Mách nhỏ những cách chuẩn bị cho lần đầu bé đi nhà trẻ

Hãy giải thích cho bé hiểu trường học là gì và tại sao phải đi học.

1. Chọn trường lớp

Căn cứ vào điều kiện kinh tế, giờ giấc làm việc của bạn để chọn trường cho bé sao cho có mức học phí phù hợp, thuận tiện đưa đón...

Sau đó, bạn nên đến trường một vài lần để tham quan cơ sở vật chất, sân chơi, lớp học có đảm bảo điều kiện ăn, ngủ, chơi cho bé trong thời gian dài hay không. Bạn cũng cần quan sát cách giáo viên mầm non chơi với bé, cho bé ăn để phần nào đoán định được họ có thực sự yêu thương trẻ và sẽ chăm sóc bé bạn tốt nhất trong khi bạn không có mặt.

Cách hiệu quả trong việc tìm hiểu trường là bạn có thể dành một vài buổi đến trường vào giờ tan học, tranh thủ thăm hỏi ý kiến của những phụ huynh đã có bé học ở đây để hiểu hơn về ngôi trường dự định chọn. Những phụ huynh này sẽ cho bạn các ý kiến đánh giá xác đáng nhất.

Hãy giải thích cho bé hiểu trường học là gì và tại sao phải đi học

Hãy giải thích cho bé hiểu trường học là gì và tại sao phải đi học

2. Chuẩn bị tâm lý cho bé làm quen với môi trường mới

- Giải thích cho bé hiểu trường học là gì và tại sao phải đi học: Giải thích cho bé hiểu về trường học, các hoạt động, vai trò của cô giáo, bạn bè bằng những từ ngữ đơn giản khơi gợi cảm giác thân quen, hấp dẫn kích thích sự tò mò, háo hức về trường lớp (ví dụ như đi học rất vui, cô giáo sẽ thương yêu, chăm sóc, dạy cho bé biết đọc, biết đếm, ca hát…bé sẽ có nhiều bạn bè mới, có nhiều đồ chơi…).

- Cùng con tham quan trường lớp trước: Để bé sớm làm quen với trường lớp, hãy dắt bé đến thăm lớp học vào những giờ khác nhau trong ngày để bé nhìn thấy được những hoạt động vui chơi hoặc cho bé ngồi chơi xích đu hay bập bênh cùng những đứa trẻ khác trong sân chơi của trường.

- Lịch sinh hoạt: Tham khảo lịch sinh hoạt ở trường và dần dần tập cho bé làm quen với lịch sinh hoạt đó ở nhà: giờ chơi, ăn, ngủ… Điều này giúp bé vượt qua cảm giác bỡ ngỡ khi đột ngột thay đổi những thói quen sinh hoạt thường ngày.

- Tác phong tự lập: Nên tập cho bé các tác phong tự lập như đi vệ sinh biết kêu cô giáo hoặc biết tự đi vệ sinh, tự cầm muỗng ăn cơm, tự thay quần áo, tự mang/cởi giày…

- Khuyến khích bé tham gia các hoạt động tập thể (tổ chức sinh nhật bé, mời bạn bè cùng trang lứa đến chơi với bé hoặc cho bé đi chơi công viên gặp gỡ thêm nhiều đứa trẻ khác). Điều này sẽ tập cho bé tính dạn dĩ, hòa đồng tập thể, kỹ năng giao tiếp…

3. Thu thập thông tin cần thiết

- Giúp cô – trò hiểu nhau hơn: Dành thời gian trò chuyện với cô giáo về các tính nết và thói quen của bé để giúp cô hiểu hơn về bé cũng biết cách giúp bé thích nghi tốt với môi trường mới. Ngoài ra cho cô và bé trò chuyện cùng nhau giúp tạo sợi dây tình cảm giữa cô và bé.

- Chăm sóc sức khoẻ cho bé: Hỏi thăm cô giáo về những quy định chăm sóc bé khi bị bệnh, lịch khám sức khoẻ định kỳ, chích ngừa, uống vitamin A, sổ giun… Nếu bạn gặp khó khăn trong việc chuẩn bị tâm lý cho bé khi đi học bạn có thể hỏi thêm cô giáo về các kinh nghiệm giúp bé hòa nhập trong những ngày đầu đến trường.
- Cung cấp thông tin liên lạc trong trường hợp khẩn cấp: Cung cấp cho cô giáo các số điện thoại, địa chỉ nhà/cơ quan bạn và xin số điện thoại của cô giáo để tiện việc liên lạc, trao đổi qua lại giữa phụ huynh và nhà trường.

- Chuẩn bị vật dụng mang theo: Chuẩn bị cho bé các vật dụng như ba-lô, đồng phục, quần áo, áo khoác, khăn mặt, khăn tắm, hộp đựng sữa hộp đựng thuốc nón, khẩu trang, giày dép… Chú ý nên thêu tên bé lên các vật dụng cá nhân để tránh thất lạc

4. Ngày đầu tiên đi học

Hãy tạo cho bé ấn tượng tốt về trường lớp trong ngày đầu tiên đến lớp.

- Tạo ‘thủ tục’ trước đi đến lớp giúp bé tạo thói quen mới: dậy sớm, vệ sinh răng miệng ăn sáng soạn quần áo, chuẩn bị ba-lô…

- Cho bé mang theo một món đồ vật mà bé yêu thích: búp bê, gấu bông, mền ghiền, gối ghiền…giúp cho bé cảm thấy an tâm, đỡ lạc lõng (nhưng chỉ nên giới hạn trong 1 tuần đầu tiên).

 Hãy dành chút thời gian ở lại bên bé trong ngày đầu tiên đi học:  Đừng bỏ trốn hay lẻn ra về mà hãy ôm hôn bé, chào tạm biệt. Không nhất thiết đề cập bé sẽ học trong bao lâu, mấy giờ đón, mà chỉ cần nói với bé là bạn sẽ đón bé đúng giờ và chúc bé học vui vẻ.

- Không nên tỏ ra quá ‘bịn rịn’ hay đứng ngoài cổng nhìn vào lớp học:  Đôi khi sự hiện diện của bạn sẽ gây khó khăn cho bé trong việc hoà nhập vào môi trường mới.

5. Động viên tích cực cho bé

- Khi bé phản ứng ‘gay gắt’như ‘làm mình, làm mẩy’, la hét, khóc lóc…, bạn không nên ‘mềm lòng’ chiều theo nhu cầu của bé hoặc la mắng, khiển trách. Thay vào đó bạn hãy nhẹ nhàng an ủi giúp bé trấn an tâm lý, nhắc nhở bé về những điều mới lạ, vui thích ở trường học.

- Bạn cũng nên quan tâm, trò chuyện, hỏi han bé về những hoạt động diễn ra trong lớp, những niềm vui về bạn bè, cô giáo nhằm kích thích niềm vui thích đi học ở bé.

Đi học là một thay đổi lớn lao mà mọi bé đều phải trải qua những ‘khổ sở’ trong thời gian ban đầu. Tuy nhiên nếu bạn ‘tâm lý’ biết động viên, khuyến khích, giúp bé vượt qua được ‘rào cản’ tâm lý cũng như chọn được trường lớp phù hợp thì bé sẽ nhanh chóng thích nghi được với môi trường mới, bạn sẽ yên tâm để đi làm.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật