Mách cha mẹ 6 bước để thắt chặt tình thân giữa các con

Tình thân trong gia đình rất thiêng liêng nhưng vẫn cần sự bồi đắp hàng ngày của các thành viên.

1. Tạo ấn tượng về khái niệm 'tình thân' ngay từ đầu

Khi mang bầu đứa con thứ hai, một trong những điều các bà mẹ cần làm là nói chuyện với đứa con đầu lòng về em trai/em gái tương lai của bé. Hãy giải thích cho bé yêu hiểu thế nào là 'anh/chị em ruột', tạo cho trẻ cảm giác mình có mối liên hệ mật thiết với sinh linh bé nhỏ đang nằm trong bụng mẹ. Bạn cũng có thể bồi dưỡng tố chất làm anh/chị cho đứa con đầu lòng bằng cách nói về những chuyện thú vị bé có thể làm cùng em mình trong tương lai (cùng nhau ăn ngủ học tập chơi đùa…).

2. Tạo cơ hội cho các bé có những trải nghiệm chung

Cùng nhau trải nghiệm là một trong những cách hữu hiệu giúp gây dựng mối liên kết bền chặt giữa người với người. Có lẽ chính vì vậy mà các chuyên gia luôn đề cao tầm quan trọng của những cuộc đi chơi hay chuyến du lịch gia đình Đó chính là cơ hội để các thành viên cùng nhau tạo ra những kỉ niệm, dù vui hay buồn cũng sẽ vô cùng đáng nhớ. Nếu có thể, hãy chụp thật nhiều bức ảnh và lưu giữ chúng trong những cuốn album hoặc bộ nhớ máy tính rồi thỉnh thoảng cùng nhau xem lại. Chúng sẽ đóng vai trò như 'chứng nhân lịch sử', giúp củng cố tình cảm gia đình giữa các thành viên nói chung và những đứa trẻ nói riêng.

Cùng nhau trải nghiệm là cách giúp gia đình gắn bó hơn (Ảnh: Internet)

Cùng nhau trải nghiệm là cách giúp gia đình gắn bó hơn (Ảnh: Internet)

3. Kể với con về những kỉ niệm của chính mình với anh/chị em ruột

Trẻ em rất thích nghe kể chuyện. Vậy tại sao bạn không tận dụng cơ hội này để chia sẻ thêm với bé về tình cảm ruột thịt? Hãy kể cho các con nghe kỉ niệm ngày xưa giữa mình và các anh/chị. Hãy để bé thấy rằng bạn đã vui vẻ và hạnh phúc thế nào khi có người cùng lớn lên và làm mọi thứ với mình. Dần dần các bé cũng sẽ ý thức được tầm quan trọng của anh chị em trong nhà và ngày càng yêu mến nhau hơn.

4. Giao nhiệm vụ chăm sóc, dẫn dắt em nhỏ cho đứa con lớn hơn

Trẻ nhỏ thích cảm giác mình trở nên quan trọng và làm được việc, vì thế cha mẹ đừng ngại giao cho bé nhiệm vụ chăm nom em. Nếu cậu nhóc lớn nhà bạn là một 'chân sút' tài ba trong đội tuyển bóng đá của trường thì sao không để bé dạy cho em mình vài kĩ thuật dắt bóng? Bạn có con gái lớn là một 'cây văn nghệ' thì sao không bảo bé dạy em mình vài bài hát vui nhộn? Bằng cách đó, cha mẹ không chỉ giúp các con thêm gần gũi nhau, mà còn tạo cảm giác trách nhiệm cho các bé lớn, giúp trẻ trưởng thành hơn.

5. Luôn nhắc nhở các con rằng: 'Gia đình là vĩnh cửu'

Nếu nhận thấy một trong những đứa con của mình đang dành quá nhiều thời gian cho bạn bè mà quên mất sự hiện diện của anh chị em ruột thì cha mẹ cần phải làm gì đó để cải thiện tình hình. Những bữa ăn với đầy đủ thành viên, những chuyến dã ngoại gia đình… hãy tạo ra nhiều không gian chung để các con ở bên nhau. Đừng quên những buổi nói chuyện thân mật để nhắc nhở các bé rằng gia đình là mãi mãi và chúng ta cần trân trọng nhau ra sao.

6. Đối xử công bằng với các con

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là cách bạn đối xử với các con của mình. Dù vô tình hay cố ý, đừng bao giờ để bé cảm thấy bạn thiên vị ai hơn ai. Muốn làm được điều đó, cha mẹ cần tránh chê trách bé này trước mặt bé kia, để không tổn thương lòng tự trọng của con. Bạn cũng cần khéo léo khi khen ngợi con, sao cho các bé còn lại không cảm thấy bản thân thua thiệt. Đặc biệt, cha mẹ đừng bao giờ so sánh các con với nhau, bởi mỗi bé đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng nên mọi sự so sánh sẽ đều là khập khiễng. Khi bạn đối xử công bằng, trẻ sẽ không đố kị lẫn nhau, từ đó mới có thể càng thêm gần gũi, thân thiết.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật