Bài tập dành cho trẻ 3 tuổi chậm nói là những bài tập nào?

Có nhiều nguyên nhân làm trẻ chậm nói.

Xin Bác sĩ tư vấn cho em các bài tập dành cho trẻ 3 tuổi chậm nói. Xin cảm ơn!

PGS.TS Nguyễn Ngọc Sáng-Chuyên khoa Nhi-Trường Đại học Y - Dược Hải Phòng

Xin chào bạn, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau: Theo như lời bạn kể thì con của bạn đã 3 tuổi nhưng chậm nói. Bình thường trẻ 3 tuổi thường nói rất nhiều, biết từ 50 đến 200 từ, tự nói chuyện khi chơi. Trẻ có thể tạo ra một cụm từ có đầy đủ thành phần chủ ngữ và vị ngữ.

Trẻ biết sử dụng các câu đơn giản, đặt câu hỏi đơn giản. Trẻ trả lời được các câu hỏi như: cái gì, ở đâu? Có/không. Sau giai đoạn này trẻ sẽ nói được và sẽ tạo đà cho trẻ phát triển rất nhiều các câu phức tạp, hình thành được các câu chuyện dài với nội dung khá logic.

Có nhiều nguyên nhân làm trẻ chậm nói Có thể xếp nguyên nhân làm trẻ chậm nói thành 2 nhóm chính là nguyên nhân thực thể và nguyên nhân tâm lý. Nguyên nhân thực thể là do trẻ có những vấn đề về cơ quan phát âm (tai, mũi, họng), cơ quan chỉ huy ở não (não bị dị tật bẩm sinh, những di chứng sau xuất huyết não viêm màng não ).

Nguyên nhân tâm lý là do gia đình hoặc quá cưng chiều, hay bỏ bê, ít nói chuyện với trẻ, hoặc đã xảy ra một biến cố nào đó làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. Những biểu hiện bất thường về chậm nói ở trẻ 3 tuổi: Không hiểu ngôn ngữ bằng những bé cùng tuổi khác,không đặt câu hỏi, không biết hoặc không làm theo những chỉ dẫn đơn giản, không thể kể tên các sự vật thông thường, không nói được những cụm từ ngắn, không thể hiện sự quan tâm khi được chơi chung với các bé khác, cảm thấy khó khăn khi phải rời khỏi mẹ hoặc người thân, không thể hát vài vần điệu quen thuộc hoặc các bài hát ngắn ở tuổi lên 3.

Ảnh hưởng của việc trẻ chậm nói: trẻ chậm nói sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng như trẻ kém tự tin trong giao tiếp, khó biết cách bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình có thể dẫn đến những bực tức, ức chế về tâm lý và có thể gây nên những thất bại trong trường học.

Bạn có thể làm gì để giúp trẻ biết nói? Trước hết bạn nên đưa bé đi khám sớm. Bên cạnh đó bạn nên làm 1 bảng tăng trưởng ngôn ngữ cho bé (số từ bé nói được, số từ có nghĩa? bé có biết đặt câu hỏi ngắn hoàn chỉnh không? Người ngoài có thể hiểu bé nói gì hay không?). Các Bác sĩ có thể thăm khám và can thiệp ở các mức độ sau: huớng dẫn cho bạn các giao tiếp thông qua đồ chơi hoặc các hoạt động giải trí khác, khuyến khích bạn đưa bé đi mẫu giáo như bình thường nhưng nên phối hợp với cô giáo trong trường để giúp thúc đẩy ngôn ngữ của bé. Nếu bé không tiến bộ, bạn nên gửi bé vào các cơ sở điều trị để can thiệp về ngôn ngữ cho bé.

Các Bác sĩ có thể khám và chữa trị các vấn đề trục trặc về sức khỏe tâm lý gây cản trở cho việc phát triển ngôn ngữ của bé. Ngoài ra, bạn nên giành thật nhiều thời gian để nói chuyện với con, hát và bắt chước các âm thanh cử chỉ. Khi bạn hát hoặc hát cho con nghe để khuyến khích trẻ tham gia vào cũng là một hoạt động kích thích trẻ nói chuyện. Bạn đọc cho trẻ nghe những cuốn sách mà trẻ có thể bắt chước, chỉ cho trẻ các bức tranh và cố gắng gọi tên chúng. Bạn hãy tận dụng các tình huống hàng ngày để khuyến khích trẻ nói và bộc lộ ngôn ngữ.

Hàng ngày, cùng bé gọi tên các thức ăn, tên các đồ vật xung quanh nhà, các hiện tượng thiên nhiên ngoài trời, đặt câu hỏi cho bé trả lời. Động viên trẻ để trẻ mạnh dạn nói như 'tốt lắm, con nói giỏi lắm' . Bạn cũng cần hạn chế cho trẻ xem ti vi. Việc xem ti vi sẽ lấy mất đi cơ hội để trẻ tham gia những họat động vui chơi khác và trẻ chỉ giao tiếp 1 chiều.

Chúc cháu luôn khỏe và sớm biết nói!

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật