Những phương thức hiệu quả của xông lá trị cảm cúm
Đông y ghi nhận xông là một trong những phương pháp điều trị bệnh hữu hiệu. Tuy nhiên, xông lá không đúng cách, có thể gây ra những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Y học cổ truyền gọi là ngoại cảm phong nhiệt và ngoại cảm phong hàn, dân gian gọi là cảm lạnh, cảm tà. Trong trường hợp này việc điều trị bằng phương pháp xông lá rất hiệu quả. Nồi xông giải cảm kết hợp tác dụng vật lý của hơi nước nóng, tác dụng dược lý của các chất bay hơi chứa trong dược thảo kéo theo hơi nước. Hơi nước nóng làm giãn mạch ngoại biên, lượng máu được tăng cường. Kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài, giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu.
Xông lá trị bệnh cảm cúm
Tùy điều kiện từng vùng, có thể tìm những thuốc xông sau đây: Lá cành: kinh giới, tía tô, bạc hà, hương nhu, cúc tần, sả,... Lá: chanh, bưởi, cam, quýt,... Có thể là lá tươi mua sẵn ngoài chợ hay hái trong vườn nhà, hoặc lá khô ở dạng bào chế sẵn như gói thuốc xông.
Để làm giảm nhẹ những triệu chứng mà nguyên nhân do phong hàn hoặc phong nhiệt trên lâm sàng của cảm mạo như: sốt, đau đầu, đau người, sổ mũi, ho... cần phải:
- Làm ra mồ hôi (phát hãn giải biểu).
- Làm nóng đỏ da (khu phong tán hàn).
Khi xông thảo mộc, tinh dầu dễ dàng thâm nhập vào da, phổi rồi qua mao mạch vào hệ thống tuần hoàn. Tinh dầu có tác dụng kháng khuẩn, tốt và dễ chịu cho hô hấp. Hơi nước nóng giúp làm ẩm niêm mạc mũi họng, giảm sung huyết niêm mạc mũi. Độ nóng thích hợp sẽ tạo cảm giác thư giãn thoải mái, giảm đau nhức cơ.
Xông không đúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe
Chỉ định dùng nồi xông: Chữa chứng phát sốt, sợ lạnh, đau đầu, đau người, sổ mũi, hắt hơi, ho, không ra mồ hôi, hoặc ra mô hôi ít. Tổng trạng bình thường.
Xông không đúng: Xông quá lâu gây đổ mồ hôi nhiều, làm mất nước, người chóng mặt, khó chịu. Không nên xông quá 15-20 phút.
Không cẩn thận, khi xông có thể gây bỏng
Không nên xông khi: Sốt cao, sợ nóng, không sợ lạnh, ra nhiều mô hôi, không khát nước. Cơ thể suy nhược, già yếu, mệt mỏi, thiếu máu, đang mang thai hoặc vừa mới sinh, đang bị tiêu chảy. Không xông đối với trường hợp cảm nắng, có triệu chứng ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ, chao đảo, mệt lả.
Trước khi xông hơi, cần làm sạch cơ thể. Không tắm ngay sau khi xông vì lỗ chân lông đang hở nếu gặp lạnh sẽ bít lại, không thoát được nước dẫn đến máu huyết không lưu thông.
Trong quá trình xông, nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn... cần ngừng ngay. Trường hợp bị sốc nặng phải đưa tới bệnh viện để cấp cứu. Nếu bệnh nhân sốt cao, co giật do nhiễm khuẩn (như viêm họng, ho, chấn thương, nhiễm trùng...) thì không nên tùy tiện xông hơi mà phải đi khám ở cơ sở y tế.
Bệnh nhân già yếu, có bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể, khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai, tránh cho người bệnh khỏi ngã.
Phương pháp xông đúng kỹ thuật
Để xông đạt hiệu quả, cần nắm vững khi nào cần sử dụng nồi xông: Chữa chứng phát sốt, sợ lạnh, đau đầu, đau người, sổ mũi, hắt hơi, ho, không ra mồ hôi, hoặc ra mô hôi ít. Tổng trạng bình thường.
Xông đúng kỹ thuật: Nơi xông phải kín gió. Đặt nồi xông thật vững chắc ở giữa giường. Người bệnh ngồi cạnh nồi xông, chống 2 tay bên cạnh nồi xông, cúi khom sao cho đầu cổ ngực ở phía trên miệng nồi, nơi trực tiếp hứng nhiều hơi thuốc. Người nhà dùng chăn mỏng phủ kín toàn bộ người bệnh và nồi xông. Người bệnh mở hé nắp nồi để hơi thuốc thoát ra từ từ, vừa đủ sức chịu đựng. Khi mồ hôi ra nhiều, ướt áo thì ngừng xông, lau khô người, thay áo, đắp chăn nằm nghỉ. Có thể sau 6-8 giờ xông lần nữa.
Dược liệu xông: Có thể dùng tươi hoặc khô. Cần chú ý chất lượng các loại thảo dược, cần rửa sạch để không dính bụi, nếu khô chọn loại không bị nấm mốc.
Cẩn trọng khi dùng phương pháp xông lá để trị cảm cúm
Xông lá trị cảm có tác dụng khá tốt trong việc điều trị cảm cúm. Tuy nhiên, hiện nay cảm cúm có nhiều biến thể, không phải chỉ xông lá là đủ, cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và cho thuốc, không nên chủ quan.
Cảm có thể do virus hay nguyên nhân khác (nhiệt độ lạnh, nắng nóng...), virus là tác nhân gây bệnh cúm. Cảm có triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu và cổ gáy, nhức mỏi nhưng triệu chứng không nặng nề và mau phục hồi. Cảm thường hồi phục sau 7-10 ngày. Cúm kéo dài hơn, cúm thường có triệu chứng nặng nề hơn, sốt và mệt mỏi hơn, đôi khi biến chứng viêm phổi nặng phải nhập viện, nhất là người lớn tuổi và trẻ em. Do đó người bệnh không được tự ý dùng thuốc, nhất là kháng sinh, vì tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.
Xông và các chế độ thực dưỡng bổ trợ
Ăn nhiều thức ăn dễ tiêu, đủ dinh dưỡng: Cháo cá, cháo gà hoặc súp gà rất tốt cho người cảm cúm. Gừng và hành tỏi giúp ấm và hỗ trợ, tăng cường miễn dịch và kháng khuẩn, chống oxy hóa, thông đường hô hấp… giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Uống sữa và ăn sữa chua: Men vi sinh trong sữa chua tốt cho người bị tiêu lỏng (có thể gặp ở người nhiễm siêu vi).
Tăng cường vitamin C: Ăn nhiều rau quả tươi (kiwi, trái thơm,cam, quýt, bưởi, chanh, cóc, ổi, trái dâu tây, bông cải xanh, cà chua, ớt chuông đỏ, cải xoăn....). Vitamin C giúp giảm mệt mỏi, tỉnh táo hơn, mau hồi phục bệnh. Nên thường xuyên bổ sung vitamin C, chứ không phải đợi đến bệnh mới dùng.
Ưu tiên nghỉ ngơi: Không đến chỗ làm và trường học cùng những hoạt động thể lực cho đến khi phục hồi. Thức khuya, thiếu ngủ sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng chống lại mầm bệnh. Đi ngủ sớm buổi tối và nên có giấc ngủ ngắn trong ngày. Nếu nghẹt mũi khi nằm, có thể kê gối đầu cao sẽ giúp giảm áp lực trong xoang mũi và dễ thở.
Uống nhiều nước: Giúp loãng đàm, dễ khạc nhổ ra ngoài, giảm sung huyết niêm mạc đường hô hấp. Ho khạc, sốt sẽ gây mất nước trong cơ thể, làm triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi nặng lên. Uống đủ nước sẽ ngăn ngừa và cải thiện triệu chứng. Không uống rượu bia, cà phê, soda... sẽ gây lợi tiểu và không cải thiện triệu chứng khô họng. Có thể uống trà ấm, trà gừng hoặc nước trái cây, nước chanh, cam, bưởi ép ...
Súc họng thường xuyên với nước muối ấm: Giúp giảm phản ứng viêm, kháng khuẩn nhẹ, cải thiện triệu chứng đau rát khó chịu họng, giảm sưng họng. Loại bỏ, rửa trôi tác nhân gây bệnh và mảng bám vùng hầu họng, làm loãng đàm nhớt giúp dễ khạc ra ngoài.
Uống mật ong: Mật ong có độ bám dính lên họng sẽ làm dịu cơn ho. Có thể pha vào trà hay nước chanh, cam. Lưu ý không dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi.
BS.CKII HUỲNH TẤN VŨ
- Bài thuốc phòng và hỗ trợ trị sốt rét (Thứ sáu, 14:33:06 18/09/2020)
- Chữa say nắng bằng Nam dược tiện lợi mà nhanh nhất (Thứ bảy, 10:15:05 12/01/2019)
- Công dụng của cây chìa vôi chữa các bệnh xương khớp hiệu... (Chủ nhật, 12:23:16 02/12/2018)
- Chữa tóc bạc sớm ở thanh niên bằng những bài thuốc dân gian (Chủ nhật, 06:53:02 02/12/2018)
- Mẹo chữa viêm mũi dị ứng bằng 5 bài thuốc dân gian (Chủ nhật, 01:05:05 02/12/2018)
- Cách chữa viêm mũi dị ứng thời tiế từ những bài thuốc dân... (Chủ nhật, 01:04:09 02/12/2018)
- Điều trị gai cột sống bằng thuốc nam tại nhà, đơn giản (Thứ bảy, 21:15:12 01/12/2018)
- Rau dền gai chữa bệnh gai cột sống bằng những công thức nào? (Thứ bảy, 20:51:03 01/12/2018)
- Điều trị viêm mũi dị ứng bằng tỏi nhanh chóng, hiệu quả và... (Thứ bảy, 18:07:04 01/12/2018)
- Điều trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc nam an toàn và hiệu... (Thứ bảy, 18:05:10 01/12/2018)
-
Đồ Chơi Pop it bóp bóp Bấm Nút Bóp Bóng - Pop It
Thứ tư, 20:15:03 15/02/2023
-
Đồ chơi bộ hộp sét 6 món ô tô máy bay chạy cót xịn xò
Thứ Hai, 18:18:02 13/02/2023
-
Máy gắp thú bông cho bé cỡ lớn BBT GLOBAL
Chủ nhật, 15:54:06 12/02/2023