Phòng chống thực phẩm chức năng giả: Người tiêu dùng không thể thờ ơ

Theo số liệu của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia), trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng (LLCN) đã phát hiện, xử lý trên 2.000 vụ vi phạm về thực phẩm chức năng (TPCN).

Nguy hại hơn khi lượng tiêu thụ mặt hàng này có chiều hướng gia tăng do người tiêu dùng quá tin tưởng vào những lời đồn thổi về công dụng có thể trị bách bệnh. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe tính mạng của người sử dụng. Trước tình trạng này tại Hà Nội Cổng thông điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm: “Thực phẩm chức năng dưới góc nhìn chống hàng giả”.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Theo ông Nguyễn Trọng Tín - Phó cục trưởng Cục QLTT, Bộ Công thương: Gần đây TPCN luôn là vấn đề nóng bỏng, các đối tượng dùng mọi âm mưu thủ đoạn để sản xuất, vận chuyển, buôn bán do lợi nhuận cao. Mặt khác người tiêu dùng với tư tưởng “sính hàng ngoại” là nguyên nhân để TPCN có đất sống.

Theo thống kê thì lượng lớn hàng giả bị phát hiện vừa qua đều được nhập từ các vùng biên giới. Tuy nhiên những vụ phát hiện TPCN giả vừa qua thường chỉ được phát hiện khi mà các sản phẩm đã được đóng thành phẩm hoặc phát tán trên thị trường.

Về vấn đề này ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục QLTT, Bộ Công thương cho biết: đường biên giới của chúng ta rất dài, rộng. Ngoài các cửa khẩu, còn có rất nhiều đường mòn, lối mở nhất là tuyến biên giới miền Trung.

Bên cạnh đó, phải kể đến cả tuyến đường biển và đường hàng không. Các đối tượng làm hàng giả rất liều lĩnh bất kể thời điểm để vận chuyển vào nội địa kể cả theo đường chính ngạch. Mặc dù các LLCN đã hết sức cố gắng, quyết liệt ngăn chặn nhưng tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn chưa có chiều hướng giảm.

Đòi hỏi bên cạnh sự nỗ lực của các LLCN cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể. Đặc biệt là vai trò của người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong việc phối hợp với các LLCN.

Trong thời gian qua TPCN được làm giả rất tinh vi, thậm chí đến tem chống hàng giả của Bộ Công an cũng bị làm giả, thực tế không chỉ mỗi TPCN mà rất nhiều sản phẩm khác cũng đều bị dán tem chống hàng giả bị làm giả đánh lừa người tiêu dùng. Trong 2 tháng cao điểm vừa qua đã xử lý trên 600 vụ, đó là sự cố gắng của lực lượng QLTT. Tuy nhiên, trước tình trạng vi phạm tràn lan như vậy cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái.

Chế tài đã đủ mạnh

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế: Theo quy định các đối tượng làm hàng giả đương nhiên là tội phạm, theo đó, chế tài của chúng ta cũng đã đủ mạnh để răn đe, ngoài việc phạt tiền, tịch thu tang vật, nhiều đối tượng bị tạm giam, nhiều hồ sơ chuyển sang các cơ quan tố tụng xử lý về mặt hình sự.

Riêng trong lĩnh vực ATTP, Quốc hội cho phép ngoài mức phạt tối đa về mức vi phạm hành chính, nếu mức phạt đó chưa tương xứng với hành vi vi phạm, cho phép phạt đến gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm.

Liên quan đến chế tài xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất hàng giả, đồng tình với ông Phong, ông Nguyễn Trọng Tín cho rằng: tại Điều 157 Bộ luật Hình sự quy định: hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Riêng đối với lĩnh vực thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của con người có thể phạt đến chung thân hoặc tử hình. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức của nhà sản xuất và người dân chưa kịp thời tố giác cùng với cơ quan chức năng để xử lý.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã có 2 kế hoạch phối hợp công tác với Bộ Công an và BCĐ 389 Quốc gia, kết quả bước đầu đã đạt được hiệu quả nhất định. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế từ nay đến hết năm 2015 và năm 2016 thì các đợt cao điểm sẽ tiếp tục triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, tập trung đấu tranh cao điểm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất hàng giả trong đó có TPCN.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật