Chăm sóc và điều trị người bị cong vẹo cột sống như thế nào?

Tuổi phẫu thuật vẹo cột sống tốt nhất là từ 14-19 tuổi vì đây là giai đoạn cột sống đã phát triển tương đối ổn định.

Cong vẹo cột sống là trình trạng cong của cột sống sang phía bên của trục cơ thể và vẹo xoay của các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang.

Theo một số công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài  như: Johne  Lostenin, Justusf  Lehmann, Arnald J Capute… thì tỉ lệ người mắc bệnh cong vẹo cột sống tương đối cao 3-4%,  trong đó 2% cần điều trị.

Vậy phương pháp điều trị và những kĩ thuật can thiệp nào có thể áp dụng để giúp người bệnh nhanh khỏi và tránh được những biến chứng nguy hiểm? Những điều này sẽ được ThS. Vũ Thị Tuyết Mai và BS. Nguyễn Thị Vân đến từ Bộ Y tế giải đáp.

Câu hỏi 1: Năm nay em 19 tuổi. Em định mổ vẹo cột sống tại Hà Nội. Bác sĩ có thể cho em biết mổ ở đâu là tốt nhất? Và sau khi mổ và hồi phục em có đi đứng bình thường như trước không? Em xin cảm ơn!

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, trả lời:

Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong sang một hoặc hai bên, thân đốt sống bị vẹo (xoay).

80% người bị cong vẹo cột sống không rõ nguyên nhân. Số còn lại có thể do cấu trúc bất thường trước khi sinh (bệnh thân nửa đốt sống bẩm sinh xẹp đốt sống bẩm sinh, cứng đa khớp bẩm sinh), các nguyên nhân sau sinh như biến dạng xương sống do bệnh tật hoặc chấn thương, bệnh lý của cơ hệ thần kinh tư thế ngồi học sai, do ngắn 1 chân (chiều dài 2 chân không đều nhau làm lệch vẹo cột sống khi đứng, khi đi).

Chẩn đoán và đánh giá cong vẹo cột sống dựa vào thăm khám bệnh, chụp X-quang cột sống, CT scan cột sống, MRI cột sống, và các cận lâm sàng khác giúp đánh giá những tình trạng bệnh khác kèm theo.

Điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ vẹo. Nguyên tắc điều trị là phải can thiệp sớm ngay sau khi phát hiện ra cong vẹo cột sống, kỹ thuật can thiệp phụ thuộc mức độ cong vẹo cột sống, người bệnh được định kỳ tái khám có chụp X-quang cột sống để đánh giá tiến triển. Người bệnh có thể được điều trị bảo tồn mang áo chỉnh hình chống vẹo hoặc phẫu thuật khi cong vẹo cột sống vẫn tiến triển dù có mang áo chỉnh hình, cong vẹo tiếp tục tiến triển nhanh, hay có triệu chứng thần kinh.

Bạn thấy đấy, không phải cứ bị cong vẹo cột sống là phải mổ. Trong thư bạn không cho biết rõ thông tin về tình trạng vẹo cột sống của bản thân, nên rất khó tư vấn cụ thể. Bạn có thể đến bệnh viện Việt Đức hoặc bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để được khám, đánh giá chính xác tổn thương, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp. Nếu bạn có tham gia bảo hiểm y tế, cần tuân thủ đúng quy trình chuyển viện để được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán theo đúng chế độ.

Chúc bạn vui khỏe!

Câu hỏi 2: Năm nay em 19 tuổi, là nam giới. Em phát hiện bệnh vẹo cột sống lúc 14 tuổi, đến giờ bệnh của em vẫn như vậy. Em tập thể dục lên xà đơn nhiều. Người em hơi lệch ngực bên to bên nhỏ còn lưng thì đứng thẳng không nhìn rõ phải để ý mới thấy. Em sợ biến chứng sau này, em định mổ có được không? Cho em hỏi mổ ở Hà Nội, bệnh viện nào là tốt nhất? Em xin cảm ơn!

BS. Nguyễn Thị Vân, Bộ Y tế, trả lời:

Trước hết em có thể đi khám tại Bệnh viện Việt Đức hoặc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bác sĩ xác định góc vẹo cột sống để có những chỉ định cụ thể.

Tuổi phẫu thuật vẹo cột sống tốt nhất là từ 14-19 tuổi, đây là giai đoạn cột sống đã phát triển tương đối ổn định và quan trọng hơn là lứa tuổi này cột sống còn mềm dẻo.

Kỹ thuật can thiệp phụ thuộc vào độ cong vẹo cột sống.

Can thiệp ngay khi phát hiện ra cong vẹo cột sống:

- Góc COBB < 20o theo dõi 6 tháng.

- Góc COBB 20-45o làm nẹp cột sống và theo dõi 6 tháng/lần.

- Góc COBB tiến triển xấu đi nhanh > 40o thì tiến hành phẫu thuật.

Nẹp cột sống:

- Góc COBB > 25o.

- 8o< độ xoay của cột sống.

Phẫu thuật chỉnh hình:

- Khi góc COBB >20o, tiến triển xấu đi.

- Góc COBB > 45o

- Khi đường cong ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan khác.

Chúc em mau khỏi bệnh!

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật