Thức ăn rơi xuống đất, nhanh tay nhặt lên ăn theo Quy tắc 5 giây có an toàn? Đây là câu trả lời của chuyên gia

Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta đã không còn xa lạ với Quy tắc 5 giây này, nó được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Và theo trải nghiệm của đa phần mọi người mà nói thì... nó rất hiệu quả bởi việc làm này giúp bạn không bị lãng phí thức ăn, sau khi ăn vào lại không thấy có tác hại gì.

Một số người sẽ nhặt thức ăn bị rơi lên theo Quy tắc 5 giây và ăn trực tiếp nó, số khác lại nhặt lên và phủi, lau 1 chút trước khi ăn nó, nhưng liệu lý thuyết này có thực sự hiệu quả?

5 giây nhặt thức ăn lên là không đủ nhanh

Lập luận của Quy tắc 5 giây là người ta tin rằng chỉ trong 5 giây, vi khuẩn sẽ không thể nhiễm vào thực phẩm một cách nhanh chóng như vậy. Để nghiên cứu xem liệu thức ăn được nhặt lên trong vòng 5 giây sau khi rơi trên mặt đất có thể ăn được một cách an toàn hay không. Tiến sĩ Meredith Agle của Đại học Urbana-Champaign (Illinois, Mỹ) đã cho ta câu trả lời.

Ông đã hướng dẫn sinh viên Jillian Clarke cách tiến hành các thí nghiệm liên quan, đặt một số bánh quy và kẹo dẻo lên hai loại gạch vô trùng, thô, mịn, và có một lượng vi khuẩn E. coli nhất định trên cả hai loại gạch. Tiến sĩ Agle phát hiện ra rằng vi khuẩn đã bám vào thức ăn trong vòng chưa đầy 5 giây.

Tuy nhiên, khi bạn chuyển sang các loại thực phẩm nhiều nước như kẹo cao su hoặc kem, kết quả có thể hơi khác một chút. Ngoài ra, Jillian cũng thực hiện một cuộc khảo sát thú vị và phát hiện ra rằng, có nhiều bé gái hơn bé trai tin vào Quy tắc 5 giây. Hơn nữa, nếu 2 loại thực phẩm là bông cải xanh và bánh quy, kẹo bị rơi xuống đất thì hầu hết mọi người sẽ chọn ăn bánh quy và kẹo thay vì bông cải xanh.

Ngoài ra, Jillian cũng đã thu thập vi sinh vật trong phòng thí nghiệm của trường, giảng đường, ký túc xá và sàn nhà hàng để muốn phân tích, tìm xem có bao nhiêu vi sinh vật ở những nơi này. Tiến sĩ Agle cho biết khi phân tích các mẫu thu thập được, họ thấy rằng chúng chứa rất ít vi sinh vật. Theo quan điểm vi sinh học, sàn nhà thực sự có thể sạch, ít vi sinh vật hơn khi sàn khô và không có độ ẩm, hầu hết các mầm bệnh, chẳng hạn như Salmonella, Listeria hoặc E. coli, không thể tồn tại.

Các chuyên gia khuyên không nên ăn thức ăn khi nó rơi xuống đất

Ruth Frechman, người phát ngôn của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ, cho biết nếu thức ăn rơi xuống đất mà bạn muốn ăn nó, ít nhất bạn phải rửa sạch trước đã, bởi dù thế nào đi chăng nữa, vi khuẩn có mặt ở khắp mọi nơi, thậm chí là cả ruột già của các loài động vật.

Có ít nhất 10 loại vi khuẩn, chẳng hạn như trực khuẩn, có thể gây bệnh cho con người khi ăn thực phẩm bị rơi xuống đất, chúng có thể gây ra nhiều triệu chứng bất lợi chẳng hạn như sốt, tiêu chảy (đi ngoài phân lỏng) và các triệu chứng giống cúm. Thời gian khởi phát của các rối loạn đường tiêu hóa này có thể khác nhau, từ 24 giờ đến một tuần.

Do đó, nếu chúng ta ăn thức ăn rơi trên mặt đất vào ngày thứ Tư thì cơ thể chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy không khỏe vào cuối tuần. Hãy để ý mốc thời gian này để nhận thấy tác hại của Quy tắc 5 giây (bởi nó sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức đâu!).

Thanh tra y tế San Diego (Mỹ) Robert Romaine cho biết nếu thực phẩm khô và không dính thì ít có khả năng bị nhiễm vi khuẩn hơn, nhưng trong hầu hết các trường hợp, những thứ chúng ta làm rơi xuống đất và áp dụng Quy tắc 5 giây lại là các món có độ ẩm hoặc nước sốt gia vị. Vì vậy, ông cũng khuyến cáo khi thức ăn bị rơi, dù chạm vào bề mặt nào cũng không nên nhặt lên và ăn lại, đặc biệt là thức ăn rơi trên sàn.

Và ngay cả khi nó được đánh rơi trên một mặt phẳng tưởng chừng an toàn (mặt bàn) đã được làm sạch và khử trùng, bạn cũng không thể nghĩ rằng nó sạch sẽ được, bởi vì đó là mặt phẳng đã được nhiều người khác sử dụng qua rồi.

Cuối cùng, hãy nhắc nhở mọi người rằng vi khuẩn ở khắp mọi nơi, ngay cả khi bề mặt trông sạch sẽ thì nó vẫn có thể có nhiều vi khuẩn ẩn náu. Nếu không may thức ăn của bé rơi xuống đất mà bạn không biết có nên ăn hay không thì tốt nhất đừng đánh cược với sức khỏe, đó có thể là bài học nhắc nhở bạn cẩn thận trong lần ăn sau!

Nguồn và ảnh: HK01, Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật