Cách làm bánh đúc đơn giản tại nhà, bánh giòn ngon hấp dẫn
Bánh đúc là một món ăn tuổi thơ của rất nhiều người. Bánh đúc làm từ bột gì? Thường bánh đúc được làm từ bột gạo và với món bánh truyền thống được làm cùng lạc chấm với tương bần.
Bánh đúc ngày nay có thêm nhiều cách làm hơn, cách làm bánh đúc nóng mặn, bánh đúc ngọt nước cốt dừa… rất ngon và dễ ăn. Cách làm bánh đúc rất đơn giản, không cần đến nước vôi trong bánh cũng rất giòn, dai, mềm.
1. Cách làm bánh đúc lạc truyền thống
Nguyên liệu làm bánh đúc lạc
- 500g bột gạo
- 50g vôi bột
- 1l nước lọc
- 5 - 7g muối trắng
- 70ml dầu ăn
- 100g lạc
- 50g bột năng
Cách làm bánh đúc lạc truyền thống
Bước 1: Lạc ngâm với nước lạnh 3 tiếng cho mềm. Sau đó rửa sạch, cho vào nồi luộc với xíu muối cho chín thật kỹ. Sau đó xả sạch lại với nước rồi để khô.
Bước 2: Lấy 250g nước, hòa 50g vôi bột. Đợi vôi lắng xuống gạn lấy phần nước vôi trong.
Bước 3: Cho 500g bột gạo, 50g bột năng, 750ml nước lọc và phần nước vôi trong đã gạn được, 5 - 7g muối trắng, 70ml dầu ăn khuấy thật đều.
Khuấy đều bột
Bước 4: Bắc nồi bột lên bếp nấu sôi với lửa vừa. Khi sôi thì hạ lửa nhỏ, khuất đều tay và liên tục khoảng 30 phút, bột bắt đầu có độ đặc dần, có màu nâu nhạt thì cho toàn bộ phần lạc đã luộc chín vào, đảo thật đều và khuấy thêm 5 phút nữa.
Bước 5: Tắt bếp và cho phần bột đã chín vào khuôn để nguội là được bánh đúc lạc đặc quánh, mềm ngon. Cắt bánh đúc lạc thành miếng vừa ăn.
Thưởng thức
Cách làm bánh đúc truyền thống thường sử dụng nước vôi trong để giúp bánh có độ cứng và giòn ngon. Bánh đúc lạc chín mềm, đặc lại và lạc chín bùi. Bánh chấm với tương bần ăn đúng chuẩn truyền thống vô cùng hấp dẫn.
Bánh đúc lạc truyền thống chấm với tương bần
2. Cách làm bánh đúc mặn miền Nam
Nguyên liệu làm bánh đúc mặn
Nguyên liệu làm phần bánh đúc
- 250g bột gạo
- 40g bột năng
- 300ml nước cốt dừa
- 400ml nước lọc
- 1/2 thìa cafe muối
Nguyên liệu làm phần nhân mặn
- 150g thịt xay
- 50g mộc nhĩ
- 100g tôm khô
- 1 củ hành tím to, 2 củ hành tím nhỏ, 1 củ tỏi, 1 quả ớt
- Đường, hạt nêm, nước mắm, chanh
Cách làm bánh đúc mặn
Bước 1: Hòa bột làm bánh đúc
- Cho 250g bột gạo, 40g bột năng, 300ml nước cốt dừa, 400ml nước lọc vào 1 tô khuấy cho tan đều bột. Có thể rây lại hỗn hợp bột cho mịn. Để bột nghỉ 20 phút.
Bước 2: Hấp bánh đúc
- Chuẩn bị khay để hấp bánh, thoa một lớp dầu ăn mỏng lên mặt khay, đổ hỗn hợp bột bánh vào khay độ dày khoảng 1cm. Cho vào nồi hấp, hấp 7 - 8 phút mở nồi kiểm tra bánh đã đặc lại chưa. Bánh đặc lại thì tiếp tục đổ 1 lượt bột bánh có độ dày 1cm lên, tiếp tục hấp 7 - 8 phút. Thực hiện cho đến khi hết bột bánh.
Hấp bột bánh đúc
- Kiểm tra bánh chín bằng 1 cây tăm, cắm cây tăm vào không thấy phần nước bột thì bánh đã chín. Lấy bánh ra để nguội bớt rồi cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Bước 3: Làm nhân bánh đúc mặn
- Tôm khô ngâm nước ấm 30 phút rồi rửa sạch để ráo nước.
- Thịt xay ướp với xíu hạt nêm, nước mắm theo khẩu vị để 15 phút cho ngấm.
- Hành tím củ to thái lát để riêng để làm hành khô. Hành tím củ nhỏ và tỏi băm nhỏ.
- Mộc nhĩ ngâm nở rồi rửa sạch, thái thật nhỏ.
- Cho dầu ăn vào chảo, dầu ăn nóng già cho phần hành tím thái lát vào chiên vàng rồi vớt ra để riêng.
- Cho hành tím và tỏi băm vào chảo vừa chiên hành phi cho thơm, cho thịt đã ướp vào xào, đảo đến khi thịt gần chín thì cho tôm khô vào xào cùng. Tiếp đó cho mộc nhĩ vào đảo đều tay, nêm nếm gia vị theo khẩu vị rồi tắt bếp.
Xào nhân mặn bánh đúc
Bước 4: Làm nước mắm chấm bánh đúc mặn
- Cho 1 thìa canh nước, 4 thìa canh nước mắm, 3 thìa canh đường khuấy thật đều. Vắt chanh lấy nước cốt cho vào bát nước mắm.
- Ớt, tỏi băm nhỏ rồi cho vào bát nước mắm. Nếu thích ăn cà rốt thì có thể thêm cà rốt bào sợi cho vào ăn cùng.
Hoàn thành và thưởng thức
- Bánh đúc mặn cắt thành miếng vừa ăn cho vào bát. Múc nhân tôm thịt mặn vừa làm xong để lên trên. Chan nước mắm vào hoặc chấm từng miếng bánh đúc 1 ăn. Bánh đúc giòn giòn, mềm, nhân tôm thịt đậm đà hấp dẫn.
Bánh đúc mặn miền Nam thơm và đậm đà
3. Cách làm bánh đúc nóng miền Bắc
Miền Bắc có mùa thu và mùa đông rất lạnh, bánh đúc nóng đặc biệt được yêu thích vào mùa này. Khi tiết trời trở mát, chuyển lạnh, bát bánh đúc nóng hổi thơm ngon đậm đà được nhiều người lựa chọn cho bữa sáng.
Nguyên liệu làm bánh đúc nóng miền Bắc
Phần nguyên liệu làm bánh đúc:
- 100g bột gạo tẻ
- 100g bột năng
- 600ml nước
- 1 xíu muối
- 30ml dầu ăn
- 15ml dầu mè
Phần nhân thịt và nước chấm
- 200g thịt lợn xay
- 10g mộc nhĩ
- 20g nấm hương
- 50ml nước mắm
- 50ml nước cốt chanh
- 50g đường
- 3g muối, 3g tiêu
- 100g rau mùi
- Hành khô
Cách làm bánh đúc nóng miền Bắc
Bước 1: Làm phần bánh đúc
- Cho 100g bột gạo tẻ, 100g bột năng và 1/4 thìa cafe muối vào 1 nồi. Đổ 600ml nước lọc vào khuấy cho bột tan hết hoàn toàn. Để bột nghỉ 1 - 1,5 tiếng cho bột lắng xuống đáy.
- Khi bột lắng xuống đáy, nhẹ nhàng gạn 1 bát nước trong đổ đi. Thêm vào đúng 1 lượng nước lọc bằng với lượng nước gạn đổ đi vào. Khuấy đều lại nồi bột. (Việc ngâm bột này giúp bột không bị hôi, nếu các bạn làm bột từ gạo xay thì không cần ngâm).
- Bắc nồi bột đã khuấy đều lên bếp, để lửa ở mức trung bình cao, dùng phới lồng khuấy liên tục trong quá trình nấu để hỗn hợp bột không bị bén nồi. Khuấy được khoảng 2 - 3 phút thì hỗn hợp bột sệt và dần đặc lại thì hạ lửa nhỏ nhất.
- Tiếp tục khuấy bột đều tay cho đến khi bột chuyển sang màu trắng đục thì hạ lửa nhỏ nhất. Thêm vào 30ml dầu ăn, 15ml dầu mè, đảo đều nồi bột. Hỗn hợp lúc này sẽ tách thành 2 mảng, tiếp tục khuấy đều tay khoảng 1 phút nữa thì bột sẽ mịn và đồng nhất.
- Tiếp tục khuấy bột thêm 5 - 10 phút nữa ở mức lửa nhỏ nhất, thấy bột trong, dẻo quánh, nhấc lên thấy bột đứt thành từng đoạn, nếm thử bột không sống nữa là được. Tắt bếp đậy vung lại để bột không bị nguội và khô mặt.
Bước 2: Làm nhân thịt
- Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch rồi băm nhỏ.
- Hành bóc vỏ, băm nhỏ.
- Thịt xay trộn với nấm hương, mộc nhĩ băm nhỏ, nêm xíu hạt nêm cho đậm đà.
- Láng một chút dầu ăn lên chảo, cho hành băm vào phi cho thơm, cho thịt xay trộn với nấm và mộc nhĩ vào xào cho chín là được.
Xào thịt, mộc nhĩ
Bước 3: Pha nước chan bánh đúc nóng
- Cho 50g đường, 50ml nước mắm, 50ml nước cốt chanh vào bát, khuấy đều cho tan hết đường (tỷ lệ 1:1:1).
Pha nước mắm chua ngọt
- Rau mùi nhặt rửa sạch, thái nhỏ. Có thể thêm hành phi nếu thích.
Bước 4: Hoàn thành và thưởng thức
- Chuẩn bị bát có miệng rộng, múc bánh đúc còn đang nóng vào bát, múc thịt xào đổ lên mặt bánh, chan nước mắm chua ngọt lên, rắc rau mùi thái nhỏ và hành phi và thưởng thức.
- Bánh đúc nóng có vị đậm đà của thịt, bánh đúc mềm thơm, nước mắm chua ngọt hài hòa vô cùng thơm ngon.
Bánh đúc nóng thơm ngon
4. Cách làm bánh đúc lá dứa ngọt
Nguyên liệu làm bánh đúc ngọt lá dứa
- 200g bột năng
- 200g bột gạo tẻ
- 300g đường
- 150ml nước cốt dừa
- 3g bột năng
- 1/2 củ gừng, 1/2 thìa cafe muối
- 1 bó lá dứa
Cách làm bánh đúc lá dứa ngọt ngon
Bước 1: Làm bột bánh
- Lá dứa rửa sạch, cắt khúc nhỏ. Cho vào máy xay cùng 400ml nước xay nhuyễn. Sau đó lọc lấy nước cốt.
- Cho 1/2 thìa cafe muối, 200g đường, 100ml nước cốt dừa vào phần nước lá dứa khuấy thật đều.
- Rây bột gạo và bột năng lại với nhau. Đổ toàn bộ nước lá dứa, đường, nước cốt dừa vừa khuấy vào âu bột, khuấy bột theo 1 chiều cho đến khi tan hết bột. Để bột nghỉ 30 phút.
- Bột nghỉ 30 phút xong khuấy đều lại. Bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ, khuấy cho đến khi thấy bột quánh lại thì tắt bếp.
- Chuẩn bị khay, lót 1 lớp dầu ăn rồi đổ bột vào khuôn, cho lên bếp hấp chín.
- Bánh đúc hấp chín đổ ra để nguội rồi thái thành miếng nhỏ vừa ăn. (Nếu muốn bánh dẻo hơn, giòn giòn thì để bánh vào ngăn mát tủ lạnh 30 phút trước khi ăn).
Bước 2: Làm nước cốt dừa bánh đúc ngọt
- Gừng rửa sạch, bỏ vỏ rồi xay nhuyễn cùng xíu nước.
- Nước cốt dừa đổ ra nồi, thêm 400ml nước lọc, 100g đường vào khuấy đều rồi đun với lửa vừa (chỉ để nước cốt dừa sôi lăn tăn, không sôi bùng).
- Khi nước cốt dừa sôi lăn tăn, hạ lửa nhỏ và cho gừng xay nhuyễn vào. Hòa tan 3g bột năng với xíu nước rồi cho vào nồi nước cốt dừa đang sôi, vừa đổ vừa khuấy. Khi thấy nước cốt dừa sánh lại thì tắt bếp. Nước cốt dừa để nguội sẽ đặc hơn.
Nấu nước cốt dừa
Hoàn thành và thưởng thức
- Lấy bánh đúc lá dứa đã thái miếng vừa ăn cho lên đĩa, rưới nước cốt dừa lên và thưởng thức.
- Bánh đúc lá dứa ngọt, mềm và có độ giòn nhẹ, khi ăn bánh có hương thơm của lá dứa, ngậy béo của nước cốt dừa rất thơm ngon.
Bánh đúc lá dứa nước cốt dừa thơm ngon béo ngậy
Cách làm bánh đúc rất đơn giản, các bạn có thể thực hiện tại nhà nhanh chóng. Đối với bánh đúc lạc truyền thống thường sử dụng nước vôi trong sẽ cho hương vị chuẩn hơn.
- 6 sai lầm khi uống bột sắn dây giải nhiệt mùa hè gây hại cho... (Thứ tư, 20:08:04 19/05/2021)
- Thức ăn rơi xuống đất, nhanh tay nhặt lên ăn theo Quy tắc 5... (Thứ sáu, 17:30:01 14/05/2021)
- Uống rượu bia tránh xa 4 loại thực phẩm này kẻo gặp họa sát... (Thứ tư, 09:14:06 05/05/2021)
- 8 loại trái cây không bao giờ nhập khẩu từ Trung Quốc, bà nội... (Thứ bảy, 08:36:04 24/04/2021)
- Quên thịt đi, trứng rán cùng với thứ này mới thực sự bổ... (Thứ tư, 16:50:09 21/04/2021)
- Những món ăn sáng vừa ngon vừa bổ mà bạn không thể bỏ lỡ (Thứ bảy, 07:41:04 17/04/2021)
- Ăn xôi buổi sáng vừa lành vừa chắc dạ nhưng 5 nhóm người... (Thứ năm, 07:51:01 15/04/2021)
- Đại kỵ khi ăn trứng vịt lộn chị em cần biết kẻo gây hại... (Thứ tư, 08:26:07 07/04/2021)
- Không phải bún phở, đây là 7 món ăn sáng tốt gấp nhiều lần,... (Thứ Hai, 08:15:09 05/04/2021)
- Rong biển nấu canh xưa rồi, đem rang cơm thế này mới chất (Thứ năm, 16:42:09 01/04/2021)
-
Đồ Chơi Pop it bóp bóp Bấm Nút Bóp Bóng - Pop It
Thứ tư, 20:15:04 15/02/2023
-
Đồ chơi bộ hộp sét 6 món ô tô máy bay chạy cót xịn xò
Thứ Hai, 18:18:01 13/02/2023
-
Máy gắp thú bông cho bé cỡ lớn BBT GLOBAL
Chủ nhật, 15:54:02 12/02/2023