Tảo hôn và đông con - Nguyên nhân dẫn đến đói nghèo

Tình trạng tảo hôn tại nhiều bản làng ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa vẫn còn phổ biến. Nhiều gia đình có tới hơn 10 người con, tất cả chỉ trông vào vài sào lúa nương và ngô rẫy nên cái nghèo vẫn vây bủa quanh năm suốt tháng. Một khi chính sách dân số chưa các cấp chính quyền cơ sở coi trọng, cái vòng luẩn quẩn: tảo hôn - đông con - đói nghèo vẫn còn đeo đẳng mãi...

Huyện Mường Lát hiện có 6 dân tộc gồm: Thái, Mông, Dao, Kinh, Mường và Khơ Mú, phân bố trên địa bàn 9 xã, thị trấn. Các bản làng nằm rải rác trên các triền núi, thung lũng trải rộng tới 81.461 ha. Hệ thống đường giao thông vào các bản xa còn nhiều khó khăn, cách trở nên công tác dân số vẫn khó triển khai. Việc tiếp cận các chính sách, nhất là chính sách dân số của đồng bào còn nhiều hạn chế. Mặt khác, quan niệm sinh nhiều con của đồng bào đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân nên rất khó sửa đổi. Với họ, phải sinh nhiều con để có nhiều lao động phục vụ nhu cầu làm nương rẫy.

Hình ảnh một người mẹ trẻ với đàn con “trứng gà, trứng vịt” không phải là hiếm ở Mường Lát

Hình ảnh một người mẹ trẻ với đàn con “trứng gà, trứng vịt” không phải là hiếm ở Mường Lát

Một số bản, nhất là các bản người Mông có tỷ lệ gia tăng dân số rất cao như: Pha Đén (Pù Nhi); Pá Hộc, Kéo Hượn, Kéo Té (Nhi Sơn); Xì Lồ, Sài Khao (Mường Lý), Tà Cóm (Trung Lý)... Cách đây không lâu, có dịp vào bản Pha Đén, chúng tôi thấy trẻ em tập trung đông một cách khác thường so với những bản miền núi. Tìm hiểu được biết, ban ngày, người lớn lên nương, chỉ trẻ em và người già ở nhà. Trong bản, đa số các gia đình đều sinh từ 3 - 6 con. Với người dân trong bản, tảo hôn đã trở thành chuyện bình thường.

Nói về những khó khăn trong công tác dân số ở đây, ông Phạm Duy Tận - Giám đốc Trung tâm Dân số Mường Lát, cho biết: Tại các xã đã có các cộng tác viên dân số, nhưng phụ cấp ít ỏi, thậm chí chỉ 50.000 đồng/tháng nên họ không mặn mà. Chỉ khi nào có các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, họ mới nhiệt tình làm việc. Tình trạng tảo hôn của các dân tộc ít người ở Trung Lý, Mường Lý, Pù Nhi... hiện rất phổ biến nhưng cũng không thống kê được vì lý do trên. Mặt khác, rất nhiều trường hợp lấy nhau không đăng ký nên khó có những số liệu cụ thể.

Giải pháp hữu hiệu nhất có lẽ phải làm thay đổi tư duy từ ngàn đời cho đồng bào. Làm được điều này, công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, nên lồng ghép các chương trình dân số với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, có thưởng - phạt, khen - chê rõ ràng trong quá trình thực hiện chính sách dân số của người dân. Các ngành, các cấp liên quan cần đồng loạt vào cuộc, và nên chăng có chính sách kinh tế hợp lý hơn cho cán bộ dân số cấp cơ sở. Sở dĩ, các chương trình dân số cứ triển khai từ trên xuống, không coi trọng công tác vận động từ cơ sở thì hiệu quả cũng như xây nhà từ nóc. Việc ra sức phát triển các chương trình kinh tế tại Mường Lát nói riêng và các huyện miền núi của tỉnh nói chung, nếu không song song với thực hiện hiệu quả các chính sách dân số, thay đổi tư duy cho người dân, thì cũng không thể xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào một cách triệt để được.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật