Những lễ hội du xuân đầu năm không thể bỏ qua ở miền Bắc

"Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè"

Sau những ngày Tết cổ truyền là dịp để du xuân khám phá những lễ hội lớn trong năm cầu mong cho một năm may mắn, nhiều tài lộc. Hãy đến với những lễ hội xuân đặc sắc của miền Bắc sau đây:

Hội xuân chùa Hương (khai hội ngày mùng 6/1 âm lịch)

Lễ hội xuân Chùa Hương


 Lễ hội xuân ở chùa Hương thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Vào dịp lễ hàng triệu phật tử cùng du khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Ngày này, vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay nghi lễ "mở cửa rừng" hàm chứa ý nghĩa mới - mở cửa chùa. Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút.

Hội chùa Bái Đính (6/1)

Chùa Bái Đính được báo giới ca ngợi là một ngôi chùa nổi tiếng với những kỷ lục châu Á và khu vực. Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Ngoài thời gian trên trong năm, du khách chỉ có thể vãn cảnh chùa mà không được thăm thú các hoạt động văn hóa của lễ hội.

Lễ hội chùa Bái Đính, Ninh Bình

Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội.

Hội xuân Chợ Viềng Nam Định 

Chợ Viềng mở chính thức vào đêm ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, nhưng ngay từ chiều cùng ngày đã có rất nhiều người ở khắp các địa phương mang hàng hóa về bày bán. Với người dân Nam Định, đi chơi chợ Viềng đầu năm đã trở thành một thói quen không dễ gì thay đổi được, những bạn trẻ thì coi đây là chuyến du xuân tuyệt vời trong năm.

Hội xuân Chợ Viềng, Nam Định


Uớc tính phiên chợ này hàng năm thu hút không dưới hàng chục nghìn người từ Hà Nội về, từ Hải Phòng sang, từ Ninh Bình, Thanh Hóa ra để được đắm chìm trong lung linh, huyền diệu của chợ Viềng xuân. Khách thập phương thường lấy lộc kết hợp luôn cả đi lễ chùa, lễ phủ vì ở Viềng Nam Trực có chùa Đại Bi thờ Từ Đạo Hạnh còn Viềng Vụ Bản có phủ thờ thánh mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” được truyền tụng trong dân gian cả ngàn đời nay.
Trước đây, Nam Định có tới bốn chợ Viềng cùng tồn tại, đó là chợ Viềng Phủ Giày (Vụ Bản), chợ Viềng Nam Giang (Nam Trực), chợ Viềng Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) và chợ Viềng Mỹ Trung (Mỹ Lộc) nhưng bây giờ thu hút du khách nhiều nhất vẫn là Viềng Vụ Bản và Viềng Nam Trực. Mỗi chợ đều có nét độc đáo riêng nhưng tựu chung đây là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng đầu xuân của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ xa xưa.

Lễ hội Bà Chúa Kho 

Lễ hội đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp du xuân đầu năm, hàng vạn người lại ngược về Bắc Ninh đi lễ Bà Chúa Kho để cầu lộc. Đầu năm vay bà, cuối năm trả nợ. Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cổ Mễ, Phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cô Mễ (gồm: Đình - Chùa - Đền) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tín ngưỡng.

Hội xuân Yên Tử (mùng 10/1)

Lễ hội Yên Tử là một trong những lễ hội đầu năm ở miền Bắc được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến quanh năm.
Yên Tử là nơi vua Trần Nhân Tông hóa Phật, nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đạo Phật Việt Nam, một dòng Thiền có một không hai trên thế gian này. Trong Ngài thể hiện rất rõ, quyện vào nhau ba yếu tố con người hiện thực, hướng thượng và nhập thế để sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đạo Phật của Việt Nam.

Hội xuân Yên Tử, Quảng Ninh


Yên Tử là một quần thể di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng của nước nhà, là một kho tàng lịch sử và truyền thuyết phong phú, hấp dẫn. Yên Tử còn lưu những di tích lịch sử văn hóa thời Lý, Trần và các dấu ấn lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại.
Hệ thống chùa, am, tháp, tượng điêu khắc bia kí,…phong phú, đa dạng của các thời đại: Lý, Trần, Lê, Nguyễn còn đến ngày nay ở Yên Tử, là những di sản văn hóa vô giá của dân tộc, là sản phẩm của nền văn minh Đại Việt, nổi bật là thời đại nhà Trần.
Ngày 10 tháng Giêng, lễ khai mạc Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; Lễ khai ấn "Dấu Thiêng Chùa Đồng" đầu năm rất quan trọng và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian,..… tưng bừng, nhộn nhịp.

Hội chọi trâu Hàm Yên (10/1-11/1)

Lễ hội chọi trâu Hàm Yên (Tuyên Quang) là một trong những lễ hội chọi trâu truyền thống nổi tiếng bên cạnh các lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) và Hải Lựu (Vĩnh Phúc).Đây là một trong những lễ hội đặc sắc dịp đầu xuân luôn thu hút hàng vạn người về tham dự.Lễ hội diễn ra vào các ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm.Theo đúng phong tục của người dân bản địa, sau giải đấu, con trâu chiến thắng đã được hóa kiếp và mang về tế lễ tại Đền Bắc Mục.

Hội chọi trâu Hàm Yên

Với mỗi người dân địa phương, hội chọi trâu Hàm Yên là dịp để tạ ơn trời đất, cầu mong cuộc sống hạnh phúc bình yên, làm ăn thịnh vượng và may mắn. Còn với huyện Hàm Yên, việc tổ chức lễ hội chọi trâu hàng năm gắn liền với mục tiêu phát triển và nhân rộng đàn trâu của huyện, từng bước xây dựng thương hiệu Trâu Hàm Yên, góp phần thúc đẩy kinh tế trên của huyện phát triển và xây dựng thương hiệu trâu Hàm Yên.

Hội Lim (13/1)

Hội Lim vùng Kinh Bắc

Hội Lim là một lễ hội miền Bắc rất đặc sắc, được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trong đó ngày 13 mới là chính hội được tổ chức trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh, nơi du khách được thưởng thức các làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào và đầy tình cảm của các liền anh, liền chị. Có giả thuyết cho rằng hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương .

Hội chọi Trâu Hải Lựu Vĩnh Phúc (16/1-17/1)

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu diễn ra tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc.
Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm như các đấu sĩ trâu. Trâu sau khi chọi đều được giết để khao quân.

Hội chọi trâu Hải Lựu, Vĩnh Phúc


Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó. Có lẽ nét văn hoá độc đáo của chọi trâu Hải Lựu là khác với lễ hội chọi trâu ở nơi khác các trâu thường do các cá nhân hoặc các xã trong một huyện mua về chăm sóc nuôi dưỡng nhưng ở Hải Lựu các "đấu sĩ trâu" được các tập thể cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn luyện (mỗi tập thể thường là các xóm, làng hoặc họ tộc...) đã gắn bó lâu đời với nhau
Từ năm 1947, do chiến tranh Đông Dương ác liệt và nhiều lý do khác, lễ hội chọi trâu này không được tổ chức, mãi tới năm 2002 mới được khôi phục trở lại. Từ năm 2004, lễ hội được tổ chức trong hai ngày 16-17 tháng giêng và được coi là một trong những lễ hội xuân rất đặc sắc của miền Bắc.

Hội xuân Chùa Keo Thái Bình

Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Một năm chùa mở hội 2 lần, đó là hội xuân đầu năm vào ngày mồng 4 tết Nguyên Đán và hội chính mùa thu, từ ngày 13 đến ngày 15/9 âm lịch. Hội tháng 9 gắn liền với sự tích của Không Lộ Thiền Sư (13-9 là 100 ngày mất của ngài, còn 14 tháng 9 là ngày sinh).

Hội xuân chùa Keo, Thái Bình

Hội chùa Keo diễn ra đông vui tấp nập suốt 3 ngày, 3 đêm bằng nghi lễ tôn giáo và một số tập tục cổ truyền để tưởng nhớ vị thiền sư đã có công với nước và qua hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian đã phản ánh được lối sống của vùng dân cư ven sông mang màu sắc văn hoá nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật