Chuyên gia y tế dự phòng: Chỉ diệt muỗi mà không diệt loăng quăng, bọ gậy thì sẽ có ngay muỗi mới

Nhiều người lầm tưởng rằng phun hóa chất một lần là có thể diệt được muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của hóa chất diệt muỗi...

Tuy nhiên, trên thực tế các chuyên gia nhấn mạnh: Phun hóa chất chỉ có tác dụng tức thời trong thời gian ngắn để diệt đàn muỗi trưởng thành đang mang mầm bệnh Còn nếu chúng ta không thực hiện việc diệt loăng quăng, bọ gậy trong dụng cụ chứa nước thì ngay hôm sau đàn muỗi mới có thể đã nở ra.

ThS.BS Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh SXH truyền qua muỗi và hiện nay SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh ở Việt Nam cho nên biện pháp phòng SXH vẫn là diệt muỗi và loăng quăng, bọ gậy.

'Muỗi truyền SXH có đặc điểm ở trong các hộ gia đình muỗi đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà và biện pháp phun hóa chất chỉ là biện pháp tức thời bởi vì muỗi truyền SXH không đậu lên tường cho nên biện pháp phun hóa chất để diệt muỗi chúng ta không dùng biện pháp phun lên tường mà phun lên không gian với các hạt thể tích nhỏ bay lơ lửng trong không gian và khi muỗi bay ra thì sẽ bám vào và tiêu diệt muỗi.

Các chuyên gia phát hiện bình hoa cây phát lộc là nơi trú ngụ của 1 ổ bọ gậy.

Các chuyên gia phát hiện bình hoa cây phát lộc là nơi trú ngụ của 1 ổ bọ gậy

Biện pháp này chỉ có tác dụng từ 1-2 tiếng khi các hạt hóa chất còn lơ lửng trên không gian sau đó rơi xuống đất và hết tác dụng nên biện pháp phun hóa chất chỉ có tác dụng tức thời trong thời gian ngắn để diệt đàn muỗi trưởng thành đang mang mầm bệnh. Còn nếu chúng ta không thực hiện việc diệt loăng quăng, bọ gậy trong dụng cụ chứa nước thì ngay hôm sau đàn muỗi mới có thể đã nở ra'- ThS. Khoa phân tích.

2 chỉ định phun thuốc diệt muỗi

Theo các chuyên gia, hóa chất để phun diệt muỗi thì không thể nào làm muỗi khỏe lên mà chỉ có thể làm yếu đi hoặc chết. Nếu phun không liều lượng, thời gian thì có thể không hạ gục được muỗi hoặc tỉ lệ hạ gục thấp đi; còn nếu phun đủ liều lượng, thời gian sẽ có tác dụng tốt. Yếu tố làm cho hiệu quả là bao phủ, liều lượng không gian, thời gian muỗi hoạt động vào sáng sớm, chiều tối. Chúng ta đồng thời phải diệt bọ gậy.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì có 2 chỉ định để phun diệt muỗi, đó là khi có ổ dịch tức là khi có 2 bệnh nhân có chẩn đoán lâm sàng hoặc 1 bệnh có khẳng định bằng xét nghiệm trong khu dân cư trong 14 ngày thì đó gọi là ổ dịch, lúc đó sẽ có chỉ định phun thuốc diệt muỗi, bán kính phun 200m.

Chỉ định thứ hai đó là chỉ định vector truyền bệnh khi ở khu vực có tỷ lệ mật độ muỗi cao 0,5 con/nhà, hoặc chỉ số dụng cụ có nhiều bọ gậy thì chúng ta sẽ chỉ định phun hóa chất diện rộng, phun từ 2-3 lần, lần thứ nhất phun sau đó cách 7 -10 ngày phun lần 2, sau đó kiểm tra lại vector để phun lần 3. Sau khi phun thì ngày hôm sau có thể nảy sinh ra đàn muỗi mới. Cần phun hóa chất kèm diệt bọ gậy, hộ gia đình có thể sử dụng hóa chất mà Bộ Y tế cấp phép, hoặc của nhà sản xuất, phun đồng bộ các nhà.

Cũng theo ThS, Khoa, hiệu quả của phun hóa chất phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất có đồng bộ để diệt hết đàn muỗi không, yếu tố thứ hai là các hộ có để cán bộ y tế phun hết các phòng không, yếu tố thứ ba là có diệt đồng thời bọ gậy.

'Mọi người cứ nghĩ hóa chất đó không có tác dụng nhưng thực ra đó là đàn muỗi khác từ nơi khác hoặc từ trong gia đình sinh ra. Nếu dùng nhiều hóa chất sẽ sinh ra đáp ứng tự nhiên, ở Hà Nội cũng có một vài chỗ, chúng ta có khảo nghiệm và thấy muỗi có thể tăng sức chịu đựng lên một chút nhưng  chưa đến mức độ khá, chúng ta vẫn có thể dùng được hóa chất. Hóa chất hiện nay chúng ta đang dùng có hai nhóm. Ở Hà Nội thì chúng ta đang dùng và có hiệu quả trong diệt muỗi, đây là hóa chất được Bộ Y tế cấp phép'- ông Khoa cho hay.

Để đảm bảo hiệu quả thì các cửa sổ, cửa ra vào, lỗ thông hơi cần đóng kín lại. Trước khi phun cần thu dọn dụng cụ thực phẩm để không nhiễm hóa chất, gia cầm, gia súc cần ra ngoài và quay lại trong vòng 60 phút. Một số người có thể mẩn ngứa ngoài da. Đối với các trường này cần có các biện pháp như nếu vào mắt thì phải rửa bằng nước sạch, súc miệng, rửa ngoài da để trôi hóa chất. Đối với người quá nhạy cảm không đỡ thì phải đến cơ sở y tế.

Theo Bộ Y tế, tỉ lệ phân loại nặng do SXH hàng năm của Bộ Y tế chỉ khoảng 3,5-5% trên tổng số bệnh nhân SXH. Năm nay tỉ lệ này thấp hơn, ở miền Nam khoảng 2,6%, miền Bắc chỉ 0,06% phân loại nặng mà thôi, do đó người dân không nên quá hoang mang.

Biến chứng nặng có thể xảy ra và nguy hiểm nhưng không phải trường hợp nào cũng lên tuyến trên khám. Tùy thể trạng, bệnh nền mà mọi người nên đi khám. Quan trọng nhất là người bệnh cần phải đi khám để tư vấn để biết được khi nào cần phải quay lại viện ngay.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật