Sử dụng ma túy, chất kích thích có thể dẫn đến rối loạn tâm thần

Sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến ảo giác, có những hành vi mất tự chủ, điều đó nhiều người biết. Song bị rối loạn tâm thần, phải nhập viện và điều trị dài ngày ở các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần thì có lẽ nhiều người nghiện ma túy chưa hay.

Sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến ảo giác, có những hành vi mất tự chủ, điều đó nhiều người biết. Song bị rối loạn tâm thần phải nhập viện và điều trị dài ngày ở các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần thì có lẽ nhiều người nghiện ma túy chưa hay. Thực tế hiện nay số lượng người bệnh phải điều trị bệnh lý về tâm thần có liên quan đến ma túy ngày càng nhiều. Chỉ từ năm 2011 đến nay, số bệnh nhân nhập viện do ma túy tăng hơn 9 lần. Đây là một thực trạng đáng báo động. Nó vừa là gánh nặng cho gia đình người nghiện, vừa là yếu tố tạo nên sự quá tải tại các bệnh viện chuyên khoa.

“Đập đá” là “đập đời”

Phóng viên đã tiếp xúc với bệnh nhân Hoàng V. Th, 20 tuổi, ở quận Tây Hồ, ngay trong khuôn viên Khoa H (Khoa điều trị bệnh lạm dụng chất - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội). Th. là bệnh nhân trẻ của Khoa H phải nhập viện điều trị bởi chứng loạn thần do sử dụng quá nhiều ma túy tổng hợp. Hồi đầu tháng 10, Th. phải vào Bệnh viện Tâm thần Hà Nội để điều trị 10 ngày. Lần thứ 2, Th. nhập viện vào trung tuần tháng 12. Thông tin trong bệnh án cho thấy, lần đầu Th. sử dụng ma túy tổng hợp đúng dịp sinh nhật cậu ta, cách đây vài năm. Sau đó, mỗi tuần Th. “bay” vài ba lần cùng đám bạn, với chi phí đóng góp thấp nhất 500.000 đồng/ lần. Thời gian gần đây, Th. nói với người nhà về tình trạng lúc nào cũng có tiếng người nói trong… đầu. Trước khi nhập viện, cậu ta đập phá đồ đạc trong nhà và đánh cả bố mẹ đẻ.

Thông tin được bác sĩ Lý Trần Tình - Giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Nội cung cấp khiến nhiều người giật mình: “Năm 2010 bệnh viện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận 9 bệnh nhân đến điều trị các rối loạn tâm thần do ma túy tổng hợp gây nên. Năm 2011, con số này tăng vọt lên 93 bệnh nhân. Có trường hợp bệnh nhân diễn biến bệnh quá nặng, lúc nào cũng chỉ muốn… tìm đến cái chết”.

Bác sĩ Tình cho biết, ma túy chia làm nhiều nhóm - chất, “quen” nhất là thuốc phiện heroin Nhóm thứ hai là các chất kích thần (kích thích thần kinh), như nhóm ATS cocain và một số chế phẩm. Nhóm ba là các chất kích thần và gây ảo giác, trong đó có thuốc lắc. Nhóm thứ tư được gọi là nhóm các chất gây ảo giác, mà phổ biến nhất là ketamin. Ma túy tổng hợp chính là loại ma túy thuộc từ nhóm hai đến nhóm thứ tư. Loại “thuốc” này giúp người dùng tăng hưng phấn nhưng để lại hậu quả khôn lường.

Gây khó cho chuyên khoa

Các số liệu thống kê cho thấy, số người nghiện các chất gây nghiện nói chung và nghiện ma túy nói riêng ngày càng tăng. Đáng báo động là đối tượng ngày càng trẻ hóa. Và số lượng người nhập viện để điều trị các bệnh tâm thần có liên quan đến chất gây nghiện cũng vì đó mà tăng cao. Điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần.

Trưởng khoa H bệnh viện Tâm thần Hà Nội) Nguyễn Quang Bích cho biết: Bệnh nhân nhập viện tăng nên chỉ tiêu giao 57 giường nhưng khoa thường xuyên có trên 60 bệnh nhân. Những bệnh nhân điều trị tại đây đều do lạm dụng ma túy và rượu dẫn đến tâm thần.   Theo bác sĩ Bích, điều trị cho bệnh nhân tâm thần thường khó khăn hơn bệnh nhân khác do người bệnh chống đối, không hợp tác, không nhận thức được bệnh tật.

Với tâm thần do ma túy, chủ yếu ma túy tổng hợp nên việc điều trị sẽ kéo dài ngày. So với các bệnh nhân tâm thần thì bệnh nhân tâm thần do ma túy bị hủy hoại sức khỏe và nguy cơ cao dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí gây ra án mạng nếu không được kịp thời điều trị, ngăn chặn.  

Theo bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1: Số lượng bác sĩ chuyên khoa về tâm thần hiện tại cũng rất thiếu, chỉ có 800 bác sĩ, tỷ lệ khoảng 1/1 vạn dân. So với tỷ lệ trên thế giới (1 bác sĩ/30.000 dân) thì rõ ràng Việt Nam cần có 1.500 bác sĩ tâm thần. Vì thế, việc điều trị, chẩn đoán, chăm sóc dưới cơ sở cũng rất hạn chế.

Hiện tại, chúng ta đã có Dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng (bác sĩ La Đức Cương là Chủ nhiệm dự án ).   Theo đó, Ban chỉ đạo chăm sóc, quản lý người tâm thần tại địa phương đã được thành lập từ TW đến xã, phường. Tại tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh sẽ là trưởng ban chỉ đạo và tương đương như vậy từ quận, huyện xuống xã, phường.

Hiện nay dự án đã “phủ sóng” đến 7.700 xã, phường (chiếm 75% xã, phường trong toàn quốc). Tuy nhiên, do trình độ hạn chế, hầu hết họ chỉ quản lý về mặt nhân khẩu, thăm nom động viên chứ khó chẩn đoán được các trường hợp bệnh tái phát. Nếu người tâm thần gây hậu quả nghiêm trọng cũng rất khó xử lý.     

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật