Giám đốc viện K: 'Ung thư không phải do quả báo'

Phó giáo sư Lê Văn Quảng, tân Giám đốc Bệnh viện K, Hà Nội, cho biết những định kiến sai lệch như thế này về bệnh ung thư không những xuất hiện ở người ít hiểu biết về kiến thức khoa học, mà cả giới có học thức.

Ung thư xuất hiện ở mọi vùng, mỗi xóm làng hay đơn vị đều có người mắc. Đa phần bệnh nhân ngoài 50 tuổi, khi các yếu tố nguy cơ đủ thời gian tích lũy để hình thành phát sinh bệnh.

"Tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng cao hơn ở xã hội phát triển, nơi tuổi thọ người dân tăng cũng như liên quan đến mức độ và lối sống công nghiệp hóa. Điều này cho thấy phần lớn trường hợp ung thư là do lối sống chứ không phải tại quả báo", phó giáo sư Quảng nói.

Ung thư hình thành do các tế bào tiếp xúc với tác nhân sinh ung thư, gây thương tổn DNA tế bào không hồi phục. Các tế bào bất thường nhân lên không kiểm soát được, thoát ra khỏi sự kiểm soát sinh lý bình thường, xâm lấn phá hủy các tổ chức xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể.

Tác nhân từ môi trường, ăn uống chiếm tới khoảng 80% nguyên nhân sinh ung thư, như dùng thuốc lá, rượu, bức xạ ion hóa, tia cực tím... Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như di truyền, nhiễm vi sinh vật...

Một số yếu tố, tác nhân gây ung thư có thể thay đổi và dự phòng như hút thuốc, uống rượu, nhai trầu, lối sống ít vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt tình dục không an toàn lây nhiễm HPV, không tiêm phòng viêm gan B dẫn đến lây nhiễm, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời... Tuy nhiên có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được, như tuổi tác, các yếu tố di truyền và rối loạn nội sinh. Càng nhiều tuổi, sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật càng giảm, thời gian tiếp xúc, tích lũy các yếu tố nguy cơ càng nhiều, ung thư càng dễ phát sinh.

Theo ông Quảng, rất may, chỉ dưới 10% ung thư phát sinh do các rối loạn nội sinh từ bên trong cơ thể, các tổn thương có tính di truyền, những nguyên nhân không thay đổi được.

Có những trường hợp, bác sĩ không thể xác định nguyên nhân gây ung thư, vì không thể hồi cứu hết các tác nhân, yếu tố nguy cơ mà người bệnh phơi nhiễm trong cuộc sống. Vì vậy, nhiều người tin rằng mình bị trời phạt do việc đã từng làm ở kiếp trước hoặc trong quá khứ.

Một định kiến sai lầm phổ biến khác là ung thư mà "đụng dao kéo" khiến bệnh lan tràn nhanh và tử vong sớm hơn. Hậu quả của quan niệm này cũng rất nguy hiểm, tai hại. Bệnh nhân sợ hãi, trốn tránh phẫu thuật, thử dùng thuốc này thuốc kia, khi bệnh đã nặng mới vào viện, thời điểm vàng của quá trình điều trị đã trôi qua, thời cơ chữa khỏi bệnh bằng phẫu thuật đã mất.

"Thực tế, đối với đa số loại ung thư, phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất để cứu chữa bệnh nhân ở giai đoạn sớm", ông Quảng nói.

Ý nghĩa sai lầm nhất ở người bệnh ung thư là cho rằng ''ung thư là bản án tử hình", nếu điều trị thì cũng chỉ có thể sống thêm một thời gian ngắn. Hệ lụy của định kiến này là tâm lý bi quan quá mức, buông bỏ và không tuân thủ điều trị.

Các tiến bộ y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại ung thư, tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng... Hiện tại Bệnh viện K có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chữa trị ổn định 10 năm, 20 năm, 30 năm.

 

Phó giáo sư Lê Văn Quảng khuyến cáo người dân cần hay đổi lối sống và tầm soát ung thư sớm. Ảnh: Hà Trần.

 

Bác sĩ Quảng khuyến cáo lối sống lành mạnh, đặc biệt người trên 40 tuổi cần tầm soát ung thư sớm. Khi phát hiện bệnh, nên điều trị theo phác đồ, tránh theo những quan niệm sai lầm và các phương pháp điều trị truyền miệng, không có khoa học.

Ước tính hơn 300.000 người Việt Nam đang phải chiến đấu với ung thư, mỗi năm ghi nhận gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết. Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, kế đó là dạ dày, gan, đại trực tràng. Ở nữ giới, lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi.

Tại Bệnh viện K, vào năm qua lượng người đến khám và điều trị khi bệnh ở giai đoạn sớm tăng 50%, so với trước đây chỉ 20-25%. Điều này thể hiện người dân ý thức hơn trong việc khám sức khỏe định kỳ, đi khám kể cả khi chưa có triệu chứng.

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật