Cách hạn chế tai nạn khi trẻ vui chơi các bậc cha mẹ nên chú ý

Ngã và những chấn thương do ngã là những tai nạn rất thường gặp ở trẻ em, ở mọi lứa tuổi, mọi lúc và mọi nơi.

Những tai nạn thường gặp

Ngã: Ngã và những chấn thương do ngã là những tai nạn rất thường gặp ở trẻ em, ở mọi lứa tuổi, mọi lúc và mọi nơi. Ngã để lại những hậu quả trước Mắt và lâu dài, nhiều khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng cũng như tính mạng của trẻ.

Khi bị bỏng cần xử trí ban đầu đúng cách để hạn chế được những biến chứng.
Khi bị bỏng cần xử trí ban đầu đúng cách để hạn chế được những biến chứng.

Nguyên nhân là do trẻ chưa hiểu được sự nguy hiểm của những đồ dùng, đồ chơi trên giá cao; việc ngồi trên bậu cửa sổ, lan can không có tay vịn; nhảy từ trên cao xuống (từ bàn, ghế…); chơi những trò chơi không an toàn; chạy nhảy, đuổi nhau, leo cây, trèo cầu thang… Ngã cũng có thể do điều kiện hoàn cảnh sống, môi trường có nhiều yếu tố nguy cơ như nhà cao tầng, xây dựng cầu thang không đúng tiêu chuẩn. Hoặc do người lớn chủ quan, không trông nom trẻ đúng cách (đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh) để trẻ: ngã từ trên giường, võng gây tổn thương sọ não, cột sống; do bế tuột tay có thể dẫn đến chấn thương sọ não hoặc trật khớp…

Bỏng: Bỏng là tổn thương của cơ thể ở mức độ khác nhau do tác dụng trực tiếp với các nguồn năng lượng: sức nóng, điện hóa chất bức xạ… để lại di chứng sẹo tàn tật, thậm chí dẫn đến tử vong Trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 2 - 5 tuổi dễ bị bỏng vì hiếu động, tò mò và nhiều khi do sự bất cẩn của người lớn. Các loại bỏng thường gặp ở trẻ:

Bỏng nhiệt ướt: Do nước sôi, nồi canh nóng hoặc nồi cám lợn sôi… Tai nạn thường xảy ra khi phích nước sôi, đồ ăn nóng để ở trong tầm với hoặc lối đi của trẻ. Tai nạn còn xảy ra khi trẻ nấu ăn giúp bố mẹ.

Bỏng nhiệt khô: Bàn là, ống bô xe máy, lửa, hơi nóng của lò nung… Thường do người lớn không chú ý hoặc trẻ nghịch ngợm, đốt lửa sưởi, đốt rơm rạ, đánh đổ dầu xăng gây bắt lửa…

Bỏng hoá chất: Bỏng do vôi tôi, bỏng axít, kiềm… Do trẻ nô đùa cạnh hố vôi mới tôi sơ ý tụt chân xuống, sử dụng nhầm axit.

Đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ trong dịp hè.
Đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ trong dịp hè.

Đuối nước: Do thiếu sân chơi, nên hiện nay, ở các vùng nông thôn, các em nhỏ thường rủ nhau ra sông suối, kênh rạch để tắm và vào dịp hè mỗi năm luôn gia tăng các vụ chết đuối do ngạt nước. Bình quân trong 3 tháng hè, mỗi ngày cả nước có khoảng 10 vụ đuối nước ở trẻ, trong đó phổ biến ở độ tuổi từ 5-10 tuổi. Khi bị đuối nước, nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân sẽ tử vong hoặc để lại di chứng não nặng nề.

Thương tích do vật sắc nhọn: Đây là tai nạn thương tích rất thường gặp ở trẻ em, xảy ra với mọi lứa tuổi, mọi nơi, mọi lúc. Thương tích do vật sắc nhọn có thể gây ra nhiều hậu quả với các mức độ khác nhau, từ nhẹ (xây xát ngoài da, phần mềm…) đến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng (nhiễm trùng hoại tử chi…), thậm chí rất nặng gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ

Và cách phòng tránh

Để phòng tránh ngã, cần nhắc trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao, đuổi nhau chơi đùa ở những chỗ nguy hiểm, các trò như nhảy ngựa... Không để trẻ leo trèo ở những nơi không an toàn như cây, cột điện, mái nhà… Không để đồ dùng, đồ vật của trẻ ở những nơi quá cao trẻ không với tới được. Luôn giữ sàn nhà, nhà tắm, sân… khô ráo, không trơn trượt, không mấp mô lồi lõm.

Bố trí bếp nấu ăn hợp lý, để bếp lò phẳng, cao ngoài tầm với hoặc có vách ngăn không cho trẻ nhỏ tới gần. Khi nấu luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong. Không cho trẻ chơi, nô đùa nơi đang nấu ăn.

Không để đồ vật đựng nước nóng trong tầm với trẻ em (nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, bô xe máy...). Luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống; nhiệt độ nước tắm. Không để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp đang đun... Các chai lọ đựng hoá chất, chất tẩy rửa… để đúng nơi quy định, tránh xa tầm với của trẻ. Trông trẻ đúng cách và luôn để mắt đến trẻ.

Phòng tai nạn đuối nước bằng cách rào quanh ao hoặc nơi có nước sâu để bảo vệ trẻ em. Giếng, bể, chum vại, chậu nước và thùng nước phải có nắp đậy an toàn và chắc chắn. Hố vôi tôi đã sử dụng hết cần lấp kín để tránh các em chơi đùa bị rơi xuống hố. Trong mùa mưa lũ, cần phải có biển báo những chỗ nước sâu, nguy hiểm và nhắc nhở trẻ em tuân theo các lời chỉ dẫn. Luôn ở cạnh trẻ và theo dõi sát khi chúng tắm hoặc chơi ở chỗ có nước.

Trong trường hợp có gia đình có việc hoặc trẻ tham gia các hoạt động tập thể (như các bữa tiệc ở gần nơi có ao hồ, đi tắm biển tập thể…), cách tốt nhất là phân công 1 - 2 người chuyên theo dõi trẻ.

Đối với những đồ vật sắc nhọn có thể gây thương tích cần chỉ dẫn cho trẻ thấy được sự nguy hiểm (đau chảy máu cụt tay…) khi sử dụng hay chơi đùa bên cạnh các đồ vật sắc nhọn. Không để trẻ gọt hoa quả thái thịt, khâu vá… mà không có sự giám sát của người lớn. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật