Những quy tắc "vàng" cho trẻ trước 6 tuổi mà cha mẹ nên biết

Trước 6 tuổi là thời gian tốt nhất để trẻ phát triển ý thức, dưới đây là 4 quy tắc cha mẹ nên đặt ra cho con trong lứa tuổi này.

Quy tắc 1: Không tự ý lấy đồ của người khác

Trẻ 3, 4 tuổi mới bắt đầu biết nhận thức, thường chưa phân biệt được rõ ràng đâu là đồ của mình, đâu là đồ của người khác. Do đó, nhiều khi chỉ cần cảm thấy thích thứ gì, trẻ sẽ lấy thứ đó ngay mà không do dự. Các bé nghĩ rằng mình cầm vào rồi thì nó là của mình. Nếu có ai lấy lại, bé chắc chắn sẽ mếu máo, thậm chí khóc ầm lên.

Vì thế, nhiệm vụ của cha mẹ là giúp bé hiểu khái niệm 'của mình' và 'của người khác'. Để làm được điều đó, thường ngày bạn có thể chỉ vào một số đồ vật như quần áo, giày dép, sách truyện… và nói với bé: 'Cái này là của bố', 'Cái này là của mẹ', 'Cái này là của con'.

Sau đó kiểm tra bé bằng cách hỏi lại: 'Đây có phải đồ của con không?' rồi để bé tự trả lời. Khi bé đã ý thức được sự khác nhau giữa 'của mình' và 'của người khác', bạn hãy đặt ra quy tắc sau và yêu cầu bé làm theo: 'Đồ của ai thì người dùng, không tự ý lấy đồ của người khác khi chưa được họ cho phép'. Quy tắc này giúp trẻ học được cách tôn trọng người khác cũng như quyền sở hữu của họ.

Cha mẹ nên dạy bé sự khác nhau giữa 'của mình' và 'của người khác' (Ảnh: Internet)

Cha mẹ nên dạy bé sự khác nhau giữa 'của mình' và 'của người khác' (Ảnh: Internet)

Quy tắc 2: Lấy đồ ở đâu, dùng xong phải cất lại chỗ cũ

Thông thường, trẻ nhỏ thích bày đồ chơi la liệt nhưng khi chơi chán rồi lại không cất đồ đi. Nhiều cha mẹ coi chuyện đó là bình thường vì nghĩ: 'Trẻ còn nhỏ nên chưa biết cách dọn dẹp, cha mẹ làm giúp còn nhanh hơn'. Thực ra, trẻ 4, 5 tuổi hoàn toàn có thể tự thu dọn đồ đạc của mình, chỉ vì cha mẹ chiều chuộng quá nên các em mới sinh ra ỷ lại. Các phụ huynh hãy yêu cầu bé cất đồ về chỗ cũ sau khi dùng xong.

Những lần đầu có thể bé làm còn chậm chạp nhưng về sau chắc chắn sẽ thành thục hơn. Rồi sẽ có lúc bạn thấy trẻ tự giác dọn dẹp mà không cần cha mẹ nhắc nhở. Quy tắc này giúp bé yêu tập thành thói quen giữ môi trường sống ngăn nắp, sạch sẽ. Ngoài ra, nó cũng nâng cao khả năng tự giải quyết những vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày của bé.

Quy tắc 3: Ai đến trước thì dùng trước

Trong gia đình cha mẹ thường dành cho con cái nhiều sự ưu tiên, hầu như cái gì cũng nhường cho bé trước: Có đồ ngon sẽ nhường bé ăn trước, đi tắm cũng nhường bé tắm trước… Nếu cứ làm như vậy sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy mình là trung tâm của mọi thứ, nghĩ rằng mình có đặc quyền, quyết định của mình là trên hết. Dần dần lớn lên, trẻ có thể sẽ đối xử thiếu tôn trọng với mọi người.

Để chữa được thói 'công chúa', 'hoàng tử' này, cha mẹ cần lấy mình làm gương. Hãy đặt ra quy định và yêu cầu tất cả thành viên trong gia đình làm theo: 'Ai đến trước thì dùng trước, người đến sau phải đợi'. Tất nhiên bé có thể được ưu tiên trong một số trường hợp. Tuy vậy, lúc đó bạn vẫn phải yêu cầu bé trình bày lí do chứ không được đòi hỏi vô lý. Quy tắc này giúp trẻ bồi dưỡng tính kỉ luật, ý thức được sự bình đẳng giữa người với người. Đồng thời, đây cũng là nền tảng để bé hình thành thói quen 'xếp hàng' - một nếp sống văn minh cần có.

Thói quen xếp hàng là kỹ năng mọi trẻ em cần phải học (Ảnh: Internet)

Thói quen xếp hàng là kỹ năng mọi trẻ em cần phải học (Ảnh: Internet)

Quy tắc 4: Làm sai phải xin lỗi

Người lớn thường nghĩ rằng trẻ còn nhỏ, chưa hiểu chuyện nên nếu làm sai cũng không đáng trách. Đúng là bé có thể không cố ý nhưng mắc lỗi vẫn là mắc lỗi. Nếu cha mẹ cứ dễ dàng cho qua mà không hỏi han gì, trẻ sẽ nghĩ: 'Làm sai cũng chẳng có gì to tát, dù thế nào bố mẹ cũng sẽ tha thứ cho mình'. Dần dần, bé sẽ trở nên thiếu ý thức trách nhiệm với những hành vi của mình, cư xử tùy ý mà không lo nghĩ về hậu quả.

Thay vì làm lơ lỗi sai của trẻ, các bậc cha mẹ ít nhất cần giáo dục con một điều: 'Đã làm sai thì phải xin lỗi, như vậy mới là đứa trẻ ngoan'. Nếu bé lỡ làm vỡ lọ hoa của bà thì phải xin lỗi bà; nếu bé trót làm bẩn sách của anh thì phải xin lỗi anh; nếu trong lúc chơi đùa bé làm bạn ngã thì phải xin lỗi bạn. Các thành viên trong gia đình cũng cần thực hiện tốt quy tắc này để làm tấm gương cho bé noi theo.

Quy tắc 'làm sai phải xin lỗi' không chỉ dạy bé cư xử lịch sự, mà còn giúp bé tập thành thói quen dũng cảm nhận sai lầm. Có như vậy, sau này con bạn mới được yêu mến và tôn trọng khi sống trong tập thể.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật