Người mắc hội chứng Down vẫn có thể sinh hoạt bình thường?

Thực tế cho thấy, nhiều người mắc hội chứng Down có thể sống và cống hiến cho xã hội, thậm chí còn xuất sắc hơn những người bình thường.

Down là hội chứng thường gặp nhất trong số các bệnh do rối loạn nhiễm sắc thể Ở người, mỗi tế bào bình thường chứa 46 nhiễm sắc thể (23 cặp). Tuy nhiên, những người mắc hội chứng Down có tới 47 nhiễm sắc thể, thừa 1 nhiễm sắc thể ở cặp số 21.

Theo thống kê, cứ 800 – 1000 trẻ mới sinh thì có 1 trẻ mắc hội chứng Down. Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ sinh con mắc hội chứng này cao hơn những sản phụ trẻ tuổi (tỷ lệ 1/350). Tỷ lệ trẻ sinh ra mắc hội chứng Down cũng tăng dần theo tuổi của người mẹ: 1/100 thai phụ ở tuổi 40 và 1/30 thai phụ ở tuổi 45.

Những người mắc hội chứng Down thường có xu hướng phát triển chậm hơn người bình thường cả về thể chất và khả năng nhận thức. Bên cạnh đó, 50% trẻ mắc hội chứng Down bị khuyết tật tim bẩm sinh và rất dễ gặp các vấn đề về hô hấp tiêu hóa nhiễm khuẩn

Hiện nay, nhiều người vẫn có định kiến với người mắc hội chứng Down. Họ cho rằng những người bị Down không thể tự mình lo cho bản thân, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây là nhận thức hoàn toàn sai lầm.

Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ mắc hội chứng Down hoàn toàn có thể phát triển như người thường. Nếu được can thiệp kịp thời, chỉ 10% trẻ chậm phát triển tâm thần ở mức độ nhẹ và vừa tiến triển thành thể nặng. Do đó, dù khả năng tiếp thu bị hạn chế, nhưng trẻ vẫn có khả năng làm các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, thậm chí là học đọc, học viết, làm toán… Thậm chí, một số trẻ vẫn phát triển khỏe mạnh mà không cần chế độ chăm sóc y tế đặc biệt.

Thực tế cho thấy, nhiều người mắc hội chứng Down đã chứng minh rằng họ cũng có thể sống, làm việc, cống hiến cho xã hội và thậm chí còn xuất sắc hơn những người bình thường.

Madeline Stuart (Brisbane, Úc) đã tiếp thêm nghị lực cho những người mắc hội chứng Down khi cô quyết tâm theo đuổi sự nghiệp người mẫu và đã gặt hái rất nhiều thành công. Hình ảnh cô người mẫu nhỏ bé mắc hội chứng Down tự tin bước đi trên sàn catwalk đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ của mọi người về những người giống như cô. Nỗ lực và sự tự tin vào bản thân đã giúp Madeline Stuart chạm vào ước mơ của mình.

Thế giới cũng đã từng kinh ngạc trước thành tích học tập xuất sắc của cô gái mắc hội chứng Down Megan McCormick. Cha mẹ Megan từng sốc và buồn bã khi biết rằng con gái mình không giống những đứa trẻ bình thường. Tuy nhiên tình yêu thương, sự kiên trì và niềm tin mãnh liệt đã giúp họ nuôi dạy Megan trở thành người đầu tiên mắc hội chứng Down tốt nghiệp loại ưu một trường đại học công nghệ ở Mỹ.

Không ở đâu xa, ngay tại Việt Nam, chúng ta cũng từng xúc động và khâm phục trước sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chàng trai bị Down Mạc Đăng Mừng và người cha của mình. Từ một đứa trẻ mắc bệnh Down 7 tuổi mới biết lết, 9 tuổi mới tập nói và 12 tuổi mới biết đi, ở tuổi 27, Mạc Đăng Mừng đã trở thành sinh viên đại học. Không những vậy, chàng trai này còn chơi organ thành thạo, đạt đai nâu môn võ Aikido, tham gia thi đấu các môn thể thao như bóng rổ, đá bóng tại giải thể thao dành cho người khuyết tật và đã đạt nhiều thành tích đáng kể.

Madeline Stuart,  Megan McCormick, Mạc Đăng Mừng chỉ là 3 trong số rất nhiều những người mắc hội chứng Down đã chứng minh cho thế giới thấy rằng họ hoàn toàn có thể phát triển như người bình thường và hòa nhập với cộng đồng. Không những vậy, nỗ lực và niềm tin của họ còn truyền lửa cho rất nhiều người khác.

Những người mắc hội chứng Down vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, vì vậy, thay vì kì thị, định kiến, hãy quan tâm, sẻ chia với những khó khăn của họ. Hãy cùng chung tay giúp họ có cơ hội được học tập, nâng cao thể chất và hòa nhập cộng đồng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật