Phẫu thuật - Phương pháp mới cứu bệnh nhân bị động kinh kháng thuốc

Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) vừa phẫu thuật thành công cho một số trường hợp mắc động kinh kháng thuốc. Thành công bước đầu này mở ra cơ hội mới cho những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh động kinh kháng thuốc.

Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức đã phối hợp với các bác sĩ nội thần kinh bệnh viện nhi Trung ương, và sự trợ giúp của giáo sư người Mỹ triển khai phẫu thuật động kinh, mở ra cơ hội mới cho những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh động kinh kháng thuốc  Theo đó, các bệnh nhân động kinh, đặc biệt là trẻ em có thể chữa khỏi bệnh nhờ phẫu thuật thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc như trước kia.

Là người trực tiếp phẫu thuật, ThS.BS Nguyễn Đức Liên, khoa Phẫu thuật thần kinh- bệnh viện Việt Đức cho biết, từ tháng 9/2015 đến nay, các bác sĩ của Khoa đã phẫu thuật động kinh thường quy cho 23 ca, trong đó 16 trường hợp là trẻ em. 

Qua theo dõi những bệnh nhân động kinh kháng thuốc  không rõ nguyên nhân đã đuợc phẫu thuật, 3 trường hợp đã kiểm soát được hoàn toàn cơn động kinh, số còn lại giảm trên 90% tần suất và cường độ các cơn động kinh, số liều và lượng thuốc chống động kinh sau mổ dùng hàng ngày giảm dần.

Ví như như trường hợp bé Nguyễn Đông P. (7 tuổi, Hà Nội), từ 15 cơn động kinh lớn, có lúc giật, co rúm người, sau phẫu thuật 2 tháng, cháu chỉ bị duy nhất 1 cơn giật nhẹ sau mổ, hiện tại cơn động kinh được kiểm soát hoàn toàn, cháu đã có thể tự đi lại, tắt, mở tivi.

Hay trường hợp bé Hoàng Anh Đ. (3 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) sau 10 lần thay thuốc không hiệu quả đã tìm đến phẫu thuật, hiện cháu đã giảm từ 15 cơn rúm gập người xuống còn nháy mắt, máy môi nhẹ...

Trường hợp của bé Nguyễn Sỹ P. (4 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) cũng là ghi thêm thành công của phẫu thuật động kinh. Trước đó, bé đã trải qua 13 lần thay thuốc. Sau phẫu thuật 3 tháng, số cơn động kinh đã giảm từ 10 lần xuống 1-2 lần/ngày...

Theo BS Liên, chỉ định mổ động kinh kháng thuốc hết sức chặt chẽ, bệnh nhân phải có ít nhất 2 năm dùng thuốc và được các bác sĩ nội khoa thần kinh chẩn đoán đạt tiêu chuẩn kháng thuốc.

Sau đó nhóm phẫu thuật động kinh gồm các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức bệnh viện Nhi Trung ương sẽ cùng ngồi lại để xem xét dựa trên kết quả 2-3 lần chụp PET, điện não đồ của bệnh nhân, cuối cùng là tham khảo ý kiến của các giáo sư Bệnh viện Alabama bên Mỹ.

BS Liên nhấn mạnh, giai đoạn chẩn đoán hết sức quan trọng. Trường hợp có tổn thương trên vỏ não chụp chiếu sẽ phát hiện. Tuy nhiên chiếm tuyệt đại tuyệt đa số là những trường hợp không phát hiện tổn thương, bệnh nhân sẽ phải đo điện não video trong vòng 24 giờ ít nhất 3 lần chụp cộng hưởng từ chụp PET… sẽ giúp xác định vùng phẫu thuật.

Theo BS Liên, nếu chỉ có 1 vùng duy nhất xuất phát sóng động kinh việc phẫu thuật cắt bỏ sẽ khỏi hoàn toàn, những trường hợp còn lại sẽ giúp giảm nhẹ bệnh. Những năm đầu hiệu quả đạt trên 90%, sau 7-8 năm còn khoảng 77-78%, giúp chất lượng cuộc sống thay đổi

"Với phẫu thuật động kinh, mổ càng sớm càng tốt vì để lâu, ổ động kinh sẽ gây nhiễm điện, phóng điện ra nhiều nơi, ảnh hưởng đến phát triển tâm thần vận động"- bác sĩ Liên khuyến cáo.

Được biết, hiện tại bảo hiểm y tế đã đồng ý chi trả phần lớn các chi phí phẫu thuật động kinh.

Theo thống kê, 80% bệnh nhân động kinh tại Việt Nam là trẻ em, với khoảng 300.000 trường hợp, trong đó 60.000 em bị kháng thuốc, số bệnh nhân còn lại tiếp tục có xu hướng kháng thuốc, nhiều bệnh nhân đã trải qua 10-15 lần thay thuốc nhưng vẫn không đáp ứng. Tuy nhiên những năm qua, phẫu thuật động kinh kháng thuốc tại Việt Nam chưa được áp dụng rộng rãi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật