Ăn gì để phòng tránh bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Ăn các món giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho niêm mạc dạ dày.

Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng bệnh lý gây ra do lớp niêm mạc dạ dày hay tá tràng bị bào mòn bởi nồng độ acid trong dịch dạ dày, gây ra các vết viêm loét.

Nguyên nhân của bệnh có thể do dùng thuốc aspirin, thuốc chữa khớp với liều lượng cao; do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori gây tăng tiết acid.

Ngoài ra bệnh cũng có thể được tích tụ khi người bệnh uống quá nhiều rượu, sử dụng nhiều chất kích thích, thường xuyên ăn đồ chua, cay; ăn quá nhiều chất béo; do thói quen ăn vội, nhai không kỹ; thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại hay trong tình trạng stress, căng thẳng kéo dài.

Biểu hiện viêm loét dạ dày - tá tràng

Khi dạ dày bị tổn thương, khoảng 20% bệnh nhân viêm loét dạ dày-tá tràng không thấy xuất hiện triệu chứng lâm sàng đến khi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm hơn như: xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị.

Thông thường, người bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng có các triệu chứng như: ợ hơi, ợ chua; nóng rát; đau vùng thượng vị, buồn nôn, đầy bụng, chậm tiêu. Bệnh nhân đau thành từng cơn vào lúc đói hoặc vào ban đêm, cơn đau có thể dịu đi sau khi ăn. Uống thuốc dạ dày thấy giảm đau rõ rệt. Khi bệnh trở nặng, dạ dày bị xuất huyết, người bệnh đi đại tiện ra phân đen như bã cà phê, mùi xốc, nặng hơn bình thường.

Vậy chế độ ăn uống cho người bệnh viêm loét dạ dày- tá tràng là gì?

Khi mắc bệnh, ngoài điều trị và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng cần đặc biệt lưu ý về chế độ ăn uống.

- Ăn các món giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho niêm mạc dạ dày. Không chọn các thực phẩm chứa nhiều chất kích thích.

Một số món ăn phù hợp với người bệnh có thể kể đến như: sữa bò, nước cháo, sữa đậu nành, bột ngó sen, đậu phụ, bí xanh, khoai tây, thịt nạc, cá ….

- Khi chế biến thực phẩm nên thái nhỏ, nấu kỹ cho mềm. Chủ yếu ăn đồ hấp, luộc, ninh.

- Nếu bệnh nhân nôn ra máu, đại tiện phân đen, cần ngay lập tức cho dừng ăn thức ăn cứng. Sau khi bệnh nhân ngừng chảy máu 24h mới cho ăn một ít sữa nguội. Khi bệnh thuyên giảm và các triệu chứng ổn định mới dần ăn các món thông thường theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Thay đổi các món ăn, tránh đơn điệu dễ gây chán.

- Không nên ăn các lương thực thô như bột cao lương, bột ngô. Hạn chế ăn các loại rau như rau cần, rau hẹ, bắp cải, hành tây, giá. Tránh các món rán, hun khói, ướp.. Đây là những loại thực phẩm nhiều chất xơ, thô cứng dễ gây kích thích dạ dày.

- Không sử dụng các thực phẩm gây kích thích dạ dày như trà đặc, cà phê, rượu, nước hầm thịt đặc, mì chính, các món ăn quá chua, quá ngọt, quá mặn, quá cay.

- Tránh các thực phẩm gây đầy hơi, sình bụng như hành sống, tỏi sống, nước giải khát có ga.

- Hạn chế những thức ăn hay đồ uống quá lạnh hoặc quá nóng. Những thực phẩm này kích thích mạch máu trên niêm mạc dạ dày làm vết loét thêm nghiêm trọng và gây đau đớn. Đồ ăn nên ở nhiệt độ khoảng 40-50 độ C.

- Cũng không nên ăn quá nhiều canh hay uống nhiều nước trong bữa ăn. Hấp thu lượng nước lớn sẽ pha loãng men tiêu hóa gây khó tiêu Mỗi bữa ăn nên sử dụng 100-200 ml nước là vừa đủ.


- Chia thành 4-5 bữa nhỏ một ngày. Tránh ăn quá no hoặc quá đói.

- Khi ăn nên nhai kỹ, ăn chậm…

- Sau khi ăn không nên vận động mạnh, không chạy nhảy, tập thể dục hay làm việc quá sức.

Trên đây là chế độ ăn uống cho người bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng mà mọi người nên biết. Một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh từ sớm có thể phòng tránh được bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cũng như nhiều loại bệnh khác.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật