Cố tình lây bệnh: Việc đáng suy ngẫm của 'người có H'

Có những người phụ nữ yêu thương chồng nhưng bị chồng ép phải nhiễm HIV cùng để không thể bỏ rơi mình...

Đây là câu chuyện của anh Quân (36 tuổi), một 'người có H' tại quận Đống Đa Hà Nội (tên nhân vật đã được thay đổi – PV). Anh là 1 trong số 307 'người có H' được nhóm chuyên gia Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) phỏng vấn về những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống của người có HIV.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Nỗi sợ hãi lớn nhất của người bệnh HIV là sợ bị người thân bỏ rơi (nỗi sợ này còn lớn hơn cả nỗi sợ bị cộng đồng kỳ thị, cô lập). 

Anh Quân biết bị nhiễm HIV từ 2 năm nay, sau một thời gian khá dài tiêm chích ma túy Biết nhiễm bệnh anh như biến thành con người khác: thô lỗ, cục cằn, chửi bới suốt ngày và luôn trong trạng thái cực đoan.

Người chịu đựng anh nhiều nhất trong những ngày tháng qua là chị Thu – (tên vợ nhân vật đã được thay đổi – PV). Dù chồng hút chích, nhiễm HIV, chị Thu vẫn hết mực yêu thương. 2 đứa con của anh chị may mắn không nhiễm HIV chính là niềm an ủi, động viên lớn của chị.

Sự nỗ lực, hi sinh, chịu đựng của chị Thu, anh Quân đều thấu hiểu. Những lúc không bị bệnh tật ám ảnh, hành hạ, anh nhiều lần rơi nước mắt vì thương vợ. Tuy nhiên, những thời khắc 'hiền lành' như vậy rất hiếm hoi. Nỗi ám ảnh về cái chết khiến anh càng suy nghĩ đến việc giữ được vợ con bên mình.

'Có những lúc hai vợ chồng nằm cạnh nhau nói chuyện tình cảm bỗng dưng anh ấy như lên cơn nổi ghen cho rằng: Không ai chịu quan hệ với người đã có HIV, kể cả là vợ chồng. Vì thế, anh ấy nghĩ tôi đã ngoại tình. Tôi thanh minh thế nào anh cũng không tin', chị Thu ngậm ngùi chia sẻ với các chuyên gia nghiên cứu.

Bà Khuất Thị Hải Oanh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này cho hay: 'Lo bị bạn tình, vợ bỏ rơi là nỗi sợ lớn nhất của người nhiễm HIV. Đối với họ, bạn tình hoặc vợ có vai trò đặc biệt quan trọng để san sẻ những mất mát, tổn thương. Nếu không có chỗ dựa này, họ sẽ mất phương hướng'.

Đối với anh Quân, nỗi sợ hãi ấy ngày một lớn và chuyển sang trạng thái cực đoan. 'Anh ấy cố tình làm cho tôi nhiễm bệnh để tôi không còn cơ hội lựa chọn tương lai của mình', chị Thu kể với nhóm chuyên gia.

Cách mà anh Quân dùng là không sử dụng bao cao su khi quan hệ với vợ. Để đối phó lại với sự cực đoan này, chị Thu đã dùng hết cách: Từ phản đối kịch liệt tới trò chuyện, tâm tình. Chị luôn đánh vào tâm lý thương con để anh kiềm chế được sự cùng quẫn.

'Theo tôi biết thì cuối cùng người vợ này cũng đã nhiễm HIV như người chồng', bà Khuất Thị Hải Oanh chia sẻ. Theo bà, đây là một câu chuyện buồn mà nếu không đi sâu thực hiện nghiên cứu về cuộc sống của những người có HIV thì bà không thể tưởng tượng được.

Hành động của anh Quân khó có thể thông cảm được nhưng đứng từ góc độ tâm lý để phân tích, nhìn nhận thì bà Oanh cho rằng nó hợp với logic tâm lý của người bệnh nhiễm HIV.

Trong số 307 bệnh nhân được hỏi (kể cả vợ/chồng của họ) thì kết quả cho thấy cho dù bị nhiễm HIV nhưng họ vẫn có vị trí quan trọng trong cuộc sống của 'một nửa' còn lại. Có đến 50% số những người vợ (âm tính với HIV) được hỏi cho biết họ vẫn gắn bó với người chồng dương tính của mình vì đó là người mà họ yêu thương nhất.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật