Bước sơ cứu cần thiết cho vết thương nhẹ ai cũng nên biết

Khi gặp vết thương như đứt tay, rách da, bạn cần nhanh chóng cầm máu bằng cách dùng gạc sạch đè nhẹ lên vết thương.

Tai nạn trong lao động, sinh hoạt thường xuyên xảy ra hàng ngày. Đối với các vết thương nhẹ gây chảy máu như đứt tay, bị cây que chọc vào, giẫm phải đinh, trầy xước, rách ra, tổn thương phần mềm,... người bị nạn hoặc người thân cũng cần bình tĩnh xử trí đúng cách để cầm máu và tránh vết thương bị nhiễm trùng

Cầm máu

Trước tiên bạn cần nhanh chóng cầm máu bằng cách đè nhẹ lên vết thương bằng gạc sạch hoặc quần áo hoặc khăn sạch. Đè liên tục trong 20-30 phút. Không nên hé vết thương xem cầm máu hay chưa vì sẽ làm chảy máu trở lại do cục máu đông chưa kịp hình thành.

Làm sạch vết thương

Vết thương rách da thường dễ bị nhiễm bẩn do bụi đất, cát. Sau khi cầm máu cần rửa vết thương bằng nước sạch. Trước khi rửa vết thương nên rửa sạch tay bằng xà phòng.

Nếu có dị vật còn sót trong vết thương thì dùng nhíp rửa đã bằng cồn lấy ra. Rửa nhiều nước sẽ tránh được nguy cơ uốn ván. Xung quanh vết thương có thể rửa bằng xà phòng.

Sát trùng vết thương

Sát trùng vết thương và vùng da xung quanh vết thương bằng dung dịch i-ốt hữu cơ (có bán ở hiệu thuốc) để loại bỏ vi khuẩn

Băng vết thương

Băng vết thương bằng băng gạc sạch đã tiệt trùng (có bán ở hiệu thuốc). Thay băng thường xuyên, khi băng cũ bị bẩn hoặc ướt.

Tiêm phòng uốn ván

Bạn nên đi tiêm phòng uốn ván vì cho dù là vết thương nhẹ vẫn có thể bị nhiễm vi trùng uốn ván, nhất là các vết thương do kim loại gỉ như đinh, thanh gang, sắt...

Cần lưu ý: Nếu sau khi sơ cứu mà vết thương bị tấy đỏ, sưng nề đau nhiều, có thể vết thương đã bị nhiễm trùng. Khi đó bạn cần đến ngay cơ sở y tế kiểm tra và điều trị.

Ngoài ra, trong tủ thuốc gia đình nên trang bị các vật dụng y tế cần thiết như bông gòn, băng, gạc sạch cồn nước muối sinh lý thuốc sát trùng để có thể sử dụng khi cần thiết.       

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật