Bệnh lao không còn nguy hiểm nhưng cần phải đề phòng những rủi ro

Một tổ chức y tế có trụ sở ở Thụy Sỹ dự báo đến năm 2015, trên thế giới sẽ có khoảng 2 triệu người có các triệu chứng kháng thuốc với bệnh lao. 

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra bệnh lao là do trực khuẩn Koch. Ðây là một loại trực khuẩn hình que, sinh sản nhanh và bền vững. Trực khuẩn lao có thể sống vài tuần trong không khí và nước, nhưng khi bệnh nhân nhổ đờm xuống đất ẩm và nơi tối thì trực khuẩn lao lại tồn tại đến 2-3 tháng.

Ðường lây chủ yếu là qua đường hít thở (trực khuẩn có trong không khí do người bệnh khạc nhổ, ho, hắt hơi); Khi nói chuyện trực tiếp với người bệnh; Do thức ăn, nước uống; Do ruồi mang trực khuẩn đến; Có trường hợp do uống sữa không đun sôi của bò bị lao. Một bệnh nhân lao phổi mỗi ngày có thể ho khạc ra 1 – 7 nghìn triệu trực khuẩn lao. Khi vào cơ thể, trực khuẩn Koch khu trú ở nhu mô phổi là chính, 85-90% lao phát triển ở phổi, còn lại có thể gây lao màng não, xương khớp, hạch, thận, ruột, da. Do đó nói đến lao, người ta nghĩ ngay đến lao phổi.

Người mang trực khuẩn Koch trong cơ thể, y học gọi là nhiễm lao, nếu hệ miễn dịch tốt có thể vẫn khỏe mạnh. Nhưng đến một lúc nào đó, do hệ miễn dịch suy giảm như mắc một bệnh khác (cảm cúm, tiểu đường, bụi silic phổi, HIV/AIDS…) hoặc uống những thuốc ức chế miễn dịch như corticoid thì nhiễm lao sẽ phát triển thành bệnh.

Căn cứ vào những dấu hiệu thay đổi của cơ thể bạn có thể dễ dàng nhận biết được bệnh lao: Ho khúc khắc kéo dài, có khi khạc ra đờm hoặc trong đờm lẫn máu; Cảm giác mỏi mệt toàn thân, chán ăn, sụt cân trong những tháng đầu; Cứ về chiều lại hơi bị sốt, theo dõi thân nhiệt thấy sáng và chiều cách nhau khoảng nửa độ, ví dụ sáng 370C, chiều 37,30C – 37,50C kéo dài nhiều ngày; Có trường hợp cảm thấy khó thở, tức ngực, có khi ho ra máu.

Bệnh lao có thể phòng được

Ðến nay vẫn có nhiều người sợ bị lây bệnh lao khi phải tiếp xúc, chăm sóc người bệnh hoặc trong gia đình có người bị lao nhưng thực tế chúng ta có thể phòng và ngăn chặn được việc lây và mắc bệnh.

Ngày nay cho trẻ tiêm vaccin phòng lao BCG là biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng tránh bệnh lao. Trong chương trình chống lao của nước ta, tiêm BCG được lồng ghép vào chương trình tiêm chủng mở rộng phòng 6 bệnh hay lây cho gần 100% trẻ em dưới 5 tuổi.

Việc phòng chống bệnh lao lây lan là nhiệm vụ của bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân và toàn xã hội.

Kiên trì điều trị lao đúng thời gian và hướng dẫn của thầy thuốc cho đến khi khỏi hẳn. Người bệnh phải khạc nhổ đờm vào ống nhổ riêng, sau đó đem ngâm trong nước vôi, nước crezin 4% hoặc nước clorua vôi 2% rồi mới đổ vào cầu tiêu hoặc chôn xuống đất; Người chăm sóc hoặc tiếp xúc với bệnh nhân cần nhắc nhở và giúp đỡ họ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống lao.

Với người bệnh: không được khạc nhổ bừa bãi xuống đất, khi bệnh đang phát triển cần được ngủ riêng giường, dùng bát đũa, cốc chén riêng và phải luộc sôi sau khi dùng; Áo quần, chăn màn hàng tuần phải được luộc sôi sau khi giặt; Khi nói chuyện có thể đeo khẩu trang.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật