Phòng chống tiêu chảy cấp ở vùng lũ lụt, bạn cần chú ý các điều này

Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh...

Câu hỏi: Trong vùng lũ lụt, bà con phải chống chọi với thiên tai, nhiều khi phải vận động vất vả, dầm mưa, ngâm nước, nhịn đói... sức khỏe giảm sút dễ mắc bệnh đường tiêu hóa, nhất là tiêu chảy. Vậy phải làm gì để phòng chống bệnh hiệu quả?

Trả lời:

Chào bạn,

Để phòng chống bệnh đường tiêu hóa tiêu chảy trong vùng lũ lụt, bà con cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch 

- Nguồn nước ăn uống sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào.

- Ở những nơi không có nước máy mà thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn (VD: cloramin B).

- Cấm đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối...

2. Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.

- Bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh.

3. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

- Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

- Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh...

- Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn.

4. Xử trí khi có người bị tiêu chảy cấp

- Phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng.

Thân!

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật