Những dấu hiệu phổ biến cảnh báo của bệnh vẹo cổ ở trẻ nhỏ

Vẹo cổ là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ từ 0 tới 6 tháng tuổi, tỉ lệ mắc ở trẻ trai và gái gần như là bằng nhau.

Theo các bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng - bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) bệnh lý vẹo cổ ở trẻ có hai nguyên nhân thường gặp nhất:

Thứ nhất, do u cơ ức đòn chũm – là một khối u trên một cơ nằm ở phía bên cổ (nối từ phía sau tai đến xương đòn gánh và xương ức của trẻ). Điều này sẽ làm cho cơ ức đòn chũm của trẻ bị co thắt lại, và kéo cổ của trẻ nghiêng qua một bên khối u này đa phần sẽ tự tan khi trẻ được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ không được phát hiện và điều trị sớm thì cơ ức đòn chũm của trẻ sẽ bị co rút cột sống cổ bị biến dạng, để lại di chứng vẹo cổ vĩnh viễn về sau, và cần phải can thiệp phẫu thuật để chỉnh sửa.

Thứ hai, do tư thế trong bào thai hay do tư thế chăm sóc chưa đúng của người nhà tạo thuận cho trẻ chỉ duy trì tư thế đầu và cổ nghiêng về một phía.

Lưu ý: Ở một số trẻ chưa có khả năng kiểm soát đầu cổ tốt (trẻ nhỏ dưới 2 – 3 tháng tuổi, hay trẻ chậm phát triển vận động), thì cổ của trẻ cũng thường bị nghiêng về một bên khi trẻ ở tư thế nằm sấp, hay ẵm ngồi.

Biểu hiện thường gặp ở trẻ có bệnh lý vẹo cổ

Trẻ thường có khuynh hướng nghiêng cổ về một bên và mặt xoay về bên đối diện. Ví dụ: Trẻ bị vẹo cổ bên phải, đầu trẻ sẽ nghiêng về bên phải và mặt trẻ sẽ thường xuyên xoay về bên trái.

Trẻ sẽ gặp khó khăn khi xoay mặt về phía bên bị bệnh. Trong trường hợp bú mẹ, trẻ có thể chỉ thích bú một bên, vì khi xoay về bên ngược lại trẻ sẽ cảm thấy khó chịu. Ví dụ: Trẻ bị vẹo cổ phải sẽ không thích, hay gặp khó khăn khi xoay mặt về bên này.

Mẹ hay người nhà có thể sẽ sờ thấy một khối bất thường ở cổ của trẻ nếu trẻ có u cơ ức đòn chũm.

Khi con bạn có những biểu hiện trên, bạn nên đưa trẻ đến các bệnh viện có chuyên khoa Phục hồi chức năng Nhi để được khám và tư vấn kỹ hơn.

Điều trị cho trẻ bị vẹo cổ

Các phương pháp điều trị thường được áp dụng nhất cho trẻ bị vẹo cổ:

Thứ nhất, duy trì tư thế đúng khi sinh hoạt. Đầu trẻ nên được giữ thẳng khi ẵm, bú, hay ngủ.

Thứ hai, thực hiện các bài tập kéo dãn cơ ức đòn chũm. Ví dụ: thụ động kéo cổ trẻ nghiêng về phía bên lành, hoặc thụ động kéo xoay mặt trẻ về bên bệnh,…

Thứ ba, cho trẻ thực hiện các bài tập để làm mạnh cơ ức đòn chũm đối bên, và kích thích cho trẻ tự chỉnh tư thế đầu về vị trí đúng.

Với những trẻ trên 6 tháng tuổi, bị vẹo cổ do u cơ ức đòn chũm và có tình trạng co rút cơ này hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn trên, thì trẻ cần được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật