"Nghiện ngồi" và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nên chú ý

Ngồi nhiều và ít vận động là những đặc trưng của lối sống hiện đại. Ngồi nhiều trước màn hình máy tính, thói quen sử dụng điều khiển từ xa cho tivi, điều hòa, quạt máy…, và cả xe ôtô nữa khiến chúng ta càng ít đi lại và giảm vận động hằng ngày. Thói quen này gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ.

Ngồi nhiều và thích ngồi, lâu dần gây ra tình trạng 'nghiện ngồi'. Và giống như tất cả các hình thức nghiện tiêu cực khác, ngồi nhiều có thể nguy hiểm đến sức khỏe của bạn. Thực tế, đây không phải là một sự cường điệu cho tình trạng ngồi nhiều. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Anh, giảm thời gian bạn dành cho ngồi trung bình xuống dưới 3 giờ mỗi ngày có thể làm tăng tuổi thọ thêm 2 năm. Một phân tích chuyên sâu sử dụng dữ liệu từ 18 nghiên cứu khác nhau cho thấy những người ngồi với thời gian ít nhất trong ngày có ít hơn một nửa nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim so với những người ngồi trong thời gian dài nhất trong ngày.

Ngoài ra ngồi lâu còn làm ảnh hưởng xấu đến lưu thông của hệ tuần hoàn máu. Nếu ngồi trong thời gian dài, đặc biệt ngồi tư thế không thích hợp, có thể gây đè nén các mạch máu chịu trách nhiệm cung cấp cho cơ bắp liên quan, do đó cơ bắp của bạn có thể bị mệt mỏi và không đảm bảo các chức năng cần thiết.

Tư thế ngồi đúng (ảnh phải) với lòng bàn chân đặt đều trên sàn phẳng; tránh ngồi đi giày cao gót vắt chéo chân trong thời gian dài (ảnh trái).

Tư thế ngồi đúng (ảnh phải) với lòng bàn chân đặt đều trên sàn phẳng; tránh ngồi đi giày cao gót vắt chéo chân trong thời gian dài (ảnh trái).

Vài biện pháp đơn giản giúp tuần hoàn máu tốt hơn nếu phải ngồi nhiều

Ngồi trên một chiếc ghế vững chắc, thoải mái

Chỗ ngồi có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe như tư thế ngồi của bạn. Tại nơi làm việc, cần một chiếc ghế cho phép bạn dễ dàng điều chỉnh độ nghiêng và chiều cao ghế và các tư thế khác. Ghế phải đủ lớn để cả hai chân vận động thoải mái.

Có một tư thế ngồi tốt

Ngồi với lưng ở vị trí thẳng tự nhiên. Đừng ép xương sống của bạn vào một tư thế không tự nhiên vì sẽ cản trở sự lưu thông tuần hoàn máu. Cột sống không uốn cong về phía trước của cơ thể và lý tưởng là lưng dưới nên được tiếp xúc tốt với phía sau của mặt sau ghế của bạn.

Đặt bàn chân xuống đều trên sàn

Hầu hết mọi người không quan tâm về cách thức chân của họ được đặt trong khi ngồi như thế nào. Ngồi với bàn chân lủng lẳng hoặc giấu bên dưới cơ thể có thể làm giảm lưu thông đến chân và bàn chân. Điều này có thể dẫn đến sưng, tụ máu và thậm chí gây giãn tĩnh mạch chân. Vị trí tốt nhất cho đôi chân là lòng bàn chân đặt phẳng đều trên sàn nhà.

Điều chỉnh chỗ ngồi

Nếu bạn ngồi trên một chiếc ghế quá thấp, nó có thể làm cho chân của bạn uốn cong ở một góc độ không lành mạnh và ảnh hưởng xấu lưu thông tuần hoàn máu. Ghế ngồi thấp cũng có thể gây áp lực không cần thiết lên mông và bụng. Nếu ghế của bạn quá thấp, ngay cả sau khi bạn điều chỉnh chiều cao của nó, hãy lấy một chiếc ghế khác hoặc nâng ghế lên với sự trợ giúp của đệm cho đến khi bàn chân được đặt đúng vị trí.

Nghỉ ngơi và đứng lên để di chuyển

Cứ sau mỗi giờ bạn ngồi, nên đứng dậy và đi bộ xung quanh một chút. Động tác đơn giản này sẽ làm tim đập nhanh hơn và sẽ giúp tăng lưu lượng máu đến tận cùng các vùng bàn chân. Cần luôn nhớ rằng: Thiếu vận động là người bạn tốt nhất của lưu thông tuần hoàn kém và di chuyển là kẻ thù của lưu thông tuần hoàn kém. Lý tưởng nhất là nên kết hợp khoảng 30-40 phút luyện tập cường độ vừa phải vào hầu hết các ngày trong tuần, nhưng nếu không thể tập luyện, có những cách khác để tăng cường vận động: Đi cầu thang bộ thay vì thang máy và chọn điểm đỗ xe xa nhất để đi bộ. Vào giờ ăn trưa, chọn một nơi nào đó trong khoảng cách đi bộ.

Sử dụng ghế có tựa tay

Ghế ngồi đóng vai trò quan trọng trong việc giúp duy trì tư thế ngồi thoải mái. Lý tưởng nhất là bạn nên sử dụng ghế có tựa tay đệm để giảm áp lực lên cánh tay. Bạn có thể tăng gấp đôi hiệu ứng đệm tay bằng cách đặt phần tiếp xúc của cẳng tay lên giáp vùng cánh tay.

Đừng ngồi vắt chéo chân

Cố gắng không ngồi với đôi chân vắt chéo trong một thời gian dài vì tư thế này có thể hạn chế lưu lượng máu đến chân và bàn chân.

Thư giãn

Sự căng thẳng và lo lắng góp phần vào việc lưu thông không tốt cho tuần hoàn. Căng thẳng ảnh hưởng đến cách bạn hít thở, thường là làm bạn khó khăn trong hít thở hoặc hít thở quá nhanh, cuối cùng gây ra mệt mỏi và ảnh hưởng đến lượng oxy lưu thông khắp cơ thể. Sự gia tăng của adrenaline đi kèm với căng thẳng, lo lắng hoặc tức giận cũng làm cho máu dồn cho hệ thống cơ bắp, có thể gây ra sự tuần hoàn máu kém ở các bộ phận cơ thể khác. Vì vậy, để cải thiện lưu thông tuần hoàn, bạn cần phải thư giãn. Hãy kiểm soát stress bằng cách đảm bảo ngủ đủ giấc, kết hợp các phương pháp như yoga, thiền định, thở sâu và massage thường xuyên hàng ngày.

Bỏ hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm hư hại và cuối cùng hủy hoại khả năng lưu thông máu của cơ thể nhiều hơn bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác. Nếu bạn đang hút thuốc lá, đặc biệt nếu đang gặp phải các triệu chứng của lưu thông tuần hoàn không tốt, cần bỏ thuốc lá ngay.

Uống đủ nước

Giữ cho cơ thể đủ nước là rất quan trọng đối với sức khỏe, nhưng nó đặc biệt quan trọng trong việc giữ máu lưu thông tốt khắp cơ thể. Huyết tương chiếm hơn một nửa tổng lượng máu, trong đó có khoảng 93% nước. Khi bạn mất nước, máu sẽ trở nên cô đặc hơn, làm cho máu khó lưu thông trong cơ thể. Uống 8 ly nước lọc mỗi ngày và hạn chế caffein cùng rượu. Nếu bạn dùng 1 ly cà phê hoặc 1 ly rượu, cần bù thêm 1 ly nước.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật