Viêm mũi dị ứng mùa lạnh và cách điều trị có thể bạn chưa biết

Khí hậu gió mùa của nước ta cùng với môi trường nhiều khói, bụi ô nhiễm hiện nay đã làm cho bệnh viêm mũi dị ứng ngày một tăng.

Viêm mũi dị ứng (VMDỨ) là tình trạng viêm niêm mạc mũi do dị ứng nguyên gây ra.

Viêm nên lớp niêm mạc này trở nên nhạy cảm bất thường và có thể bị kích ứng bởi các chất dễ gây dị ứng như: không khí lạnh, khói, phấn hoa, hóa chất, khói thuốc lá, lông thú nuôi, nấm mốc, thực phẩm có tính kích thích như hạt tiêu, ớt…

Các thể bệnh VMDƯ

Tùy theo thể trạng của người bệnh và sự tiếp xúc với chất gây dị ứng, có thể gặp các dạng bệnh viêm mũi dị ứng sau:

- VMDƯ theo mùa: Dị ứng nguyên gây viêm dị ứng thường là phấn hoa, bụi, nấm mốc, thời tiết. Bệnh nhân dị ứng với phấn hoa này có thể dị ứng với các loại phấn hoa khác.

- VMDƯ do nghề nghiệp: Vì bệnh nhân phải tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng tại nơi làm việc như bụi công nghiệp, bụi gỗ, lông thú, hóa chất, hơi xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu…

- VMDƯ quanh năm: Là do dị ứng nguyên có ở trong nhà như: bụi, lông chó mèo, quần áo, chăn màn, đồ chơi, côn trùng trong nhà như gián, dĩn, mò,…

- VMDƯ chỉ xảy ra khi: bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng như mỹ phẩm, thức ăn, bụi, nấm mốc, thời tiết nóng hoặc lạnh đột ngột… Khi hết tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng thì không còn triệu chứng VMDƯ.

Ảnh hưởng của VMDƯ với hen suyễn

Bệnh VMDƯ và hen suyễn đều là bệnh dị ứng. VMDƯ có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát hen suyễn. Nhưng nếu điều trị tốt VMDƯ có thể làm giảm lên cơn suyễn. VMDƯ gây nghẹt mũi, từ đó làm mất ngủ và mất ngủ lại dễ bị lên cơn hen.

Khi điều trị VMDƯ thường dùng glucocorticoid xịt vào mũi để ngăn chặn viêm. Các thuốc glucocorticoid này cũng tương tự với các thuốc xịt glucocorticoid trong điều trị hen suyễn.

Vì vậy khi dùng thuốc loại này sẽ có tác dụng cho cả hai bệnh VMDƯ và hen suyễn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng triệu chứng của hen suyễn có thể che lấp triệu chứng VMDƯ, vì thế đối với bệnh nhân bị hen suyễn, cần kiểm tra xem có bị vVMDƯ không. Mùa lạnh, bệnh VMDƯ và bệnh hen suyễn đều có thể bùng phát và tăng nặng nên bệnh nhân cần lưu ý đề phòng.

Dấu hiệu của bệnh VMDƯ

Bệnh nhân bị VMDƯ thường có các dấu hiệu: ngứa mũi, đôi khi kèm theo ngứa mắt, tai và vòm họng. Nhầy mũi, thường thành từng tràng dài liên tục. Chảy nước mũi, nghẹt mũi. Đau họng thường xuyên, khàn giọng. Mũi mất ngửi.

Bệnh nhân thường phải thở bằng miệng, nhất là lúc ngủ, thường hay ngáy ngủ, nhức đầu. Ở trẻ em hay bị nhiễm khuẩn tai giữa, ho nhất là lúc nằm ngủ ban đêm.

Chẩn đoán chính xác VMDƯ bằng cách xét nghiệm dịch mũi, hoặc tìm phản ứng dị ứng bằng cách tiêm một số kháng nguyên nghi ngờ vào da bệnh nhân.

Tuy không nguy hiểm nhưng VMDƯ gây cho người bệnh nhức đầu, buồn ngủ, khó chịu, uể oải, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt, sức khỏe suy giảm. Để lâu không điều trị, bệnh nhân có thể bị viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm xoang…

Chữa trị và phòng bệnh

Có nhiều loại thuốc điều trị VMDƯ, nhưng hiệu quả và an toàn nhất là các thuốc xịt glucocorticoid. Thuốc xịt loại này giúp làm giảm viêm niêm mạc mũi, cần xịt đều đặn và lâu dài để đạt được kết quả tốt nhất.

Tuy nhiên, những người bị VMDƯ theo mùa, không cần phải dùng thuốc liên tục. Bệnh nhân bị bệnh lâu năm, khi biết sắp có triệu chứng VMDƯ xảy ra, nên dùng thuốc xịt khoảng 6 tuần rồi ngưng, bình thường thuốc xịt đạt được đầy đủ tác dụng sau 2 tuần dùng thuốc.

Các thuốc kháng histamin dạng uống có thể được dùng một loại hay phối hợp với các thuốc khác, có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa.

Đối với những người vừa bị VMDƯ vừa bị hen suyễn phải chú ý rằng các thuốc kháng histamin  dùng kéo dài có thể làm tình trạng hen suyễn nặng thêm. Thuốc giảm sung huyết mũi rất hiệu quả trong những trường hợp bị nghẹt mũi. Nhưng chỉ nên dùng vài ba ngày và thận trọng ở người bị tăng huyết áp. Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý là biện pháp tốt giúp làm sạch niêm mạc mũi.

Phòng bệnh cần thực hiện nhiều biện pháp như: giặt sạch chăn màn, ga, nệm, vỏ gối… Không nuôi chó mèo, chim trong nhà và tránh tắm cho thú hoặc tiếp xúc với thú nuôi.

Sau khi loại bỏ thú nuôi, cần làm vệ sinh sạch sẽ tường, sàn nhà và chú ý rằng các phần tử gây dị ứng từ thú nuôi có thể còn dính trong quần áo và một số bề mặt đồ vật, tồn tại trong nhà một thời gian dài sau khi đã loại bỏ thú nuôi.

Đeo khẩu trang khi ra ngoài. Hạn chế tối đa sự tiếp xúc với khói thuốc, khói xe, nước hoa, hương liệu hay những chất nghi là gây dị ứng cho bệnh nhân. Không nên hút thuốc và tránh hít phải khói thuốc.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật