6 cách đơn giản dạy con về lòng biết ơn để hình thành nhân cách

Học cách biết ơn giúp con trẻ hình thành một tâm hồn hướng thiện và biết sống nhân văn vì người khác.

1. Dùng ‘bảng nhớ ơn’

Hãy đặt ra một ‘bảng nhớ ơn’ trong nhà của bạn. ‘Bảng nhớ ơn’ giống như bức tường kỉ niệm được dựng nên trong các sự kiện trọng đại. ‘Bảng nhớ ơn’ sẽ là nơi bé yêu của bạn tập ghi lại những việc tốt mà người khác đã làm cho mình trong ngày, ví dụ như: ‘Hôm nay, bạn An đỡ mình dậy lúc bị ngã’, ‘Mẹ nấu cho mình món gà rán mà mình thích nhất’ hay ‘Bà nội mua cho mình đồ chơi’. Hãy để trẻ nhận thức và ghi nhớ những sự giúp đỡ của mọi người dành cho mình, đó là bước đầu tiên để giáo dục bé về lòng biết ơn.

2. Kể những câu chuyện về lòng biết ơn

Hãy sưu tầm những câu chuyện về lòng biết ơn và kể cho bé nghe khi rảnh rỗi. Đừng chỉ giới hạn ở những câu chuyện cổ tích với những nhân vật tưởng tượng, bạn hoàn toàn có thể tạo nên câu chuyện có thật với những hình mẫu đời thường. Cha mẹ có thể kể cho bé về các cô lao công, người vẫn âm thầm giữ cho từng con phố được sạch sẽ.

Bạn cũng có thể nói với trẻ về những chú công an ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho mọi người. Vào những dịp mà cả nước tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, cha mẹ nên giải thích cho bé lý do của những ngày lễ này. Lắng nghe nhiều câu chuyện về lòng biết ơn sẽ giúp bồi dưỡng ý thức ‘uống nước nhớ nguồn’ ở trẻ.

Các bậc phụ huynh đừng ngại tâm sự với con về những khó khăn trong cuộc sống (Ảnh: Internet)

Các bậc phụ huynh đừng ngại tâm sự với con về những khó khăn trong cuộc sống (Ảnh: Internet)

3. Tâm sự với bé về những vất vả của cha mẹ

Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng trên thực tế, nhiều cha mẹ không thường chia sẻ những vất vả của mình cho con cái nghe. Các em chỉ biết mình được cha mẹ mua cho quần áo đẹp, đưa đi khu vui chơi, chứ không biết cha mẹ đã làm việc cực nhọc ra sao để kiếm tiền lo cho mình. Các bậc phụ huynh đừng ngại tâm sự với con về những khó khăn trong cuộc sống công việc của mình. Nếu điều kiện cho phép, bạn cũng có thể đưa bé đến nơi làm việc để trẻ tận mắt chứng kiến công việc của mình. Một khi hiểu được cha mẹ kiếm tiền vất vả, bé sẽ biết yêu thương cha mẹ hơn và trân trọng những thứ được đổi lấy bằng mồ hôi công sức của cha mẹ.

4. Đừng đáp ứng các đòi hỏi của con quá dễ dàng

Ngoài những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống cần có, các bậc cha mẹ nên xem xét những đòi hỏi khác của trẻ chứ đừng nên dễ dàng đáp ứng tất cả. Bởi nếu để trẻ ‘muốn gì được nấy’ thì con bạn sẽ không biết cách quý trọng những gì mình có. Cảm giác thỏa mãn dễ dàng sẽ khiến bé mất đi lòng biết ơn với những người đã làm ra thứ mình thích, những người đã đáp ứng mình. Khi cảm thấy yêu cầu của bé không hợp lý, cha mẹ cũng nhớ phải giải thích lý do nhẹ nhàng rồi từ chối chứ đừng lập tức nói ‘không’. Làm như vậy, bé mới không thấy vô lý mà sẽ ngoan ngoãn nghe lời.

5. Đền đáp lại người đối xử tốt với mình

Không chỉ dạy bé nhận thức được ‘cái ơn’ của người khác đối với mình, cha mẹ còn phải bồi dưỡng ý thức ‘đền ơn’ của trẻ. Nói ‘cảm ơn’ là việc làm đơn giản nhất thể hiện sự biết ơn.

Con cái phải biết chăm chỉ học hành để không phụ lòng cha mẹ, cháu chắt phải biết thường xuyên hỏi han sức khỏe ông bà. Những món quà có thể thay ta bày tỏ sự cảm ơn tới những người đã giúp đỡ mình, nhưng quan trọng nhất vẫn là luôn sẵn sàng giúp đỡ lại họ lúc khó khăn.

6. Giúp đỡ người nghèo khó

Hãy tận dụng những ngày nghỉ, cùng bé chọn ra một vài món đồ chơi hoặc quần áo để quyên góp cho những trẻ em nghèo. Cha mẹ nên động viên bé tham gia các hoạt động xã hội ở trường lớp, xóm phố hoặc tích cực ủng hộ từ thiện. Hãy để bé cảm nhận niềm vui khi biết ‘cho đi’ chứ không chỉ ‘nhận lại’. Một đứa trẻ biết sẻ chia, giúp đỡ người khác sẽ bồi dưỡng được cái tâm lương thiện và chắc chắn sẽ nhận thức đúng về lòng biết ơn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật