Tại vì sao mẹ Việt chần chừ áp dụng Homeschooling?

Homeschooling là một mô hình giáo dục tại nhà của Mỹ đã có từ lâu, nhưng tại Việt Nam, phương pháp này đang khiến các bậc phụ huynh chần chừ, e dè.

Những ưu điểm nổi bật

Với các nước phát triển trên thế giới, Homeschooling là một trong số những xu hướng giáo dục hấp dẫn. Trẻ em sẽ được tự học ở nhà theo giáo án soạn sẵn dưới sự giám sát và quản lý của cha mẹ. Các tổ chức giáo dục sẽ tổ chức kỳ thi online để trẻ được cấp bằng chứng nhận.

Điều này giúp các em chủ động về thời gian học tập, thậm chí là học vượt lớp nếu có khả năng. Ngoài ra, trẻ có thể giảm bớt áp lực học hành do không phải đối mặt với những bài kiểm tra liên tục, thi học kỳ hay việc chạy theo thành tích của nhà trường. Cha mẹ các em cũng giảm tải chi phí tiền học, quỹ trường…

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hình thức học tập này còn thể hiện nhiều điểm bất cập khiến các bậc phụ huynh băn khoăn. Và chỉ có một số ít các gia đình trẻ, vợ hoặc chồng từng sinh sống và học tập, làm việc ở nước ngoài nhiều năm mới quyết định cho con cái theo học Homeschooling.

Hình thức học ở nhà vẫn còn khá xa lạ với nhiều phụ huynh Việt Nam (Ảnh: Internet)

Hình thức học ở nhà vẫn còn khá xa lạ với nhiều phụ huynh Việt Nam (Ảnh: Internet)

Vì sao mẹ Việt chưa sẵn sàng?

Tâm lý ỉ lại khi nhà là trường

Khi ngôi nhà thân quen của trẻ trở thành trường học, cha mẹ chính là thầy cô, nhiều trẻ có xu hướng bỏ bê việc học do tâm lý cho rằng ‘học ở nhà’ không cần phải quá khắt khe, tuyệt đối tuân thủ các quy định. Với suy nghĩ này, không ít gia đình mới đầu rất hăng hái cho con em tham gia Homeschooling nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đành ngậm ngùi ‘từ biệt’. Bạn có chắc chắn rằng, vẫn sẽ bắt con học bài nếu chúng kêu nhức đầu mệt mỏi hay hôm nay bạn bận công việc nên dễ dàng cho con nghỉ học vì vắng ‘giáo viên’?!

Trẻ gặp bất ổn về tâm lý

Trẻ học tại nhà thường ít sự giao lưu với bạn bè đồng trang lứa để học hỏi, khuyến khích, thậm chí là cạnh tranh nhau cùng học tập nên có ít động lực để nâng cao chất lượng học tập.

Ngoài ra, trẻ cũng thiếu đi sự năng động, hòa đồng vì không có môi trường giao lưu, tham gia hoạt động ngoại khóa cùng các bạn và thầy cô giáo nên hạn chế các kỹ năng giao tiếp. Chưa kể đến việc, các em cũng bị tước đi những kỷ niệm trong trẻo của tuổi học trò dưới mái trường phổ thông, mất cân bằng giữa các yếu tố tâm sinh lý và dần dần khiến trẻ thu hẹp mình hoặc gặp khó khăn trong các mối quan hệ bên ngoài xã hội.

Cha mẹ cần có kỹ năng sư phạm nhất định

Khi tham gia hình thức Homeschooling, trẻ và cha mẹ hoặc người giám sát quá trình học tập của trẻ cần có một nền tảng ngoại ngữ vững chắc để định hướng và hướng dẫn trẻ trong suốt quá trình học. Nguyên do là các giáo trình học Homeschooling đều là của các trung tâm giáo dục nước ngoài học theo hình thức trực tuyến.

Người ‘thầy’ của trẻ khi theo học Homeschooling đa phần chính là cha mẹ. Cha mẹ của trẻ ít nhiều phải có những kỹ năng sư phạm nhất định để đảm bảo trong việc chọn lọc phương pháp dạy con, có vốn hiểu biết, vốn sống phong phú về nhiều lĩnh vực để cân bằng khối lượng kiến thức giữa các môn học.

Cha mẹ cần có kỹ năng sư phạm để theo dõi việc học của con (Ảnh: Internet)

Cha mẹ cần có kỹ năng sư phạm để theo dõi việc học của con (Ảnh: Internet)

Thực tế, phương pháp học Homeschooling cũng có những ưu điểm nổi trội, tuy nhiên để trở thành một ‘cơn sốt’ hay xu hướng giáo dục tại Việt Nam trong tương lai gần sẽ là điều khó khăn. Các gia đình cần có sự cân nhắc, chuẩn bị lâu dài trước khi quyết định cho con em mình tham gia Homeschooling.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật