Những kiêng kỵ thường gặp trong ngày Tết mà bạn chưa biết

Theo quan niệm của người Việt từ xưa đến nay, ngày đầu năm có nhiều điều tốt đẹp thì cả năm sẽ may mắn^^ Vì vậy, người Việt có những phong tục được đem áp dụng vào ngày Tết, trong đó có khá nhiều điều kiêng kỵ có thể bạn chưa biết?

Không quét nhà ngày mùng Một Tết. Trước Tết, nhà nào cũng đã lau dọn cửa nhà sạch sẽ, phong quang. Vì vậy, trong ngày đầu năm, bạn không cần phải quét dọn thêm nữa.

Vào mùng 1, người Việt tuyệt đối không động đến cây chổi, vì theo quan niệm truyền thống, quét dọn nhà cửa trong ngày này là quét hết tài lộc trong năm mới ra khỏi nhà.

Không đổ rác ngày mùng 1 Tết

Tục lệ này có nguồn gốc từ một truyện dân gian bên Trung Quốc.

Truyện kể rằng ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có.

Đến một năm, đúng ngày mùng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó. Vì vậy mà từ đó có tục không đổ rác trong ngày đầu năm.

Không cho lửa, không cho nước đầu năm

Đầu năm đi ra ngoài hoặc đi lễ chùa, các bạn nên mang theo diêm hay bật lửa bởi lúc này, cần dùng lửa mà không có, bạn đi xin cũng không ai cho vì lửa đỏ tượng trưng cho may mắn, cho lửa đầu năm chẳng khác nào đem may mắn của mình đi cho người khác.

Người xưa quan niệm nước, lửa là hai nguyên tố trong ngũ hành, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt thường ngày và lao động sản xuất của con người. Cũng như lửa, nước được coi như một trong những nguồn phát sinh tài lộc, chẳng thế mà dân gian có câu 'tiền vào như nước'.

Đầu năm cho nước cũng coi như mất lộc. Xưa kia, khi nước còn phải gánh từ ao, hồ hoặc hứng trong chum, vại, thường ngày cuối năm, nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào các vật chứa. Từ trong tâm thức người Việt, hình ảnh nước đầy ăm ắp giống như một điềm may, hứa hẹn năm mới sẽ dễ làm ăn, sinh sống, cửa nhà mát mẻ.

Coi trọng việc đi chơi, xông đất

Vai trò của người xông nhà trong ngày đầu năm rất quan trọng.

Nếu không được gia chủ mời, người Việt rất ngại đến nhà người khác và trở thành khách xông nhà 'bất đắc dĩ' vào sáng mùng 1. Nếu năm tới, gia chủ được vạn sự tốt lành thì không sao nhưng nếu họ có việc gì không tốt đẹp, lại dễ đổ lỗi vì người xông nhà đầu năm 'nặng vía'.

Chính vì sợ điều này xảy ra nên vào ngày mùng 1 Tết, người Việt thường chỉ ở nhà thắp hương cúng lễ, sau đó, đi chúc Tết cha mẹ, ông bà, anh em, họ hàng thân thiết.

ngày mùng 1 Tết, người Việt thường chỉ ở nhà thắp hương cúng lễ

Ngày mùng 1 Tết, người Việt thường chỉ ở nhà thắp hương cúng lễ

Kiêng kỵ việc vay mượn, kể cả cho vay hay đi vay, đòi nợ hay trả nợ, dù là tiền bạc hay đồ vật.

Đi vay đầu năm là điềm báo sẽ túng thiếu cả năm, cho vay đầu năm sẽ khiến tiền bạc phân tán.

Đòi nợ đầu năm dễ gây mất hòa khí và khiến người đi đòi cả năm sẽ mệt mỏi chạy theo con nợ, trả nợ đầu năm chẳng khác gì đem lộc nhà ra khỏi nhà.

Xưa kia, các cụ ta có lệ, từ ngày 23 tháng Chạp dựng cây nêu, đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng hạ cây nêu. Những món nợ nần không được phép hỏi đến để trong ngày Tết, ai ai cũng được yên vui hưởng Tết, làng xóm không có chuyện to tiếng, cãi vã lúc cuối năm.

Theo quan niệm dân gian, Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc. Xưa có lệ gia đình gặp chuyện tang tóc được phép cất khăn tang trong 3 ngày Tết, có lẽ để tránh cho hàng xóm láng giềng ra vào khỏi phải nhìn thấy cảnh buồn thương ngay ngày đầu năm.

Nhà 'có bụi' (tức là có tang) thì kiêng đi chúc Tết. Ngược lại, họ hàng, làng xóm thường chủ động đến chúc Tết gia đình có tang. Trường hợp gia đình có người qua đời vào ngày 30 tháng Chạp mà có thể lo liệu kịp thì thường tiến hành việc hiếu ngay trong ngày đó, kiêng để sang ngày mùng 1 năm sau. Trường hợp có người thân qua đời đúng ngày mùng 1 Tết thì cũng chưa phát tang ngay mà để đến sáng mùng 2 mới làm lễ phát tang.

Không nói điều xui, không ăn món xui, không mua đồ xui

Cũng đúng thôi, vì ngày đầu năm sum họp là thời gian vui vẻ, chỉ nói những điều tốt đẹp, may mắn. Không ai khóc lóc, buồn tủi, nói lại chuyện đen đủi, rủi ro của năm cũ.

Người Việt không bao giờ ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt vào đầu năm, đầu tháng, bởi quan niệm đây là những món không tốt lành, thường chỉ ăn vào cuối năm, cuối tháng, để giải đen.

Mua gì đầu năm cũng là một việc rất quan trọng bởi nó là món hàng đầu tiên mà gia chủ mang về nhà.
Món hàng mua đầu năm được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi 'của mua là của được'. Món hàng này mang nhiều ý nghĩa tâm linh hơn thực dụng.

Dân gian có câu 'Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi'. Người ta hay mua muối ngay sáng sớm mùng 1 với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị.

Có nhiều cách hiểu khác nhau về việc mua vôi cuối năm. Khi xưa, vôi thường được sử dụng để xây nhà cửa, ăn trầu và rải bốn góc tường nhà ngày cuối năm để xua đuổi tà ma. Cũng có một cách giải thích khác là cuối năm mua vôi về để tiếp cho ông bình vôi.

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật