Hãy để trẻ con tự chủ với vấn đề của chúng, kể cả việc học hành!

Nếu cứ cố tình buộc con phải hoàn thành mọi thứ bài vở thì chính bạn đang gây ra cản trở trên con đường vươn tới thành công của con mình.

6 rưỡi tối, tiếng gọt bút chì sột soạt làm tôi chú ý. Con gái tôi đã ở trong phòng suốt 2 tiếng đồng hồ để tán gẫu trên điện thoại, xem video trên YouTube và huyên thuyên kể cho tôi nghe về một vở kịch của những học sinh lớp 5 vào buổi trưa. Bây giờ, con bé mới bắt đầu làm bài tập về nhà.

Tôi nhún vai và quay trở lại bếp nấu tiếp nồi nước sốt đang làm dở. Bài tập của con bé, tự nó phải giải quyết.

Nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng đơn giản như thế. Quãng thời gian con học lớp 4 thực sự là một cuộc chiến cam go. Đêm nào tôi cũng thổn thức trong góc phòng y như vừa mới phải gánh chịu một tổn thương to lớn vậy. Và tôi thường tự hỏi mình: tại sao con bé không thể tập trung hoàn toàn cho bài vở? Nó là một đứa trẻ thông minh. Chẳng lẽ điều đó khó đến thế sao?

Ngày còn học mẫu giáo, con bé không phải làm quá nhiều bài tập về nhà như vậy. Sau một ngày dài mệt mỏi tập cắt, dán và tập viết tên mình ở lớp, tôi không đành lòng bắt con mình làm thêm gì nữa.

Mọi chuyện đã diễn ra thật suôn sẻ. Là một người làm việc online, mỗi tối, tôi thường ngồi trong phòng ăn với chiếc máy tính xách tay và lén liếc nhìn cô con gái của mình lúi húi tập viết trên bàn rồi cười toe toét. Chiếc lưỡi bé xinh thò ra khóe miệng gợi nhắc cho tôi nhớ đến bà ngoại của con bé ngày xưa. Khi phải làm việc nặng, bà cũng thường có hành động ấy.

Bọn trẻ thường kêu ca, phàn nàn và trốn tránh việc phải học bài, làm bài tập (Ảnh minh họa: Internet)

Bọn trẻ thường kêu ca, phàn nàn và trốn tránh việc phải học bài, làm bài tập (Ảnh minh họa: Internet)

Nhưng khi lên những lớp học cao hơn, mọi chuyện đã không còn như cũ. 'Con mệt lắm!', con bé thường nói với tôi như vậy. Mà đúng là con bé mệt mỏi thật. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy: các trường công giao quá nhiều bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, thậm chí nhiều gấp 3 lần so với khuyến cáo của Hiệp hội giáo dục quốc gia và Hội phụ huynh.

Đến năm lớp 4, con gái 9 tuổi của tôi đã phải dành rất nhiều giờ hàng đêm để lấp kín những ô bài tập về nhà. Nhiều lần, con bé đã khóc lóc, than vãn khi tôi giục nó lên giường đi ngủ. Con bé bảo nếu chưa làm xong bài tập, nó sẽ gặp rắc rối. Tôi cố gắng động viên con và nói rằng mình sẽ viết một bức thư cho cô giáo để giải thích mọi thứ. Và tôi đã làm thật.

Khi con gái lên lớp 5 cũng là lúc tôi cảm thấy mình như mắc nợ một người bạn của mình: Jessica Lahey, giáo viên, nhà văn. Lahey là tác giả của cuốn sách đoạt giải Bestseller của tờ New York Times năm ngoái có tựa đề: 'The Gift of Failure' (Món quà của thất bại). Trong cuốn sách của mình, Lahey khuyên rằng cha mẹ nên để con cái đối diện với những thất bại. Đó là cách tốt nhất để con cái bạn nảy nở tài năng.

Haley cũng lưu ý rằng: bài tập về nhà là nhân tố lớn nhất gây ra những trở ngại, rắc rối. Nếu cứ cố tình buộc con cái mình phải hoàn thành mọi thứ bài vở thì chính bạn đang gây ra cản trở trên con đường vươn tới thành công của con mình. Hãy bỏ qua nó, hãy dạy con bạn biết cách chấp nhận thất bại và không ngừng nuôi dưỡng sự tự tin về thành công.

Phải thừa nhận rằng, giáo viên trung học của con gái tôi đã đóng một vai trò lớn trong việc thay đổi nhận thức của tôi. Các giáo viên lớp 5 đã đặt ra một hệ thống khen thưởng, theo đó mỗi học sinh nhận được 100 điểm khen thưởng vào đầu mỗi học kỳ.

Nếu các em mắc lỗi, ví dụ như quên làm bài tập về nhà, số điểm đó sẽ bị trừ dần đi. Việc đánh giá này là rất cần thiết vì nó khiến bọn trẻ làm mọi thứ một cách nghiêm túc và tự giác. Con gái tôi đã 2 lần có tên trong danh sách nhóm học sinh có được 96 tới 100 điểm khen thưởng.

Vào mỗi buổi tối, ngôi nhà của tôi trở nên dễ chịu như được thổi vào một làn gió mát. Tôi và chồng nghỉ ngơi sau một ngày dài làm lụng mệt nhọc. Chúng tôi nấu ăn, dùng bữa và chuyện trò cùng nhau, rồi đưa con gái đi tắm.

Bố mẹ chỉ nên là người truyền cảm hứng chứ không nên thúc ép hoặc giúp đỡ trẻ làm bài tập (Ảnh minh họa: Internet)

Bố mẹ chỉ nên là người truyền cảm hứng chứ không nên thúc ép hoặc giúp đỡ trẻ làm bài tập (Ảnh minh họa: Internet)

Thi thoảng tôi và con cũng có những cuộc tranh cãi nhỏ (con bé đang ở tuổi dậy thì mà!) nhưng nó hoàn toàn không liên quan tới chuyện bài tập về nhà. Nếu con gái tôi tiến đến và hỏi bài, tôi sẽ chỉ đưa ra một số hướng dẫn nhất định để con bé tự tìm thấy câu trả lời thay vì trả lời hộ nó.

Mới đây, con bé đã rất phấn khích khi được mời tới dự một sự kiện của câu lạc bộ khen thưởng của trường. Con gái tôi đang rất ổn. Và khi nhìn vào điểm số của nó, tôi hiểu rằng con bé đang tiếp thu tốt chương trình học của mình dù tôi không can thiệp quá nhiều tới chuyện bài vở.

Con gái tôi đã tự chịu trách nhiệm về mình và biết phải làm những gì cần thiết để tốt cho mình nhất.

Thậm chí, tôi đã nhận thấy con gái của mình còn trưởng thành hơn trong rất nhiều chuyện khác. Nếu là một năm trước đây, con bé sẽ gọi cho tôi từ trường, nài nỉ tôi mang đến cho nó thứ này hay thứ kia mà con bé đã để quên ở nhà. Bây giờ chuyện đó không còn nữa. Con bé nhớ rõ ngày nào phải mang nhạc cụ đến trường để học nhạc và tập cùng ban nhạc mà không cần tôi nhắc nhở. Con bé cũng tự thu dọn đồ ăn trưa của mình từ tối hôm trước đó và lấy ra mang tới trường vào mỗi sáng sớm. Tôi cũng không hề động tay vào.

Một ngày nào đó, nếu có gần một nửa các bậc phụ huynh Mỹ không còn kiểm tra ráo riết bài vở của con cái nữa thì tôi nghĩ rằng chúng ta đã có được một bước ngoặt lớn trong nhận thức. Khi ấy chúng ta sẽ học được rằng tốt hơn hết là hãy để con cái mình tự chủ với những vấn đề của chúng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật