Hãy chú ý những câu "cửa miệng" với con trẻ kẻo làm hư bé

Rèn cho con thói quen biết nói từ ‘Cảm ơn’ và ‘Xin lỗi’ đúng lúc, đúng chỗ còn khó hơn dạy cho con thuộc một bài thơ hay bài hát.

Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều người sử dụng các câu cửa miệng với các thành viên trong gia đình Đôi khi điều này được coi là thói quen. Nhiều gia đình xem đó là chuyện bình thường và vô hại. Tuy nhiên, nếu gia đình có trẻ nhỏ thì việc sử dụng các câu cửa miệng lại cần phải được chú ý, nếu không muốn ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ.

Khi trẻ có hành động, lời nói tương tự, bố mẹ chỉ đơn giản nhận thấy rằng trẻ làm như vậy là do bắt trước hoặc trẻ còn nhỏ chưa hiểu biết và lớn lên sẽ khác. Nhưng thực tế, những gì trẻ tiếp thu được từ khi còn bé có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển ngôn ngữ, tư duy và hành động sau này. Một vài câu nói cửa miệng sau đây bố mẹ nên chú ý và sử dụng hợp lý trong mỗi hoàn cảnh để trẻ có thể học và hiểu ngay từ khi còn nhỏ.

‘Mẹ xin con, bà xin con’

Đây là một dạng câu cửa miệng gặp nhiều trong các gia đình có trẻ nhỏ. Với mong muốn, để trẻ bắt trước khi muốn nhận một vật gì đó từ ai cần phải nói từ ‘xin’. Ví dụ khi bé đưa cho mẹ cái thìa, cái áo thì mẹ sẽ nói: ‘Mẹ xin’ (thực ra câu này nếu nói đủ và đúng hoàn cảnh phải là ‘mẹ cảm ơn’). Khi bé bị vấp ngã, khóc thì ngay lập tức bà chạy đến và nựng ‘Thôi nín đi, bà xin’ hay khi con khóc, con nôn, con ốm ngay lập tức bà hoặc mẹ sẽ nói: ‘Mẹ xin! Bà xin!’ kèm với câu nũng nịu, dỗ dành. Một câu nói rất vô tình và như một thói quen nhưng nó lại có tác dụng không nhỏ tới trẻ.

Cu Bi được 3 tuổi sẽ lăn ra đất khóc ăn vạ nếu các yêu cầu của cu cậu không được đáp ứng. Lúc này ông bà luôn chiếc bình phong che chắn của cậu. Mỗi khi như vậy bà luôn nựng: ‘ Bà xin, bà biết rồi bố mẹ cháu hư nhỉ?’. Hay mỗi lần chạy chơi ngã, thì ngay lập tức: ‘Bà xin, bà biết rồi đau mà’.... Thực chất ‘bà xin’ ‘mẹ xin’ chỉ là những câu lặp lại theo thói quen và  đơn giản muốn nựng và dỗ dành cu Bi.

Nhưng với Cu Bi thì khác, khi lấy đồ của chị nhưng bắt chị phải nói ‘chị nói xin đi’ rồi mới đưa đồ. Lấy hộ cho mẹ chiếc bát cu cậu cũng đòi: ‘mẹ nói xin đi’,... Điều này có nghĩa rằng cu Bi sẽ sử dụng từ ‘xin’ trong mọi hoàn cảnh. Thay vì nói từ ‘xin’ bố mẹ nên dạy con từ ‘cảm ơn’ khi ai đó giúp mình và ‘xin lỗi’ khi mắc lỗi.

‘Bố/mẹ yêu con nhất trên đời’

Câu nói này các thường xuất phát từ các ông bố bà mẹ khi muốn cưng nựng và yêu con hoặc thậm chí có thể là câu đùa. Câu cửa miệng này hoàn toàn có tác dụng khi sử dụng đúng hoàn cảnh làm cho trẻ hiểu được vị trí của mình trong lòng bố mẹ. Nhưng nếu sử dụng thường xuyên và liên tục như một câu cửa miệng để cưng nựng con thì hoàn toàn không nên.

Sử dụng câu nói này thường xuyên sẽ khiến con bạn thấy mình là trung tâm của vũ trụ và hơn hết sẽ không bao giờ muốn chia sẻ tình cảm với bất cứ dù đó là em hay anh chị ruột của mình. Trẻ sẽ luôn muốn dành được sự quan tâm duy nhất và khi cảm thấy bị bố mẹ bỏ rơi, trẻ sẽ dễ phản kháng và rơi vào trạng thái rối loạn về mặt cảm xúc và xuất hiện suy nghĩ tiêu cực.

Cân nhắc khi hỏi: ‘Con yêu ai nhất?’

Chắc chắn trẻ sẽ nói, con yêu bố nhất hoặc mẹ nhất, điều này vô tình khiến trẻ đặt tình cảm của mình lên bàn cân, bố mẹ ai sẽ là người nặng ký hơn. Điều này sẽ khiến trẻ mất đi hình tượng tốt đẹp của trẻ với người kia. Thậm chí trẻ sẽ đem so sánh tình cảm của bố và mẹ dành cho mình để đưa ra nhận xét.

Khi được mẹ hỏi: ‘Con yêu ai nhất?’ Bé Tũn 6 tuổi- Đống Đa, suy nghĩ một lúc và trả lời rành mạch: ‘Con yêu bố nhất bởi bố không bao giờ mắng con, còn mẹ thì luôn phạt mỗi khi con có lỗi’. Đương nhiên, dù hiểu và cảm thông nhưng mẹ Tũn cũng cảm thấy chạnh lòng vì bao nhiêu tình thương yêu dành cho con, nhưng lại bị đem ra so sánh và mình không thể đứng đầu. Một số trẻ khác sẽ trả lời: yêu ông hoặc yêu bà nhất, chứ không phải là bố hay mẹ,... Vì vậy, khi sử dụng câu cửa miệng này, bố mẹ nên cân nhắc, không nên xem đó là một câu hỏi chơi hay hỏi đùa với trẻ.

Gia đình có trẻ nhỏ thì việc sử dụng các câu cửa miệng lại cần phải được chú ý, nếu không muốn ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ

Gia đình có trẻ nhỏ thì việc sử dụng các câu cửa miệng lại cần phải được chú ý, nếu không muốn ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ

Tuyệt đối không nói: ‘Bố mẹ/Bà không biết’

Rất nhiều ông bố bà mẹ vì bận rộn hay do không hiểu biết về vấn đề trẻ hỏi hoặc ngại suy nghĩ mà ngay lập tức trả lời: ‘Bố/mẹ/ông/bà không biết’. Nếu nhiều lần trẻ nhận được những câu trả lời như vậy trẻ sẽ thấy bố mẹ thật nhàm chán và tệ hơn, trẻ sẽ nghĩ bố mẹ muốn chấm dứt và không muốn nói chuyện với chúng.

Sau đó, trẻ sẽ tìm cách để có được câu trả lời và không còn cách nào khác là sự giao tiếp bên ngoài, điều này khiến trẻ dễ dàng lệch hướng khi không có sự định hướng đúng. Bố mẹ hãy trả lời trẻ một cách có trách nhiệm hơn. Nếu cần hãy yêu cầu trẻ cho mình thêm thời gian tìm hiểu trước khi đưa ra câu trả lời. Đây là sự tôn trọng của bố mẹ với trẻ ngược lại trẻ sẽ học được rất nhiều từ cách ứng xử lịch thiệp cho cuộc sống tương lai.

Không nói: ‘Việc đó thật ngớ ngẩn’

Bé Thanh Huyền 7 tuổi khoe với mẹ: ‘Mẹ ơi, bạn Tuấn Minh muốn cưới con, nhưng con không cho cưới vì con không yêu bạn ấy’. Ngay lập tức bé nhận được một nhận xét của mẹ: ‘Việc đó thật ngớ ngẩn, con còn bé, không được quan tâm tới việc đó’.

Bạn cho rằng là điều ngớ ngần và chẳng đáng quan tâm nhưng với con thì khác. Cũng giống như ai đó nói rằng việc bạn đi xa hàng chục cây số để mua một món đồ yêu thích thật chẳng đáng gì. Nhưng với bạn thì thật sự ý nghĩa vì đó là món đồ bạn thích và nó được mua ở nơi mà bạn tin tưởng. Vì vậy, với con bạn cũng vậy đừng đánh giá thấp sự quan tâm của con. Nếu thường xuyên nhận được câu nói này, con bạn sẽ mất dần đi sự tự tin của mình với những người xung quanh, thu mình, e dè trước đám đông, sợ phát biểu bởi rất sợ những điều mình nói ra là ngớ ngẩn với mọi người.

Đừng lạm dụng: ‘Bố/mẹ/bà sẽ cho con… nếu con ngoan hoặc thi đạt điểm cao’

Đây là câu cửa miệng mà rất nhiều ông bố bà mẹ dùng khi muốn khuyến khích trẻ học tốt, đạt điểm cao trong học tập hoặc các kỳ thi. Việc lạm dụng câu nói này như một câu nói cửa miệng là một điều sai lầm của nhiều bậc phụ huynh.

Tuấn Minh 10 tuổi, luôn được bố mẹ thưởng mỗi khi được điểm cao hay đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đối với cu cậu, việc thưởng là một trách nhiệm và nghĩa vụ của bố mẹ. Cậu bé cho rằng việc mình được điểm cao làm bố mẹ vui vì vậy bố mẹ thưởng là điều đương nhiên. Nhận được quá nhiều phần thưởng, lâu dần khiến cậu chẳng còn hứng thú với trò chơi có thưởng đó. Vì vậy Tuấn Minh mất dần hứng thú trong học tập và với cu cậu, học tập chỉ là để nhận được những món quà mình thích chứ không phải là để biết thêm được nhiều thông tin. Vậy nên, thưởng như thế nào vào lúc nào cha mẹ cũng cần cân nhắc, không nên cứ đụng là thưởng một cách vô tội vạ.

Bố mẹ hãy tạo cho trẻ sự hứng thú bằng cách khám phá các kiến thức bổ ích con người và xã hội, trải nghiệm cuộc sống hằng ngày. Điều này khiến trẻ không nhàm chán và đồng thời trẻ có thể phát triển một cách toàn diện.

Trẻ con rất học qua cách quan sát và bắt chước bố mẹ, những người gần gũi xung quanh mình trong cách nói năng và cư xử hàng ngày. Vì thế, các bậc cha mẹ nên làm một tấm gương sáng cho con trẻ noi theo. Đôi khi, rèn cho con thói quen biết nói từ ‘Cảm ơn’ và ‘Xin lỗi’ đúng lúc, đúng chỗ còn khó hơn dạy cho con thuộc một bài thơ hay bài hát. Người xưa có câu’ học ăn, học nói, học gói, học mở’, vì vậy, bố mẹ đừng quên chú ý tới lời nói của mình với con trẻ nếu muốn con phát triển một cách toàn diện.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật