Không thể ở bên con mãi, cha mẹ cần dạy trẻ tự bảo vệ mình

Để chống chọi với mối nguy cơ bị lạm dung, con cần nhiều hơn là một cái ôm hay cái điện thoại, iPad của bố mẹ.

Hiểm họa rình rập ở mọi nơi, nhưng mẹ không thể giữ con cạnh bên mãi mãi

Hết sức dũng cảm và quyết tâm, sau khi lên dây cót tinh thần mấy lần, tôi mới dám mở xem bộ phim 'Hope' (Hy vọng) đang được trăm nghìn người chia sẻ mấy ngày nay. Nội dung phim gây ám ảnh kinh khủng, khi một cô bé học tiểu học, bố mẹ bận rộn không có thời gian quan tâm em, trong một lần tự đi đến trường đã bị một gã tấn công và xâm hại tình dục Cô bé ấy đã bị tổn thương về mặt thể chất và tinh thần kinh khủng đến nỗi, em thấy sợ tất thảy đàn ông trên thế giới, và ghê sợ chính bản thân mình.

Trên thực tế, việc trẻ nhỏ bị tấn công và xâm hại tình dục đã trở thành một vấn nạn nhức nhối của xã hội. Chỉ trong vòng năm năm (từ 2011 đến 2015), ở Việt Nam có đến 5300 vụ xâm hại tình dục. Tất nhiên đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bởi còn quá nhiều nạn nhân, vì quá bé nhỏ chưa ý thức được nỗi đau mình phải trải qua, hay bị đe dọa mà không dám nói thật, vẫn đang ngày ngày im lặng gặm nhấm nỗi đau đớn và sợ hãi một mình.

Là mẹ của một đứa con chưa đầy hai tuổi, đầu tôi giật liên hồi, nước mắt không thể ngừng rơi khi những thước phim và con số ấy cứ nhảy nhót trong đầu. Điều đau lòng hơn cả là những tên yêu râu xanh kia thường đội lốt những người thân quen nhất, dành được lòng tin của trẻ nhỏ nhất. Vậy thì những người làm cha làm mẹ sẽ phải làm gì để bảo vệ con mình đây? Khi nhìn đâu cũng thấy hiểm họa, nhìn ai cũng thấy nghi ngờ? Cuộc đời đầy rẫy gai nhọn và sóng ngầm, nhưng đâu có nghĩa vì thế mà các bà mẹ có thể ngồi đó mà ôm con mình 24/7?

Cuộc sống với nỗi lo cơm áo gạo tiền đã cuốn chúng ta đi nhanh hơn mình tưởng. Chúng ta bớt để ý đến con cái, chẳng quan tâm lắm khi để chúng tự đi học, đi chơi một mình dù vẫn còn nhỏ xíu. Tại sao chúng ta lại chủ quan đến vậy? Để rồi khi con mình trở thành nạn nhân của một vụ xâm hại thì mới gào lên khóc than, thương con và hối hận? Mất bò mới lo làm chuồng thì còn ý nghĩa gì nữa? Những tiếng khóc ấy, nỗi căm hận ấy có làm con bạn lành lặn trở lại được không? Tất nhiên là không.

Bé con, mẹ sẽ dạy con cách bảo vệ mình

Bộ phim 'Hope' đánh thẳng vào lòng trắc ẩn vốn có của con người, chứ không riêng gì những kẻ đã làm cha làm mẹ Một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người còn quá chủ quan, nghĩ rằng con mình mới hai, ba tuổi thì cần gì phải dạy con về giới tính hay cách để bảo vệ mình hay để nói ra sự thật.

Theo con số thống kê phía trên, nếu chia trung bình ra thì cứ 6 bé trai lại có một bé từng bị xâm hại, và tỉ lệ này ở bé gái là 1:4. Quá kinh khủng cho một vấn nạn đáng ghê tởm như vậy. Hằng ngày, chúng ta chỉ chăm chăm lo cho con miếng ăn, chỗ ngủ, đồ chơi, mà quên mất trẻ nhỏ cũng rất cần được dạy về bản năng tự vệ.

Trước khi để điều gì đó đáng tiếc xảy ra, hãy trang bị kỹ năng cho con thật kỹ càng. Là một người mẹ dũng cảm và mạnh mẽ, bạn cần phải hiểu trong cuộc đời này, bất cứ ai cũng có thể tặng cho con bạn một cái tát trời giáng, kể cả những người thân yêu nhất đối với chúng. Để chống chọi với nó, con cần nhiều hơn là một cái ôm hay cái điện thoại, iPad của bố mẹ.

Đầu tiên, hãy là một người mẹ xuất hiện đều đặn và thường xuyên trong mọi hoạt động của con mình. Không nhất thiết phải tham gia cùng con, nhưng hãy quan tâm, hỏi han con về những điều đó. Ngày của con trôi qua như thế nào? Con đã gặp những ai? Có người bạn mới lớn tuổi nào đến làm quen với con không? Hôm nay con có điều gì bất thường khác lạ hay không? Mẹ khác mọi người xung quanh ở điều đó. Sợi dây liên kết giữa mẹ và con từ khi con còn trong bụng đến khi được sinh ra vẫn còn đó, hãy tin vào trực giác của mình.

Thứ hai, học cách khuyến khích con nói lên suy nghĩ của mình. Dạy con về những giới hạn, dạy con hiểu về cơ thể mình, đâu là chỗ chỉ mình con được nhìn thấy, được động vào, đâu là những hành động tuyệt đối không được để người khác làm với mình. Hãy để con được kể với mẹ, mách mẹ mọi thứ. Đừng là một bà mẹ khiến con cảm thấy sợ hãi hay ngại ngùng khi tâm sự Luôn luôn ở đó, và lắng nghe mọi điều con muốn nói. 'Có mẹ đây rồi, sẽ không ai làm đau con được nữa.', đó là điều con bạn lúc nào cũng muốn nghe, bất kể còn nhỏ hay đã trưởng thành.

Cuối cùng, hãy kể cho con nghe về những hiểm họa ấy. Bật những clip về vấn nạn xâm hại tình dục cho con xem, và hỏi những câu hỏi gợi mở, như 'Con đã biết gì về điều này chưa?', 'Con có sợ không?', 'Nếu là con, con sẽ làm gì?'. Để vượt qua nỗi sợ hãi, cách nhanh nhất là đối diện và đi thẳng qua nó. Đừng giấu giếm, đừng che đậy, đừng để con ngơ ngác không biết gì. Làm mẹ mà vô tâm, ấy cũng là một cái tội tày đình!

Kể cả khi không còn gì, chúng ta vẫn còn hy vọng

Đúng như tên của bộ phim, 'Hope' mở ra một niềm tin vào tương lai tươi sáng. Dù ít ỏi, dù chỉ le lói như ánh sáng cuối đường tàu, nhưng cũng đủ để chúng ta có thêm niềm tin vào cuộc sống

Ai cũng có những vết sẹo thời ấu thơ. Có thể là những vết sẹo nhìn thấy được trên cơ thể, nhưng cũng có những vết sẹo mãi mãi khắc sâu trong tâm trí mỗi người. Vượt qua nó, đối diện với nó, nói về nó, hẳn không phải chuyện đơn giản. Nhưng chúng ta không nên vì thế mà nghĩ rằng thế giới này chỉ toàn một màu đen u ám.

Nếu con không may là nạn nhân, phải mang trong mình vết sẹo quá lớn cả về tinh thần lẫn thể xác, hãy yên lặng, bình thản và chậm rãi, cùng con đi qua vùng phóng xạ đáng sợ ấy.

Điều đó tốt hơn chán vạn lần việc bạn ôm con khóc lóc đêm ngày, giấu giếm sự việc vì nghĩ rằng nói ra sẽ làm ảnh hưởng đến con, làm xấu mặt gia đình Đã đến lúc chúng ta cần bảo vệ con mình, một cách tích cực và đúng nghĩa. Đừng để nạn nhân phải khóc, kẻ phạm tội thì vẫn nhơn nhơn. Biến giận dữ thành hành động, yêu thương thành lớp lá chắn để con mình vượt qua được nỗi ám ảnh, đấy mới là việc một người mẹ nên làm!

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật