Bệnh Hansen là bệnh gì và cách phòng bệnh như thế nào?

Tôi là công nhân, chúng tôi có thuê phòng ở chung, bạn tôi có người thân cùng ở bị bệnh Hansen, đã điều trị ổn định. Vậy tôi xin hỏi bệnh trên là bệnh gì, bệnh có lây không, đường lây truyền và phòng bệnh Hansen như thế nào?

(Lý Thanh Công Trường - Đồng Nai)

Bệnh Hansen, theo thuật ngữ y khoa Việt Nam gọi là bệnh phong, còn có tên khác ở miền bắc gọi là bệnh hủi, miền Nam gọi là bệnh cùi, miền Trung gọi là bệnh phung. Để tránh thành kiến sai lầm nên được gọi với tên chung là bệnh Hansen.

Bệnh Hansen được phát hiện từ lâu, nhưng mãi đến năm 1873 được bác sĩ người Na Uy tên là Armauer Hansen tìm ra tác nhân gây bệnh, là một loại trực khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium Leprae hay còn được gọi là trực khuẩn Hansen, viết tắt là BH (Bacille Hansen), là bệnh lây truyền chứ không phải là bệnh di truyền Bệnh rất khó lây.

Qua nhiều cuộc nghiên cứu, người ta thấy rằng tỉ lệ lây lan trong các cặp vợ chồng hoặc trong gia đình có người bệnh Hansen chỉ lây từ 2 - 5%. Nguồn lây chủ yếu hầu như chỉ có bệnh nhân Hansen, thể nhiều khuẩn chưa điều trị, trực khuẩn được bài tiết ra ngoài từ người bệnh qua 2 đường chính là đường hô hấp và đường da bị lở loét, trong đó chủ yếu là đường hô hấp từ chất nhầy mũi. Trực khuẩn Hansen có thể sống ở môi trường ngoài cơ thể khoảng 1 - 2 tuần. Người lành bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn qua đường đường hô hấp và qua da bị trầy xước do chấn thương, trong đó đường hô hấp là chủ yếu, khả năng mắc bệnh còn tùy thuộc vào sức đề kháng của cơ thể người tiếp xúc.

Ngoài đường lây nhiễm trực tiếp, lây nhiễm gián tiếp trong bệnh Hansen không giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển của bệnh, tuy nhiên bệnh có thể lây qua vật dụng dùng chung như mặc chung quần áo, chung giường nằm, vật dụng dùng chung hằng ngày vì trực khuẩn Hansen có thể tồn tại nhiều ngày ở môi trường bên ngoài, việc lây nhiễm qua côn trùng đốt hiện nay còn tiếp tục nghiên cứu.

Về phòng bệnh, biện pháp phòng bệnh chủ yếu hiện nay là phát hiện sớm, điều trị kịp thời, trong đó việc giáo dục sức khỏe phải được thực hiện thường xuyên và rộng khắp nhằm giúp  cho mọi người dân có kiến thức căn bản về bệnh Hansen, có quan niệm đúng đắn về bệnh Hansen: không còn là bệnh nan y và bệnh không đáng sợ nữa, là một bệnh nhiễm trùng có thể điều trị khỏi hoàn toàn.

Mọi người cần có nếp sống sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh thân thể, vệ sinh nơi ở, đồng thời ăn uống đầy đủ, hợp lý để nâng cao sức đề kháng chống đỡ với bệnh tật, biết các dấu hiệu sớm của bệnh như: xuất hiện trên da một đốm bất thường kèm theo rối loạn cảm giác cần được khám sớm chuyên khoa da liễu để phát hiện và điều trị kịp thời .

Tóm lại, bệnh Hansen ngày nay không còn là bệnh nan y. Ngành y tế đã đề ra chương trình thanh toán bệnh Hansen, bệnh được điều trị tại nhà bằng ngân sách nhà nước và viện trợ quốc tế, bệnh nhân luôn được cộng đồng và xã hội quan tâm động viên, giúp đỡ, theo dõi và điều trị  tại y tế địa phương.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật