Đừng biến con thành trẻ hư bởi những sai lầm của cha mẹ

Cha mẹ chỉ nhìn vào hậu quả và muốn trẻ phải theo ý mình bằng sự tức giận, đánh hoặc la mắng. Bạn nên định hướng trẻ vào một quy trình giúp con hiểu và lựa chọn để không làm sai.

- Im ngay, cấm khóc, cấm chạy giỡn! Hiểu không? Có hiểu không?

Người mẹ nắm tay đứa bé kéo lê trên sàn về chỗ ngồi, nạt nộ. Đứa trẻ tròn mắt, uất ức và không hợp tác với mẹ. Bà mẹ ép con ngồi vào bàn, buộc nín khóc bằng bàn tay vung lên cao, sẵn sàng tát vào mặt trẻ nếu một âm thanh chống lại nữa xuất hiện. Tình huống này xảy ra khi cậu bé đùa giỡn quanh khu vực sân khấu và va vào chậu hoa gần đó trong một đám cưới.

Người mẹ quay sang nói với bạn ngồi kế bên: “Nó rất hư, suốt ngày chạy và quậy khắp nơi. Biết vậy thà sinh ra quả trứng đập ăn cho rồi'.

Bạn định nghĩa thế nào là trẻ 'hư'?

Câu chuyện trên là một tình huống có thật. Tôi chắc chắn không ít những tình huống tương tự ở một không gian khác và cách ứng xử khác, có thể mang tính bạo lực hơn. Bây giờ, chúng ta cùng nhau xem diễn biến tâm lý của các bé như thế nào?

- Trạng thái 1: Trẻ đang cảm thấy phấn khích và vui vẻ.

- Trạng thái 2: Trẻ cảm thấy ngạc nhiên khi va vào chậu hoa và sự ngạc nhiên sẽ lớn hơn khi mẹ chạy từ xa tới đánh bất ngờ hoặc la mắng, kéo thật mạnh.

- Trạng thái 3: Trẻ chuyển sang sợ hãi và uất ức vì hành động của mẹ.

- Trạng thái 4: Trẻ không hiểu tại sao phải ngồi ở đây, rất ghét bạn và không hợp tác.

- Trạng thái 5: Trẻ không hợp tác với bạn vì không hiểu lý do nói trẻ “hư”. Bạn đổ hết tội lỗi cho trẻ và biện minh về hành động la mắng nơi đông người.

Trẻ thường trải qua 5 giai đoạn diễn biến tâm lý khi bị la mắng.

Trẻ thường trải qua 5 giai đoạn diễn biến tâm lý khi bị la mắng.

Trẻ từ trạng thái vui vẻ, ngạc nhiên đến sợ hãi và uất ức, kết thúc bằng cảm giác bị gắn ép cho tội danh “hư”. Thực tế, trẻ chưa hiểu lý do. Đó một chuỗi các cảm xúc ngắn hạn, buộc trẻ chấp nhận các cảm xúc này. Cách hành xử này của bạn chỉ làm trẻ vẫn tái phạm lại (với trẻ nhỏ) hoặc càng xa lánh bạn hơn (với trẻ lớn), không thể chịu ngồi và lắng nghe cha mẹ.

Sai lầm của cha mẹ

Cha mẹ đôi khi chỉ nhìn vào hậu quả và mong muốn trẻ phải theo ý mình bằng sự tức giận và sử dụng công cụ của sự tức giận (đánh hoặc la mắng). Tuy nhiên, cha mẹ ít khi nhìn nhận và hướng trẻ vào một quy trình giúp con hiểu và lựa chọn để không làm sai.

Trẻ dưới 5 tuổi không hiểu như thế nào là sai và đúng, lý do bị đánh, la mắng theo kiểu 'hổ báo' của cha mẹ. Trẻ trải qua trạng thái 1 đến 5 mà “không có bài học” nào được dạy.

Trẻ từ 5-10 tuổi có thể hiểu định nghĩa đúng, sai. Tuy nhiên, khi bạn hành xử thô bạo không giúp trẻ hiểu đúng hay sai, làm trẻ trải qua trạng thái 3 và 4 khắc sâu hơn. Trẻ càng bướng bỉnh và khó bảo.

Trẻ tuổi trong giai đoạn dậy thì đến 18 tuổi: Trẻ có thể hiểu sai và đúng nhưng sự độc lập sẽ làm con muốn tự do. Mức phản kháng của trẻ lớn hơn và có xu hướng tìm sự bình yên ở bạn bè. Sau khi trải qua trạng thái 3, trẻ có cảm giác sợ hãi ở nơi bạn, tìm sự cảm thông nơi bạn bè. Con sẽ càng xa lánh bạn và khó có thể chia sẻ với bạn. Nếu cao trào diễn ra ở trạng thái 4 và 5, trẻ sẽ tự tìm bức phá, tuổi “nổi loạn” có thể thêm “dầu vào lửa”.

Roald Dahl, nhà văn vĩ đại người Anh, với những tác phẩm lớn dành cho trẻ con từng chia sẻ: “Trẻ có thể hư, nhưng không phải lỗi của các bé mà chính do lỗi của bạn, chính cha mẹ chúng ta'.

Cha mẹ đôi khi chỉ nhìn vào hậu quả và mong muốn trẻ phải theo ý mình bằng sự tức giận và sử dụng công cụ của sự tức giận (đánh hoặc la mắng). Ảnh: Sohu

Cha mẹ đôi khi chỉ nhìn vào hậu quả và mong muốn trẻ phải theo ý mình bằng sự tức giận và sử dụng công cụ của sự tức giận (đánh hoặc la mắng). Ảnh: Sohu

Cha mẹ nên hành xử như thế nào?

Trẻ dưới 5 tuổi:

Trẻ cần được cầm tay chỉ dẫn và nói điều gì sẽ xảy ra. Trẻ học từ những trải nghiệm này. Trở lại ví dụ ở tình huống trên, ngay từ bắt đầu, bạn nên cho trẻ biết lễ cưới sẽ diễn ra như thế nào? Có ai? Tại sao trẻ mặc đồ đẹp khi đến đây? Tại sao trẻ không được đùa giỡn?,... Nhiều cha mẹ chỉ chú tâm la mắng nhưng không cho trẻ biết trước những điều này.

Trẻ 5-10 tuổi:

Trẻ cần hiểu những rõ điều đúng và sai. Cha mẹ nên cho trẻ biết hậu quả khi làm sai, lựa chọn và dạy chịu trách nhiệm. Ví dụ ở tình huống trên, mẹ nên cho trẻ biết điều gì sẽ đến và những mong đợi nào trẻ cần có ở một lễ cưới trang nghiêm. Do đó, khi trẻ có ương bướng trong lễ cưới, bạn chỉ cần ngưng hành động của trẻ, dẫn ra ngoài và nhắc về trách nhiệm trẻ cần có.

Trẻ trong độ tuổi dậy thì:

Cha mẹ đừng áp đặt suy nghĩ của bạn vào suy nghĩ và hành động của trẻ, dùng bạo lực sẽ làm trạng thái 3, 4, 5 khắc sâu hơn. Kỹ năng cần có là luôn cho trẻ thời gian và không gian để suy nghĩ, tự quyết định với lý do hợp lý và tự chịu trách nhiệm.

Bạn cũng cần lựa chọn vai trò của mình là làm cha mẹ hay làm bạn với con trong giai đoạn này. Tôi tin làm bạn sẽ giúp bạn hiểu con hơn. Có rất nhiều vấn đề xảy ra ở độ tuổi này, đặc biệt liên quan đến giới tính hoặc tình cảm học đường, cha mẹ nên nhớ đừng khởi đầu nó bằng trạng thái tâm lý thứ 2. Nếu làm vậy bạn sẽ khởi động một chuỗi tâm lý phía sau. Khi gặp vấn đề, bạn hãy kể cho trẻ nghe câu chuyện của bạn liên quan đến vấn đề đó, gợi mở và định hướng cách giải quyết.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật