Nhìn bức ảnh khác biệt 'một trời một vực' giữa não bộ của trẻ đọc sách và xem điện thoại, cha mẹ sẽ biết mình nên làm gì với con trong những ngày nghỉ học vì Covid-19

Những đứa trẻ có nhiều trải nghiệm kích thích não bộ phát triển trong thời gian này sẽ có lợi thế rất lớn khi đến tuổi đi học. Những đứa trẻ bỏ lỡ giai đoạn vàng này sẽ khá khó khăn để đạt được sự phát triển như thế”.

Gạt bỏ thiết bị điện tử sang một bên và đọc sách cho con nghe trong những năm đầu đời sẽ giúp phát triển não bộ vượt bậc. Phần lớn các bố mẹ đều hiểu điều đó song hiếm ai dành thời gian thật sự đọc sách cùng con. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học gần đây có thể sẽ khiến các bậc phụ huynh suy nghĩ nghiêm túc vấn đề này bằng những hình ảnh đáng ngạc nhiên.

Đây là não bộ của trẻ ở độ tuổi mầm non thường xuyên được cha mẹ đọc sách cho nghe

Các khu vực màu đỏ cho thấy sự tăng trưởng của chất trắng ở vùng phát triển ngôn ngữ và khả năng đọc viết của trẻ, đây là khu vực sẽ hỗ trợ việc học tập trở nên dễ dàng hơn.

Đây là não bộ của trẻ ở độ tuổi mầm non dành ra ít nhất hai tiếng mỗi ngày trên màn hình điện thoại

Các khu vực màu xanh cho thấy sự kém phát triển và thiếu hệ thống của chất trắng trong cùng vùng hỗ trợ việc học tập tại trường của trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc đứa trẻ này sẽ gặp khó khăn trong học tập khi lớn lên.

Cả hai bức ảnh đều từ nghiên cứu khoa học mới đây của Trung tâm Khám phá Đọc & Đọc hiểu, trực thuộc Bệnh viện Trẻ em Cincinnati (Mỹ). Đây là những nghiên cứu đầu tiên đưa ra các bằng chứng sinh – thần kinh học, về những lợi ích của việc đọc sách và tác hại tiềm tàng khi lạm dụng thiết bị điện tử cho sự phát triển não bộ của trẻ độ tuổi mầm non.

Tiến sĩ John Hutton - bác sĩ nhi khoa, nhà nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Trẻ em Cincinnati cho biết: "Bộ não trẻ có tốc độ phát triển nhanh nhất trong 5 năm đầu tiên. Những đứa trẻ có nhiều trải nghiệm kích thích não bộ phát triển trong thời gian này sẽ có lợi thế rất lớn khi đến tuổi đi học. Những đứa trẻ bỏ lỡ giai đoạn vàng này sẽ khá khó khăn để đạt được sự phát triển như thế".

Tầm quan trọng của chất trắng trong não bộ

Nghiên cứu sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRIs): kéo căng khuếch tán hình ảnh, các nhà khoa học để kiểm tra chất trắng của 47 trẻ em khỏe mạnh trong độ tuổi 3-5, những trẻ chưa từng đi học mẫu giáo.

Trong khi chất xám của não chứa phần lớn các tế bào dùng để điều khiển cơ thể nên làm gì, thì chất trắng lại như một mạng lưới truyền thông nội bộ của bộ não, cho phép các tín hiệu điện di chuyển từ vùng này sang vùng khác mà không bị gián đoạn. Bởi chất trắng được tạo thành từ các sợi, và thường được phân phối thành các bó gọi là các dải - hình thành các kết nối giữa các tế bào não và phần còn lại của hệ thần kinh.

Gia tăng và sắp xếp các vùng chất trắng rất quan trọng để tăng trưởng khả năng điều khiển các bộ phận của não bộ, củng cố khả năng học tập ở trẻ. Nếu hệ thống điều hành thiếu khả năng kết nối với nhau, nó làm chậm tốc độ xử lý của não và gián đoạn việc học tập.

Tiến sĩ Hutton chia sẻ: "Trẻ em được sinh ra với rất nhiều tế bào thần kinh, nhưng về cơ bản chúng là những tế bào trống rỗng, rời rạc. Chính nhờ vào những cuộc trò chuyện, đi dạo, chơi trò chơi, khám phá, đọc sách… đã tạo nên sự kết nối và củng cố mối quan hệ giữa các tế bào thần kinh này. Bất kỳ thứ gì không được sử dụng tốt đều bị não cắt tỉa và chết đi. Và mặc dù bộ não có thể thay đổi và học hỏi ở mọi lứa tuổi, nhưng nó đạt hiệu quả nhất trong 5 năm đầu tiên. Đó là lý do tại sao những trải nghiệm thời thơ ấu lại rất quan trọng".

Ngoài việc quét não bộ, những đứa trẻ còn làm bài kiểm tra nhận thức. Kết quả cho thấy, những trẻ sử dụng thiết bị công nghệ nhiều hơn một tiếng mỗi ngày thể hiện trình độ tiếp thu kém hơn, khả năng ngôn ngữ bị hạn chế và tốc độ nhớ tên các đồ vật khá chậm.

Ngược lại, những đứa trẻ thường xuyên đọc sách với cha mẹ có sự thể hiện nhận thức tốt hơn.

Tiến sĩ John Hutton chia sẻ: "Sử dụng các thiết bị điện tử thông minh đã ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, mà cụ thể là khả năng ngôn ngữ, đọc hiểu của trẻ. Mặt khác, việc dành thời gian cho điện thoại, ipad cũng khiến cho trẻ không còn thời gian để tham gia các hoạt động khác, nhằm kích thích trí tưởng tượng, cũng như đi ra ngoài trời để khám phá thiên nhiên. Các bậc phụ huynh cần biết rằng, không cứ gì chỉ đọc sách. Bất cứ hoạt động nào có sự tương tác giữa đều giúp phát triển não bộ".

Làm sao để nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách của trẻ?

Tiến sĩ Hutton cho biết: "Dựa trên nghiên cứu của chúng tôi, cách hữu hiệu nhất để giúp phát triển trí tuệ ở trẻ là hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày. Cha mẹ cần tìm cuốn sách phù hợp và dành thời gian đọc cha trẻ nghe".

Không có cuốn sách nào là tốt nhất, cũng như không có phương pháp nào đặc biệt hữu hiệu, thu hút sự chú ý của trẻ vào việc đọc sách. Nhưng các chuyên gia đã cung cấp một số lời khuyên, nếu cha mẹ kiên trì thực hiện thì trẻ sẽ dần có hứng thú với việc đọc sách:

- Thường xuyên trò chuyện với con

- Hát những bài hát thiếu nhi

- Để trẻ tự do sáng tạo những câu truyện của riêng mình và cha mẹ nên đặt những câu hỏi chi tiết hơn về câu truyện đó

- Chọn lọc những cuốn sách có nhân vật thú vị, đừng ngại chơi trò nhập vai và sử dụng những tông giọng khác nhau cho mỗi nhân vật

- Cho trẻ chỉ vào bức tranh hoặc một từ rồi lặp lại cách đọc

- Quan trọng nhất là hãy thực sự vui chơi cùng trẻ.

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật