Các yếu tố gây ra dị ứng - dị ứng có gây ra nguy hiểm không?

Dị ứng là một phản ứng của cơ thể chống lại những chất lạ xâm nhập, đặc biệt là qua đường hô hấp.

Các yếu tố gây dị ứng

Dị ứng kích hoạt quá mức các dưỡng bào (bạch cầu mast) và một loại kháng thể được gọi là IgE, dẫn đến một phản ứng viêm nặng thông thường bao gồm chàm, phát ban, tiêu chảy, lên cơn hen suyễn. Những chất thúc đẩy dị ứng được gọi là dị nguyên.

Có rất nhiều yếu tố gây dị ứng có thể nói, bất cứ chất gì không thuộc cơ thể khi vào máu đều có thể gây dị ứng, dị ứng có xảy ra tùy thuộc cơ địa của từng người. Vì vậy, yếu tố cơ địa là quan trọng nhất và ở những người hay bị dị ứng người ta gọi là có cơ địa atopy.

Theo nghiên cứu, những cặp song sinh nếu bị dị ứng thì cả hai cùng bị và nếu gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột bị dị ứng thì nguy cơ người đó bị dị ứng rất cao.

Thực phẩm là một nhóm nguyên nhân hay gặp và rất nhiều người bị dị ứng khi uống sữa tươi, một số loại củ quả, mật ong, nhộng ong, nhộng tằm. Thực phẩm có nguồn gốc hải - thủy sản hay gây dị ứng hơn các loại thực phẩm khác.

Các loại thuốc hay gây dị ứng nhất là thuốc kháng sinh trong đó penicillin chiếm tỷ lệ cao nhất. Hóa chất gây dị ứng thì đa dạng như các loại hóa chất dùng trong công nghiệp thuộc da, dệt vải; thuốc trừ sâu, diệt cỏ, kích thích tăng trưởng trong nông nghiệp; hóa chất dùng trong mỹ phẩm như phấn, son, sáp môi...

Các tác nhân từ môi trường bị ô nhiễm như khói bụi, xăng dầu, xác động vật bị nghiền nhỏ hóa bụi. Tiếp đến là nhóm các dị nguyên có nguồn gốc thực vật như phấn hoa, nhựa cây, lá cây độc. Các dị nguyên có nguồn gốc động vật như chất độc các loại côn trùng (ong, rắn, bò cạp, sứa...). Dị ứng có căn nguyên do nhiễm nấm, nhiễm ký sinh trùng như giun, sán các loại.

Khi nào nguy hiểm?

Dị ứng biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau sau khi tác nhân gây dị ứng thâm nhập cơ thể. Các biểu hiện ngoài da như đỏ da, mẩn ngứa, nổi mày đay. Các biểu hiện thần kinh như đau đầu, chóng mặt, ngất.

Các tổn thương niêm mạc như phù nề niêm mạc mắt, mũi, miệng. Đối với triệu chứng hô hấp như: hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản, phù nề thanh môn gây tắc nghẽn hô hấp.

Các biểu hiện đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa. Đặc biệt là triệu chứng sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp, hôn mê...

Các trường hợp tối cấp như co thắt thanh quản, phù nề thanh môn, sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Điều trị và dự phòng

Điều trị dị ứng chủ yếu dùng thuốc kháng histamin hoặc thuốc kiềm chế bớt sự nóng tính của hệ miễn nhiễm. Để chữa dứt dị ứng, chỉ có cách tìm ra chính xác dị nguyên. Trước hết, nên tránh xa chúng, sau đó tiêm vắc-xin (đưa dị nguyên liều thấp vào người nạn nhân). Tuy nhiên, như đã nói, xác định dị nguyên không phải dễ. 

Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 20% dân số mắc các bệnh dị ứng. Bệnh thường bắt đầu trước 20 tuổi (80% trường hợp), tuổi khởi phát trung bình từ 8 - 11 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở khoảng 12 - 15 tuổi. Chính vì vậy, quan trọng là dự phòng dị ứng.

Ðối với người có cơ địa dị ứng, có thể tới các trung tâm miễn dịch - dị ứng để điều trị giải mẫn cảm hoặc xác định rõ loại chất gây dị ứng để phòng tránh.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật