Những thói quen dễ gây hỏa hoạn trong dịp Tết bạn cần tránh

‘Bà hỏa’ là nỗi kinh hoàng không của riêng ai?!

Đặc biệt, trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nguy cơ xảy ra các vụ hỏa hoạn thường tăng đột biến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, phần lớn những vụ hỏa hoạn xảy ra là do ý thức kém và sự chủ quan của mọi người.

Có lẽ, bạn sẽ giật mình khi nhận ra một trong những thói quen phổ biến sau đây lại có thể gây nên thảm họa.

Thắp hương, đốt vàng mã

Thắp hương, đốt vàng mã là tập quán lâu đời của người Việt trong những dịp lễ tết. Bản thân việc thắp hương, đốt vàng mã không hề gây nguy hiểm. Tuy nhiên, trong ngày Tết, các gia đình có xu hướng thắp hương nhiều và liên tục.

Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn do hương khi thắp nhiều rất dễ bùng cháy. Trong khi đó, khu vực bàn thờ lại đặt rất nhiều vật dụng bắt lửa như: bàn gỗ, ảnh thờ, nến…

Bên cạnh đó, thói quen đốt vàng mã trong nhà hoặc ngoài lề đường không có biện pháp che chắn cũng rất nguy hiểm. Tàn lửa có thể bị gió cuốn ra xung quanh, bắt lửa vào các vật dụng và gây cháy.

Để hạn chế nguy cơ hỏa hoạn từ việc thắp hương, đốt vàng mã, nên chú ý:

- Không thắp quá nhiều hương cùng lúc. Không đốt hương vòng qua đêm.

- Nên dùng thùng, lư hương làm bằng vật liệu chịu nhiệt để đốt vàng mã và đốt ở nơi thoáng, không có các vật liệu dễ cháy xung quanh. Khi đốt, luôn đặt bên cạnh một chậu nước hoặc cát để đề phòng trường hợp ngọn lửa bùng lên.

Lơ đãng khi sử dụng bếp

Trong những ngày Tết, các bà nội trợ thường khá bận rộn với việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, tiếp khách… Chính vì vậy, mọi người thường có thói quen ‘tranh thủ’: đang nấu bếp cũng tranh thủ ra nói chuyện với khách, hoặc dọn lại bàn ghế… Tuy nhiên, một phút lơ đãng đôi khi lại gây ra hậu quả khôn lường, đặc biệt là với bếp than, bếp củi.

Hãy nhớ: Luôn luôn tắt bếp, dập lửa khi rời bếp.

Không khóa van bình ga

Rò rỉ khí ga là một trong những nguyên nhân phổ biến gây cháy nổ ở các hộ gia đình. Rất nhiều gia đình thường quên hoặc ngại không khóa van bình ga mỗi khi nấu nướng xong. Khi van bình ga không khóa, khí ga vẫn ở trong dây dẫn. Trong trường hợp dây dẫn bị chuột cắn hoặc bị rò rỉ, khí ga sẽ thoát ra ngoài, gặp tia lửa điện sẽ phát nổ, gây hỏa hoạn.

Vì vậy, để phòng tránh những rủi ro liên quan đến khí ga, bạn nên:

- Sau khi nấu xong, khóa van bình ga trước rồi mới tắt bếp. Mục đích của việc làm này là để ga trong ống cháy hết, hạn chế trường hợp ga rò rỉ ra ngoài.

- Thường xuyên kiểm tra bếp và thiết bị sử dụng ga. Thay mới nếu bếp, thiết bị, dây dẫn, đầu van có hiện tượng rỉ sét. Đối với dây dẫn ga, nên thay mới sau 3-5 năm sử dụng.

- Có thể tự kiểm tra vỏ bình, van, ống dẫn ga bằng cách bôi nước xà phòng. Nếu thấy bong bóng nổi lên, chứng tỏ thiết bị bị rò rỉ.

Rò rỉ khí ga là một trong những nguyên nhân phổ biến gây cháy nổ ở các hộ gia đình

Rò rỉ khí ga là một trong những nguyên nhân phổ biến gây cháy nổ ở các hộ gia đình

Bất cẩn khi sử dụng thiết bị điện

Nhu cầu sử dụng các thiết bị điện trong ngày Tết thường tăng cao với tivi, tủ lạnh, dàn karaoke, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn nhấp nháy… Do đó, việc sử dụng 1 ổ chia điện để cắm chung nhiều thiết bị điện là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, việc này khiến nhiệt độ tại ổ điện tăng lên do các chân cắm không có không gian để tỏa nhiệt, do đó, dễ gây ra cháy nổ. Bên cạnh đó, trong những ngày này, nhiều gia đình đi chơi xa hoặc về quê thăm họ hàng nội ngoại nhưng vẫn để tủ lạnh, hệ thống đèn nhấp nháy… hoạt động. Sự cố chập điện có thể xảy ra bất kì lúc nào và dẫn đến hỏa hoạn không thể kiểm soát.

Các lưu ý quan trọng khi sử dụng thiết bị điện trong dịp Tết nên ghi nhớ:

- Hạn chế cắm nhiều thiết bị điện tập trung một chỗ, nhất là đối với các thiết bị tiêu thụ điện năng lớn. Tốt nhất, nên cắm trực tiếp thiết bị vào ổ cắm trên tường.

- Thường xuyên kiểm tra dây điện, thay thế các dây đã cũ, vỏ ngoài bị chảy, bị hư.

- Rút toàn bộ thiết bị điện, dập cầu dao khi không có ai ở nhà trong thời gian dài.

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật