An toàn cho trẻ khi nhà có thú nuôi và đi vườn thú

Những con thú yêu thích của trẻ nhỏ có thể trở thành mối đe dọa cho sự an toàn tính mạng của trẻ bất cứ lúc nào.

Một bé trai 8 bị khỉ cắn tổn thương nặng ở chân phải và mất máu nhiều do tự tay đút cho trẻ ăn. Bé phải nhập viện trong tình trạng nguy cấp. Một ngày trước đó, một bé gái 10 tuổi ở Quảng Ngãi đã tử vong do chó dại cắn. Trước đó không lâu, cuối tháng 11, hai bé gái ở TP HCM bị chó tấn công bị thương nghiêm trọng.

Cho dù thú nuôi là người bạn cần thiết với mỗi trẻ nhỏ nhưng nếu bố mẹ lơ là không để ý, trẻ có thể là nạn nhân của những thú cưng trong nhà. Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp bảo vệ trẻ nhỏ an toàn.

Chăm sóc thú nuôi tốt

Nếu nhà bạn có thú nuôi, điều đầu tiên để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ chính là cần chăm sóc thú nuôi thật tốt. 

- Khu vực ở của thú nuôi cần cách xa nơi sinh hoạt của gia đình đặc biệt là phòng ở, nơi vui chơi của trẻ.

- Tùy thời điểm, bạn có thể nuôi nhốt thú nuôi trong cũi riêng hoặc xích chắc chắn ở góc riêng. Đặc biệt, không để trẻ và thú nuôi tiếp xúc với nhau khi không có sự giám sát của người lớn.

- Vệ sinh định kỳ cho thú nuôi bằng cách tắm rửa, diệt giun sán, bọ, tiêm phòng đầy đủ.

- Nuôi thú cưng ngay từ khi chúng còn nhỏ và huấn luyện thuần hóa chúng.

- Chăm sóc cho thú nuôi ăn uống đầy đủ để bảo đảm sức khỏe và sự thoải mái cho chúng.

- Nếu nhà bạn không có thú nuôi nhưng hàng xóm xung quanh lại vẫn có thì nên trò chuyện với họ về việc nuôi nhốt cẩn thận.

Để trẻ làm bạn với thú nuôi

Nhiều nghiên cứu chứng minh sự tiếp xúc sớm giữa trẻ và động vật có rất nhiều lợi ích cho trẻ. Trẻ cũng thích lại gần động vật ngay cả khi trong nhà không có thú nuôi. Thay vì ngăn cấm, cha mẹ cần hướng dẫn và dạy dỗ trẻ cách chơi và làm bạn với các loài động vật.

Ngay từ nhỏ, người lớn cần dạy trẻ về cách đối xử với tất cả loài vật một cách thân thiện, nhẹ nhàng. Không được phép trêu chọc khiến con vật bị đau hay sợ hãi. Trẻ nhỏ thường thiếu hiểu biết, nghịch ngợm khi giật đuôi chó, mèo; dùng que, gậy đánh, trêu chọc con vật khi thấy chúng bị nhốt, giật lấy thức ăn hoặc tìm mọi cách đuổi theo lấy lại đồ vật khi bị chó mèo tha đi… Những lúc này cha mẹ cần nghiêm khắc nhắc nhở và dạy dỗ trẻ. Bởi nếu không, khi con vật bị chọc tức, chúng sẽ quay lại tấn công trẻ dù thường ngày có thân thiết đến mấy.

Tự bảo vệ khi gặp nguy hiểm

Bạn không thể bảo vệ trẻ 24/24 rình rập khi trong nhà có thú nuôi. Vì vậy, gia đình nên giúp trẻ nhận biết và tránh những hành vi nguy hiểm của thú nuôi.

- Nhắc nhở trẻ tránh xa thú nuôi khi chúng đang ngủ, đang ăn, đang đánh nhau hoặc trong thời kỳ sinh nở ấp nở con hoặc chúng có dấu hiệu gầm gừ, dựng lông, nhìn chằm chằm vào bé.

- Chỉ cho trẻ cách vuốt ve, vỗ về thú nuôi đúng cách. Sau khi tiếp xúc với con vật cần chủ động rửa tay bằng xà phòng.

- Nếu trẻ rơi vào tình huống đối mặt với việc bị thú nuôi tấn công cần dặn trẻ giữ bình tĩnh, im lặng, không vội vàng bỏ chạy hay hét to khiến con vật kích động tấn công trẻ mạnh hơn. Tốt nhất trẻ cần quan sát xung quanh để tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc ngồi thụp xuống và cuộn tròn người để giữ an toàn tối đa.

Quy tắc khi đi vườn thú

- Giữ trẻ cách xa khu vực cửa sắt nuôi nhốt thú từ 1 - 2 mét. Tuyệt đối không với tay lại gần song sắt chắn. Không đu người, leo trèo hoặc bế trẻ đứng trên giải phân cách giữa lồng thú và khu vực dành cho khách thăm quan.

- Không cho trẻ đưa, nhét đồ ăn cho thú nuôi. Điều này có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.

- Nhắc nhở trẻ không trêu chọc, làm các hành động khiến thú nuôi nhốt kích động.

- Không tự ý đi lại một mình trong vườn thú nếu không có sự hướng dẫn của cha mẹ, thầy cô.

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật