoặc địu trẻ; đặt trẻ nằm sấp khi ngủ.

Đối với những trẻ được phát hiện dị tật sau 1 – 6 tháng tuổi, việc điều trị cũng được thực hiện theo cách trên và thông thường sau từ 3 đến 4 tuần, khớp háng sẽ trở lại vị trí bình thường. Kỹ thuật này cho phép thành công từ 90 - 95% trường hợp.


  
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ bị dị tật nhưng được phát hiện muộn, muốn chữa trị thì cần các biện pháp can thiệp toàn diện trong thời gian dài.

Trẻ dưới 18 tháng tuổi thì có thể thực hiện nẹp chỉnh hình hoặc bó bột chỉnh hình từ 2 đến 6 tháng để đưa khớp háng về vị trí cũ. Nhưng những trường hợp các bé đã lớn hẳn thì chỉ phẫu thuật chỉnh hình mới giải quyết được vấn đề.

Phẫu thuật khi bé đã trên 8 tuổi sẽ rất phức tạp, nguy hiểm và cần thời gian dài để phục hồi. Thậm chí, nhiều bé phải trải qua 2-3 ca phẫu thuật mới có thể chữa trị dứt điểm, đi lại bình thường. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật