Những lưu ý cho bà mẹ khi vắt sữa để tủ lạnh cho trẻ dùng dần

Vắt sữa để tích trữ là thói quen cần thiết của rất nhiều bà mẹ khi không có điều kiện ở gần và cho con bú. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng và bảo quản sữa đúng cách.

Vắt sữa có thể giúp phụ nữ cảm thấy dễ chịu, đỡ bị hiện tượng cương bầu vú, giúp bé nhận được lượng sữa mẹ cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn 6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM trên báo VnExpress, mẹ nên vắt sữa khi không có điều kiện gần con, cho con bú vì nếu sữa không được vắt ra thì sẽ bị cạn dần.

Các bà mẹ cần nắm vững những cách thức vắt sữa, bảo quản và sử dụng để đảm bảo nguồn sữa hợp vệ sinh nhằm đạt chất lượng tốt cho sự phát triển của trẻ.

Đồ đựng sữa phải sạch và tiệt trùng

Trước khi tích trữ sữa, hãy rửa dụng cụ vắt sữa (nếu không vắt bằng tay) và đựng sữa bằng xà phòng và nước sạch. Rót nước sôi vào dụng cụ đựng sữa, để trong vài phút rồi đổ đi. Trường hợp không có hộp nhựa hoặc bình sữa, bạn cũng có thể dùng những chiếc túi nhựa chuyên dụng để bảo quản sữa mẹ.

Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng trước khi vắt sữa, kể cả trường hợp dùng dụng cụ vắt sữa.

Tuy nhiên, đừng bao giờ bảo quản sữa mẹ trong những chiếc túi ni-lông thông thường được thiết kế cho việc sử dụng hàng ngày trong gia đình Nó có thể làm sữa mẹ bị nhiễm khuẩn hoặc có thể làm mất đi chất dinh dưỡng cần thiết cho con.

Chú ý thời hạn bảo quản sữa đông lạnh

Khi bảo quan ở thùng đá, sữa mẹ chỉ có thể trữ trong tối đa một ngày. Sau đó hãy dùng hoặc chuyển sữa vào tủ lạnh hoặc tủ đông.

Với tủ lạnh, sữa vừa được vắt ra có thể được bảo quản trong khoảng từ 5-8 ngày. Bạn lưu ý nên để ở phía lưng tủ lạnh (không để ở cánh cửa tủ lạnh).

Còn khi bảo quản sữa trong tủ đông, bạn có thể trữ tiêu chuẩn trong vòng 3-6 tháng. Các bà mẹ cũng nên nhớ, khi bảo quản, phải đặt sữa ở phía lưng tủ đông, không để ở cửa.

Lưu ý: Nếu không muốn để đông lạnh, sữa khi mới vắt ra chỉ để ở nhiệt độ phòng trong tối đa 6 tiếng. Nếu quá thời hạn này, bạn nên bỏ đi và không cho trẻ dùng nữa.

Chia sữa đúng cách, không đỗ sữa quá đầy

Báo Khám phá cho hay, một số bà mẹ vì muốn tiết kiệm tiền mua túi, dồn sữa đầy ú, như thế hoàn toàn phản khoa học bởi sữa là chất lỏng, khi đông lại sẽ giản nở. Khi đổ đầy túi, sữa rất dễ bị tràn ra trong quá trình lưu trữ, dẫn đến hỏng sữa.

Vì vậy, để sữa mẹ không bị hỏng, đồng thời tránh lãng phí, hãy đổ vào đồ đựng lượng sữa mà con bạn cần trong một lần bú. Bạn có thể bắt đầu với 60-120 ml, sau đó điều chỉnh lại nếu cần thiết.

Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét việc bảo quản sữa thành từng phần nhỏ từ 30-60 ml để đề phòng những trường hợp khẩn cấp hoặc thời gian cho bú bị trì hoãn. Hãy nhớ rằng sữa mẹ sẽ giãn nở khi đông, vì vậy đừng đổ đầy sữa vào đồ đựng.

Rã đông sữa trước khi sử dụng

Trước khi cho trẻ bú, các bà mẹ hãy rã đông sữa trước. Bạn có thể đơn giản để sữa đông lạnh trong tủ lạnh qua đêm trước khi có ý định dùng nó.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể làm ấm sữa một cách nhẹ nhàng bằng cách đặt bình sữa dưới vòi nước ấm đang chảy hoặc trong một bát nước ấm. Đừng bao giờ rã đông sữa ở nhiệt độ phòng vì việc này sẽ khiến vi khuẩn tăng lên trong sữa. Không làm nóng sữa mẹ bằng cách đun sôi hoặc cho vào lò vi sóng.

Trước khi cho con bú, hãy lắc bình sữa đã được làm ấm một cách nhẹ nhàng để hòa trộn các lớp lại với nhau. Đừng lắc hoặc khuấy sữa quá mạnh. Sử dụng sữa đã rã đông trong vòng 24 tiếng. Nếu uống thừa nên bỏ đi, cũng đừng tái đông sữa mẽ đã được rã đông hoàn toàn hoặc một phần.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật