Vi phạm trong sản xuất kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng: Lắm chiêu, vẫn bị phát hiện

5 năm trở lại đây, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) bùng nổ cả về số lượng doanh nghiệp (DN), sản phẩm. Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, 90% số DN sản xuất và kinh doanh dược phẩm, thực phẩm có sản xuất, kinh doanh TPCN. Ngoài ra, các đơn vị bán hàng đa cấp cũng coi TPCN là mặt hàng chủ yếu.

Bên cạnh đó là mặt hàng mỹ phẩm tự chế do các cá nhân tự làm và rao bán nhan nhản... Đợt cao điểm chống buôn lậu, kiểm tra các cơ sở kinh doanh (KD), sản xuất các mặt hàng mỹ phẩm thực phẩm chức năng dược phẩm đang diễn ra cho thấy số lượng các vụ vi phạm ngày một tăng, các chiêu đối phó cơ quan chức năng cũng ngày càng tinh vi...

“Sờ” đâu cũng ra sai phạm

Hai thành phố quy tụ nhiều điểm kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu và buôn bán các mặt hàng trên là Hà Nội và TP.HCM. Kết quả tổng kết của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM sau đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, kiểm tra các cơ sở KD, sản xuất các mặt hàng mỹ phẩm, TPCN dược phẩm khiến nhiều người giật mình

Cụ thể, Chi cục QLTT TP.HCM tổ chức kiểm tra 149 công ty, hộ kinh doanh thì có đến 141 vụ vi phạm, tỷ lệ hơn 95%. Chi Cục QLTT TP.HCM kiểm tra 24 công ty, nhà thuốc cửa hàng KD TPCN, đã có đến 22 cơ sở vi phạm.

Trong đó có hơn nửa là TPCN không có chứng từ hóa đơn. Kiểm tra hoạt động sản xuất, KD tân dược, mức độ sai phạm cũng lớn không kém. Chi cục QLTT TP.HCM kiểm tra 33 công ty nhà thuốc thì đã có 29 đơn vị vi phạm đủ các lỗi như KD thuốc không có chứng từ, thuốc quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, vi phạm niêm yết giá, đăng ký kinh doanh.

Còn tại Hà Nội, tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, Chi cục QLTT Hà Nội đã bắt giữ gần 20 tấn mỹ phẩm nhập lậu. Số lượng hàng bắt giữ mỗi vụ ngày càng nhiều, có những xe chở đến 4 tấn mỹ phẩm lậu. Hoặc như chỉ qua kiểm tra hệ thống kinh doanh “siêu thị mỹ phẩm” Xuân Thủy với 5 cơ sở bán hàng trên địa bàn, lực lượng chức năng đã thu giữ trên 100.000 sản phẩm vi phạm, không nguồn gốc xuất xứ.

Theo số liệu thống kê của Chi cục QLTT Hà Nội, năm 2014, toàn thành phố có 788 cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm, chiếm 30,96% trong toàn quốc (chưa kể các cửa hàng nhỏ lẻ, không chuyên, bày bán không cố định). Qua kiểm tra 134 cửa hàng cho thấy tỷ lệ vi phạm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ chiếm tới 47%. Các sản phẩm: phấn, kem nền kem dưỡng da sữa rửa mặt, dầu gội, dầu xả... của những nhãn hiệu lớn như L’oreal, Lancome, Maybelline, Shishedo, Dior... có tỷ lệ làm giả lớn nhất.

Trên thực tế, số lượng hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm nhái các thương hiệu còn lớn hơn nữa. Năm 2014, cơ quan quản lý đã kiểm tra một đợt 40 cửa hàng và 17 quầy hàng chợ ghi là cửa hàng bán hàng “chính hãng” nhưng thực chất đều là hàng giả. Tại các chợ đêm, chợ sinh viên, mặt hàng mỹ phẩm có tỷ lệ hàng giả lên tới 80-90%.

Từ năm 2014 đến tháng 5/2015, lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố đã phát hiện và xử lý 2.113 vụ việc vi phạm về TPCN. Trong đó, 287 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ hàng giả 887 vụ, hàng kém chất lượng 949 vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách khoảng 236 tỷ đồng. Đặc biệt, lượng hàng hóa bị thu giữ trong các vụ vi phạm tăng rõ rệt. Năm 2013, số hàng bị thu giữ cao nhất là 1-2 tấn/vụ nhưng đến năm 2015, số hàng bị thu giữ lớn đã lên tới 20 tấn/vụ.

Loạn chủng loại, nhãn mác, chất lượng

Năm nay, nhiều cơ sở KD hàng giả, hàng không nguồn gốc, kém chất lượng... lại có một số chiêu mới để đối phó cơ quan chức năng. Theo ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 14, qua đợt cao điểm kiểm tra ngay cả trong Trung tâm thuốc Hapu (Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội), vẫn còn những sai phạm đã từng bị cơ quan chức năng xử lý như việc bán hàng giả.

Tuy nhiên, việc bán hàng giả của một số hộ KD ở đây hoàn toàn không phải do cố tình. Có những hàng giả nhãn mác bao bì, được làm tinh vi đến mức bản thân lực lượng chức năng cũng khó hoặc không thể phân biệt được. Thậm chí lực lượng QLTT phải kết hợp với chủ sở hữu hàng hóa (đơn vị sản xuất phân phối mặt hàng) để xác định sản phẩm nghi bị làm giả, làm nhái.

Bên cạnh đó, theo đại diện Chi cục QLTT Hà Nội thì thị trường mỹ phẩm hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều các sản phẩm mỹ phẩm do cá nhân tự nghĩ ra công thức, pha chế đóng gói, thường gọi chung là “kem trộn”.

Các sản phẩm này được mua bán kinh doanh chủ yếu trên mạng và các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, nên công tác quản lý kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, số lượng người sử dụng những sản phẩm “loại” này cũng không hề thấp do giá thành rẻ, công dụng nhanh chóng.

Ngoài ra, xuất hiện tình trạng “chống đối tập thể” như việc lực lượng chức năng kiểm tra thị trấn Sơn Tây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thì các quầy khi phát hiện đoàn kiểm tra đã liên lạc cùng nhau đóng cửa, không cho kiểm tra và xử lý, khiến đoàn gặp rất nhiều khó khăn.

Những kết quả xử lý trên cho thấy, hàng lậu, hàng rởm đang làm nhiễu loạn thị trường các thành phố lớn và gây nhức nhối cho người tiêu dùng. Tại buổi tọa đàm “Thực phẩm chức năng dưới góc nhìn chống hàng giả” được tổ chức vừa qua, đại diện các cơ quan chức năng: QLTT, Bộ Y tế, DN... đều chung quan điểm: Cần xây dựng một chế tài đủ mạnh để nâng cao hiệu quả quản lý TPCN từ khâu xác nhận, công bố, kiểm tra chất lượng tới QLTT. Bên cạnh đó cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các ban ngành liên quan như: Cục Quản lý Dược, công an, cảnh sát, bộ đội biên phòng, hải quan... Một mặt, người dân cần nâng cao ý thức khi lựa chọn sử dụng những sản phẩm trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của mình.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật